Quá khứ vinh quang…
Mở một gói nilong đã cũ màu, lấy ra và lật mở từng tờ giấy được viết rõ ràng (có thể nói đúng hơn là “đẹp” so với tuổi của người viết), ông Phan Song ở thôn Phong Lục Tây (xã Điện Thắng Nam – thị xã Điện Bàn) đọc cho chúng tôi nghe những sự kiện của quê hương và của cuộc đời được ông ghi chép cẩn thận và cất giữ như báu vật trong nhiều năm qua. Câu chuyện về quá trình hoạt động cách mạng được ông kể lại một cách sống động và đầy tự hào, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn dừng nghỉ và nói rằng “Lúc đó mình chỉ nghĩ sao là làm vậy, chứ chưa xứng đáng để dùng hai từ “kiên trung” đâu”. Tham gia cách mạng từ khi mới 12 tuổi, khi đó chỉ là một cậu bé chăn bò, ông đã được các đồng chí đi trước trao trọng trách cảnh giới trong các phiên họp của lực lượng cách mạng tại địa phương, khi thấy địch đến thì dùng roi đánh mạnh vào con bò để cho bò nhảy – đó là một tín hiệu báo động cho lực lượng của ta sơ tán. Cũng có khi tham gia vào đội bóng đá của trẻ con xóm này với xóm khác, để các đồng chí lớn tuổi hơn dẫn đội bóng đi đá giao lưu và ngồi bên ngoài sân bóng để bàn công việc hoặc có khi nhận nhiệm vụ dẫn đường cho nhân dân nơi khác đến ở trong làng tập trung về địa điểm để nghe lực lượng của ta nói chuyện và tuyên truyền về phong trào cách mạng. Cũng từ những lần như thế mà ý thức cách mạng hình thành trong ông lúc nào không biết. Thế là năm 1946 khi vừa tròn 17 Tuổi, ông chính thức tham gia vào lực lượng dân quân du kích địa phương và đến năm 19 tuổi ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng sau khi vượt qua nhiều thử thách tưởng chừng đã hy sinh. Cũng năm ấy, ông được bầu làm Đảng ủy viên rồi phân công làm Chính trị viên xã đội. Suốt 40 năm trong quân ngũ, ông đã từng được tổ chức đưa vào Nam ra Bắc, lên chiến trường Tây Nguyên, rồi đến chiến trường Cam Pu Chia, trước khi về hưu năm 1987 ông công tác tại Quân khu V với quân hàm Đại tá. Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu, mến phục.

…Khi hiện tại tiếp tục làm đẹp cho đời…..
Khi về hưu, vợ con cứ tưởng ông sẽ có những tháng ngày thảnh thơi với con cháu, thế nhưng với tinh thần cách mạng được tôi luyện qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho quê hương. Ông được địa phương tín nhiệm giao trọng trách Bí thư Chi bộ hợp tác xã nông nghiệp Điện Thắng. Năm 1989, được tổ chức Đảng giao trọng trách thành lập Hội Cựu Chiến binh của xã, ông đã trở thành chủ tịch đầu tiên Hội Cựu Chiến binh xã Điện Thắng cho đến năm 2006 thì chính thức nghỉ công tác.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, ông vẫn hằng ngày theo dõi từng bước đi của địa phương, thông qua các phiên sinh hoạt Chi bộ, thông qua đài báo, rồi lân la hỏi thăm những chủ trương, chính sách của xã của thôn, hễ thấy chưa hợp lý chỗ nào là ông lại khăn gói, đạp xe đến Ủy Ban nhân dân xã gặp các đồng chí lãnh đạo để góp ý, phân tích và trình bày quan điểm của mình. Ông còn cho biết, có khi lâu ngày không thấy tin tức gì, ông cũng đạp xe đến xã để “hỏi thăm”. Hình ảnh cụ ông 90 tuổi với chiếc xe đạp cũ, sổ sách thì buộc sau xe vượt gần 3km đường làng đến trụ sở làm việc của xã đã trở thành quen thuộc với nhiều cán bộ ở đây.
Đối với hàng xóm láng giềng, ông luôn là một người cao niên mẫu mực, những việc lớn của làng hầu hết đều có sự tham gia bàn bạc, góp ý của ông với vai trò là một người cao tuổi có uy tín trong làng. Chỉ riêng việc ông kiên quyết không đốt vàng mã trong những ngày giỗ chạp của gia đình để làm gương cho cộng đồng, hàng xóm thực hiện các chủ trương, các cuộc vận động của chính quyền, mặt trận. Nhìn gia đình ông như vậy, người dân nơi đây cũng dần dần từ bỏ việc cúng đốt vàng mã.
Cách đây hai năm, ông Phan Song bị một cơn bệnh tuổi già, những tưởng không qua khỏi, thế nhưng sau thời gian điều trị, sức khỏe dần hồi phục. Các đồng chí đảng viên thôn Phong Lục Tây nơi ông sinh hoạt, có khuyên ông xin được miễn sinh hoạt Đảng để hạn chế đi lại, đảm bảo cho sức khỏe, ông trả lời “Tôi xin miễn sinh hoạt, nhưng khi nào cảm thấy khỏe thì chi bộ cho tôi đến dự sinh hoạt để nghe tình hình của địa phương”, và thật sự từ đó đến nay ông gần như không vắng một buổi sinh hoạt nào. Có lúc thì ông chống gậy đi bộ đến Nhà văn hóa thôn để họp, không đi được thì nhờ con cháu, hàng xóm hay những đảng viên trẻ đến chở đi, chỉ mong được nghe và được góp ý cho Đảng. Ông cho biết thêm “Vài năm trước, còn thiếu mấy tháng nữa là tôi tròn 70 năm tuổi Đảng, khi thấy sức khỏe tôi yếu, Đảng ủy xã và Chi bộ có ý định làm hồ sơ trước cho tôi để khi đủ điều kiện thì nhận huy hiệu, nhưng tôi kiên quyết từ chối, theo tôi nhận huy hiệu Đảng phải đủ ngày đủ tháng, bao giờ đủ thì tôi sẽ làm, hôm nay tôi đã nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng được 2 năm rồi, nhưng sức khỏe vẫn còn tốt” – ông cười hiền.
Khi hỏi về những mong muốn của mình trong thời gian đến, ông trầm tư đưa tay lần theo từng nếp nhăn trên vầng tráng rồi hạ giọng “Đảng ta tốt rồi, chủ trương rất đúng, nhưng còn nhiều những đảng viên chưa tốt, cần phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ. Cần xử lý “nghiêm” và “minh” bọn lợi ích nhóm, cơ hội – tức là xử lý nghiêm và công khai cho đảng viên và nhân dân được biết để làm gương. Đồng thời tránh tình trạng cán bộ được quy hoạch sẽ có tâm thế “phòng thủ” trước thềm Đại hội. Còn với cá nhân, tôi muốn Tết này được đi thăm lại các đồng chí của mình để được gặp gỡ, đọc thơ chúc tết cho các đồng chí nghe”. Nói rồi ông lấy ra bài thơ chúc Tết Canh Tý 2019 ông mới làm đọc cho chúng tôi nghe với tinh thần đầy lạc quan. Ông còn cho biết, ông làm nhiều bài thơ mỗi khi nhớ lại quá trình hoạt động cách mạng, đặc biệt Tết nào ông cũng làm thơ, sáng mồng Một Tết sẽ đến chúc Tết ở Ủy Ban xã và đọc cho các đồng chí cán bộ ở xã nghe và in thơ tặng cho mọi người.
Ông Nguyễn Trai - Bí thư Đảng ủy xã Điện Thắng Nam nhận xét “Một người Đảng viên kiên trung như đồng chí Phan Song quả thật rất đáng kính trọng. Suốt đời tận tụy với Đảng, không ngừng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Những cán bộ đương nhiệm luôn lắng nghe những ý kiến góp ý của các bậc lão thành cách mạng trong đó có đồng chí Phan Song để làm cơ sở, định hướng cho những hoạch định, chủ trương của địa phương”.
Một mùa xuân nữa lại về, đã 90 mùa xuân có Đảng, đất nước ta đã “Nở hoa đọc lập – kết trái tự do” như ngày hôm nay, chính là nhờ một phần lớn của “Những cánh chim không mỏi”.