Có một gia đình như thế được xây đắp nên từ hình ảnh một con người bị thương-mảnh đạn còn nằm kẹt trong đầu nhưng đã lập nên những chiến công giữa bao hiểm nguy thách thức của những ngày gian khổ nhất của cách mạng miền Nam. Đó là ông Lê Mễ sinh năm1917 tại làng Viêm Tây, xã Điện Thắng Bắc, Điện Bàn. Năm 28 tuổi, ông tham gia vào hàng ngũ Việt Minh nổi dậy đánh Tây, đuổi Nhật và tham gia cướp chính quyền vào Tháng Tám 1945.
Tháng 4/1947, thực dân Pháp tái chiếm Điện Bàn, chúng xây dựng đồn bót, xua quân đi càn, bắn giết dân lành. Lúc này ông được chọn vào đội du kích tập trung xã và đã từng tham gia nhiều trận chống càn, chỉ huy diệt tề, trừ gian, lập được nhiều chiến công. Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản, sinh hoạt ở tổ 17 thuộc chi bộ Phan Xuân Mai, làm trưởng ban kho lương kháng chiến xã. Đông-Xuân 1953-1954, ông được điều làm tiểu đội trưởng du kích. Tiểu đội do ông chỉ huy, phối hợp với bộ đội tấn công cứ điểm Bồ Bồ (Điện Tiến). Trong trận đó, ông bị thương, mảnh đạn nằm kẹt trong đầu mà lúc ấy vì điều kiện y tế khó khăn không giải phẫu được.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Mỹ thay chân Pháp dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thi hành chính sách tố cộng, diệt cộng. Bọn chúng còn lập ra “đảng cần lao”, bắt bớ những người kháng chiến cũ, gây ra nhiều vụ thảm sát. Địch ngang nhiên tuyên bố giết lầm hơn bỏ sót, với các thủ đoạn nham hiểm, tàn bạo như: giết lén, chôn lén, bỏ bao tời thả sông, hoặc dùng bọn đầu trâu mặt ngựa có thù oán cá nhân lợi dụng bắt bớ, đánh đập những gia đình có thân nhân tham gia kháng chiến mà chúng xếp vào diện “can cứu”. . .
Sau năm 1955-1956, Lê Mễ không tập kết ra Bắc được vì vết thương hoành hành. Ông ở lại, hợp pháp hoạt động bí mật. Lê Mễ âm thầm tìm cách tuyên truyền rỉ tai các gia đình kháng chiến, giữ vững lòng tin với cách mạng. Nhưng Đỗ Phú Th. phản bội, tiếp theo là đợt chỉ điểm thanh trừng, với chính sách tố cộng, diệt cộng riết róng hơn. Bị Lê H. chỉ điểm là cán bộ nằm vùng nên ngay lớp tố cộng đầu tiên ở Thanh Quýt, Lê Mễ đã bị bắt. Địch bắt ông ra hành hạ, sám hối với đủ mọi cực hành: hai tay bị lạt cật cứa tóe máu; uống nước ớt, nước vôi; bụng bị bàn là ủi. . . bị đánh chết đi sống lại nhiều lần nhưng Lê Mễ vẫn không đầu hàng, không phản bội lòng tin của các gia đình cơ sở cách mạng. Trước kẻ thù, ông đấu lý với chúng: Việc chống Pháp đuổi Nhật là chuyện của toàn dân Việt Nam . Ngày nay, Tây, Nhật về nước đó là công của cả mọi người, chứ đâu phải là chuyện riêng gì tôi. Ngày trước, hàng ngàn người dân tham gia cướp chính quyền tại tỉnh đường chứ đâu phải chỉ có mình tôi. Để tấn công lại Lê H., ông tố rằng H. vì tư thù tư oán trước đây mà khai bậy, không nên tin.
Đấu lý không xong, địch ép ông vào ngõ cụt: xé cờ Đảng, Ông không xé, chúng hỏi: “Không phải cán bộ nằm vùng sao không xé?” Ông trả lời: “Ai có Đảng mới ly khai xé cờ Đảng, còn tôi không phải Đảng, xé cờ Đảng là giả danh hay sao?” Đuối lý trong lớp học tố cộng, bọn tay sai chỉ còn biết dùng thủ đoạn hèn hạ đánh đập ông. Sau đó chúng cho ông là thành phần cứng đầu, chuyển xuống lao Vĩnh Điện để tiếp tục thẩm vấn. Hết lao này, sau năm 1958, địch lại chuyển ông ra nhà lao Thừa Phủ (Huế). Đến giữa tháng 5/1960, địch mới thả ông. Dù được trả tự do, nhưng Lê Mễ biết ra khỏi tù thế nào chúng cũng đeo bám rình rập hoặc bí mật thủ tiêu. Ông đã tìm cách lách tránh mới về được quê. Về lại địa phương cũng không dễ gì sống nổi với bọn ngụy tề ác ôn ngày đêm rình rập, thế là ông quyết định thoát ly vào tháng 6/1960, sau khi dặn dò gia đình là dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng giữ vững lòng tin vào cách mạng.
Lên căn cứ, nắm bắt tinh thần Nghị quyết 15 của Đảng về chuyển hướng cách mạng miền Nam, năm1962 Lê Mễ trở về hoạt động bí mật tại Điện Bàn. Ông được giao nhiệm vụ Bí thư chi bộ cánh Tây Bắc xã Điện Thắng. Ngủ hầm, ăn bụi, đi công tác xuyên suốt, Lê Mễ đã góp phần vực dậy tinh thần và khí thế cách mạng ở quê hương ông, chuẩn bị cho một cao trào đồng khởi phá kèm, phá ấp chiến lược. . .
Một ngày tháng Giêng 1964, trên đường đi công tác Lê Mễ bị bọn tề điệp phát hiện. Bọn chúng huy động cả mâm ngụy tề xã Thanh Trường cùng bọn dân vệ, bảo an vây bắt ông. Lọt giữa vòng vây giặc, mặc cho chúng kêu gọi đầu hàng, ông không khuất phục, hứng chịu những loạt đạn thù và chấp nhận hy sinh. Sau khi giết được Lê Mễ, bọn địch kéo xác ông xuống phơi nắmg ở đường quốc lộ 1 nhằm uy hiếp tinh thần dân chúng và hô hào thành tích diệt cộng. Nhưng chúng đã lầm, lòng dân Điện Thắng quê ông càng tiếc thương vô hạn một người cán bộ quả cảm, càng căm thù giặc sâu sắc. Trong gia đình ông, vợ và các con, lấy đó làm ngọn lửa căm hờn, sục sôi thoát ly đi kháng chiến. Con đầu của ông, chị Lê Thị Mễ và con trai thứ là anh Lê Hữu Khương đang ở Sài Gòn làm ăn cũng thoát ly vào đội biệt động thành Sài Gòn-Gia Định, hy sinh 1968. Rồi lần lượt đến anh Lê Hữu Viết thoát ly, công tác tại huyện Điện Bàn.
Ở tại quê quán, người vợ của ông, bà Nguyễn Thị Mễ (tức Thưởng) cũng tham gia đào hầm nuôi giấu cán bộ. Vườn nhà bà rộng hơn 1 mẫu có đến 13 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ xã, huyện và thành phố Đà Nẵng. Vì có chồng và các con thoát ly nên bà Mễ thường xuyên bị bọn địch “ghé thăm”, rình rập. Năm lần bảy lượt chúng bắt bà tra vấn, hành hạ nhưng bà vần một mực trung thành, vẫn một lòng trung kiên với cách mạng, không so bì tính toán thiệt hơn. Người con gái thứ của bà là chị Lê Thị Khiết, lớn lên cũng tham gia với mẹ canh giữ hầm bí mật, ngụy trang xóa dấu vết các đồng đội các bộ đêm đêm về công tác, ghé qua những căn hầm trú ẩn. Nhiều lần chị Khiết cũng bị địch bắt tra vấn, cầm tù song chị can đảm chịu đựng đánh đập, khảo tra mà không hề hé răng cho địch biết những thông tin về hoạt động của ta.
Một nhà làm cách mạng, và cả khu vườn của bà Mễ đã trở thành một di tích hào hùng của kháng chiến, là một điển hình tiêu biểu của lòng dân trung kiên. Vì vậy khu vườn nhà của gia đình bà Mễ thật xứng đáng được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích lịch sử cách mạng vào năm 2002.
Giờ đây, ở tuổi 90 bà Mễ vẫn còn minh mẩn kể lại những câu chuyện của một thời tranh đấu. Bà chính là một di tích sống động nhất của câu chuyện kháng chiến ở vùng đất anh hùng.