Hiện nay, Điện Bàn đang có nhiều lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó có đóng góp từ những di tích lịch sử - văn hóa của thị xã. Tính đến đầu năm 2020, thị xã Điện Bàn có 61 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 6 di tích cấp quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh. Di tích ở Điện Bàn đa dạng về loại hình. Từ loại hình di tích lịch sử cách mạng như: Địa điểm chiến thắng Đồn Ngũ Giáp, Tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc, Đồi Bồ Bồ..., loại hình di tích lịch sử văn hóa có mộ các danh nhân, đình làng, các địa điểm tôn giáo, tín ngưỡng..., loại hình di tích kiến trúc có Nhà cổ Nguyễn Nho Phán, Tháp Bằng An, loại hình di tích khảo cổ có Dinh trấn Thanh Chiêm và một số cụm khảo cổ Sa Huỳnh,... Mỗi di tích mang một giá trị lịch sử văn hóa riêng đã và đang góp phần tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch của địa phương.
Thực hành tập huấn Thuyết minh viên tại Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi
Được biết đến là một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, với những danh xưng cao quý như: “Ngũ phụng tề phi”, “Ngũ tử đăng khoa”, Điện Bàn là điểm đến của vùng đất học, nơi có nhiều di tích mộ danh nhân, chí sĩ nổi tiếng như Di tích mộ Hoàng Diệu, Mộ Phạm Phú Thứ, Mộ Trần Quý Cáp... Vào những dịp nghỉ lễ, một số du khách, nhân dân ở khắp nơi đã lựa chọn loại hình du lịch văn hóa và tìm hiểu lịch sử địa phương. Họ đã đi đến viếng và dâng hương các danh nhân, chí sĩ hay đi đến các đình làng, miếu làng để hiểu biết thêm về quá trình hình thành làng xã, những câu chuyện dân gian, phương thức sản xuất truyền thống, thân thế, sự nghiệp của các danh nhân chí sĩ Điện Bàn đã công hiến cho đất nước qua suốt ngàn năm lịch sử. Qua đó làm tăng thêm tình yêu quê hương, đất nước, tăng niềm tự hào dân tộc, tiếp bước cha ông đi trước viết tiếp những trang sử rạng ngời. Tuy nhiên, số lượng người đến nơi này còn ít và tự phát. Với loại hình du kịch văn hóa này, bà con nhân dân và du khách đến với Điện Bàn đông hơn vào các lễ hội lớn như Lễ Kỳ Yên, Lễ hội Thanh Minh, Lễ hội giỗ tổ Hùng Vương, Lễ Tịch điền...
Điện Bàn là một mãnh đất anh hùng trong kháng chiến nên đã có rất nhiều địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước ở Điện Bàn. Vì vậy cũng đã từ lâu, Điện Bàn đã được chọn là điểm đến cho những hành trình về nguồn của bao thế hệ học sinh, sinh viên, công nhân, doanh nhân... của cả nước. Riêng trên tuyến quốc lộ 1 A, vào những ngày lễ hay cuối tuần nào cũng vậy, những chiếc ô tô khách của các công ty du lịch lữ hành ở khắp nơi đã nối tiếp nhau đưa du khách đến tham quan viếng hương Nhà lưu niệm và Nhà thờ AHLS Nguyễn Văn Trỗi (Di tích cấp tỉnh) một người con Điện Bàn, một người công nhân thành phố Sài Gòn với 9 phút làm nên lịch sử, biểu tượng của tinh thần quả cảm, yêu nước cho hàng vạn thế hệ trẻ trong kháng chiến cũng như khi nước nhà thống nhất. Bên cạnh đó là Nhà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, một người mẹ có 9 người con đã hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, mẹ là người mẹ tiêu biểu của cả nước về lòng quả cảm và đức hy sinh. Một số đoàn khách cũng đã chọn Bảo tàng Điện Bàn là những điểm đến tiếp theo trong chuỗi hành trình về nguồn của mình tại Điện Bàn rồi sau đó đi Hội An hay vào thành phố Tam Kỳ. Riêng tại Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi đã đón hàng chục vạn khách mỗi năm.
Tập huấn Thuyết minh viên tại Tháp Bằng An
Vào mỗi buổi sáng, trên tuyến đường từ thị xã Điện Bàn đi Đại lộc, qua đường ĐT 605, người dân sẽ bắt gặp những đoàn du khách nước ngoài bằng nhiều hình thức di chuyển khác nhau như mô tô, xe jeep, xe khách đến tham quan Tháp Bằng An (di tích cấp quốc gia), một ngọn tháp Chăm hình bát giác duy nhất ở Việt Nam và từ đó họ di chuyển lên Đồi Bồ Bồ (di tích cấp tỉnh) để tham quan di tích lịch sử cách mạng Đồi Bồ Bồ nơi được ví như một Điện Biên phủ thứ 2 trên chiến trường Quảng Nam. Theo các hướng dẫn viên hướng dẫn nhóm các du khách, khách đến nơi đây chủ yếu là khách nước ngoài như Úc, Canada, Mỹ, thỉnh thoảng có du khách người Hàn Quốc. Du khách đã đến lưu trú tại Hội An sau khi tham quan Hội An, họ di chuyển lên Điện Bàn và ra Đà Nẵng. Cũng theo một tài xế xe Jeep, du khách đi bằng nhiều hình thức khác nhau như đăng ký tour hay thuê xe mô tô hoặc xe jeep có tài xế riêng để đi tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa Hội An – Điện Bàn – Đà Nẵng.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tại Điện Bàn đã xảy ra rất nhiều vụ thảm sát những người dân vô tội. Một số ít địa điểm xảy ra vụ thảm sát đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Các địa điểm này không chỉ được nhân dân địa phương, thân nhân những người bị thảm sát quan tâm, thường xuyên đến trông nom, viếng hương mà còn được đông đảo du khách nước ngoài quan tâm. Họ là du khách Hàn Quốc và thỉnh thoảng có du khách đến từ Mỹ hay Pháp. Một số nhà nghiên cứu và sinh viên của Việt Nam, Hàn Quốc cũng đã đến đây để nghiên cứu, tìm hiểu các sự kiện đã diễn ra. Tại các di tích Xóm Tây Hà My, Cây Da dù hay Tượng đài Thủy Bồ, hằng năm đã đón hàng ngàn lượt khách đến dâng hương, tưởng niệm và giao lưu với người dân địa phương.
Những năm gần đây, bên cạnh việc phát triển kinh tế xã hội, Điện Bàn tập trung xây dựng, phát triển các loại hình du lịch, trong đó có du lịch văn hóa. Để đạt được những kết quả mong muốn, chính quyền đang dần đổi mới, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về du lịch, triển khai hiệu quả các kế hoạch, dự án, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Từng bước vận động, hướng dẫn, đào tạo cho người dân địa phương tham gia vào lực lượng lao động, đội ngũ quảng bá phát triển du lịch, tạo thêm hình ảnh thân thiện đậm chất địa phương trong các loại hình du lịch. Đặc biệt, chính quyền và nhân dân Điện Bàn vẫn không ngừng quan tâm và thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích LS-VH trên địa bàn thị xã. Riêng đối với loại hình du lịch văn hóa, cần tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch chuyên nghiệp, hiện đại. Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc kết nối du khách ở các vùng lân cận, kết nối các loại hình du lịch ở Điện Bàn để thu hút du khách đến với Điện Bàn ngày càng đông hơn.
Phát triển du lịch bền vững ở Điện Bàn được thể hiện ở nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Đối với Điện Bàn, mãnh đất có chiều sâu văn hóa với nhiều di tích được xếp hạng thì du lịch di sản văn hóa trở thành một trong những thế mạnh nổi trội, bắt nhịp theo xu hướng hiện nay đó là thu hút du khách tìm đến những giá trị di sản văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc, những hành trình về nguồn, tham quan các di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng, các công trình văn hóa, các hoạt động nghệ thuật dân gian, các lễ hội truyền thống, cuộc sống dân dã của người dân địa phương.