Mẹ là mẹ Lê Thị Thường, sinh hồi Thế chiến I mới nổ ra, năm 1914. Tên Thường, sống đời thường, giản dị như bao người con gái, đàn bà vùng quê nghèo. Trong hành trang đi lấy chồng, trên cái búi tóc có khi mang theo cái chang mà mẹ, chị phải để dành rất lâu mới đủ quấn mấy lượt. Mẹ Suốt “tám lần sinh con mấy lần sa tội tình!”, còn mẹ Thường sinh cả thảy 11 người con. Sinh nhiều, rổ khoai lang đất cát bòn mót chỉ đủ đám con lau nhau tranh phần. Mẹ cứ tảo tần mò óc, bắt cua, lần hồi trên sông Trùm Lang dãi sương cũng nuôi lũ con lớn lên. Nếu chỉ khổ cực vì nghèo có lẽ đã quá sức chịu đựng, vậy mà thêm chiến tranh khói lửa tràn đến. Chồng của mẹ, ông Nguyễn Kiều tham gia cách mạng từ rất sớm. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Kiều suốt ngày đi công tác, mẹ Thường vừa chăm con vừa tham gia hội mẹ chị đảm phụ nuôi quân.
Kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, nhưng hòa bình lập lại không bao lâu thì miền Nam rơi vào cảnh đau thương ngút ngàn. Máu người lại đổ, cát đỏ như mắt người ly biệt chờ chồng con đi tập kết. Sông Trùm Lang, sông Vĩnh Điện và nhiều con sông nữa chảy qua những xóm làng Điện Bàn trở thành nơi chứa mổi hận của những người cộng sản kiên trung bị thủ tiêu bí mật, bị bỏ bao tời trôi sông. Luật số10/59 ra đời, bọn ác ôn tay sai chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém, tố cộng diệt cộng dã man, nhằm đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Sống trong lòng địch từ năm 1954 đến 1960, ông Kiều bị địch bắt đánh đập, tra tấn nhiều lần nhưng ông và gia đình kiên cường chịu đựng, giữ vững cơ sở, nuôi và bảo vệ cán bộ cách mạng đến cùng.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, nguyên Bí thư huyện ủy Điện Bàn, nhớ lại:”Trong giai đoạn từ 1954-1960, Huyện ủy xây dựng nhà ông Kiều và nhà anh Đinh Thám gần nhau như cơ quan huyện ủy. Sau nhà ông Kiều xây một cái hầm bí mật bằng gạch đổ bê tông rộng lớn khoảng 14 người ngồi họp được, giao cho ông Kiều xây vệ. Địch thường vây ráp tìm xăm hầm ở thôn Đông Cẩm Sa nhưng không phát hiện được hầm. Đồng chí Nguyễn Đức An, Bí thư Huyện ủy thường xuyên ở đây. Có nhiều cuộc họp lớn của huyện, tỉnh được tổ chức ở căn hầm nhà ông Kiều. Mỗi lần họp các đồng chí lãnh đạo như: Cao Sơn Pháo, Mười Khôi, Bốn Hương, Hai Chế, Phạm Nghiệng, Phạm Dục. . . Tháng11. 1957, cơ sở bị lộ, địch bắt hai cha con ông Nguyễn Kiều, Nguyễn Cư giam tại nhà thờ tộc Trần(thôn Phong Hồ) gần cơ quan hội đồng xã Thanh Minh. Chúng tra tấn, đánh đập chết đi sống lại nhiều lần nhưng hai cha con kiên cường chịu đựng, không khai báo điều gì hại cho cách mạng. Không khai thác được gì, địch phải thả ông Kiều về, mình đầy thương tích. Về đến nhà, ông tiếp tục tham gia hoạt động. Địch bắt Nguyễn Cư đưa lên La Thọ học tố cộng rồi đưa xuống lao Hội An”. Cũng theo lời kể của ông Nguyễn Hồng Thắng, Nguyễn Cư là một đồng chí hết sức kiên trung và đầy lòng quả cảm. Anh đã từng nghĩ phải chọn cái chết để địch không thể hành hạ mình và gia đình nữa. Có lúc Nguyễn Cư xé xác cóc lấy mật để nuốt, nhưng lạ thay không chết được. Trên đường địch dẫn đi, Nguyễn Cư cũng muốn nhảy cầu tự vẫn để giữ vững khí tiết. Song tất cả biện pháp tìm đến cái chết đều bất thành, và Nguyễn Cư phải vào tù ở lao Hội An suốt 6 năm ròng, cho đến năm1963 mới được thả. Nguyễn Cư ra tù thì thoát ly tham gia đội công tác vùng cát. Sau đó anh được điều lên huyện hoc tập và đảm trách chức vụ Phó Bí thư huyện đoàn. Một đêm trăng sáng Nguyễn Cư về Điện Nam (điều này trái với phương thức hoạt động của quân ta thời đó là ‘tối trăng thì xuống, sáng trăng thì lên”-tức chỉ có thể xuống cơ sở vùng địch chiếm lúc tối trời, còn sáng trăng thì quay lên căn cứ, nhưng vì nhiệm vụ phân công anh phải về). Về đến Phong Hồ cát, Nguyễn Cư bị lộ và đã chiến đấu anh dũng hy sinh tháng 5. 1963” .
Năm 1960, ông Nguyễn Kiều thoát ly lên căn cứ, được phân công làm trạm trưởng trạm giao liên làng PàDấu của tỉnh. Năm 1971, tình hình xã Điện Nam gặp nhiều khó khăn, các đồng chí chủ chốt của xã hy sinh nhiều. Thường vụ Huyện ủy đề nghị với tỉnh xin đồng chí Nguyễn Kiều về làm Chủ tịch UBND cách mạng xã Điện Nam. Trong trận đánh chống càn quyết liệt với địch, ông Kiều hy sinh trong công sự tại bến đò Phong Hồ năm1973.
Mối thù huyết lệ đã khiến những người con của mẹ Thường không thể nào ngồi yên được. Lần lượt Nguyễn Hồng Chương và ba người con gái là Nguyễn Thị Liệu, Nguyễn Thị Toan, Nguyễn Thị Chiêu. . . đều tham gia công tác kháng chiến, thoát ly vào các đội vũ trang, bộ đội, hoặc tham gia các đội quân tóc dài đấu tranh chính trị. Con cái, dẫu lớn vẫn còn làm khổ mẹ. Đêm hôm đi về lặng lẽ, có đứa rúc rích kiếm củ khoai lang, chén cơm nguội nhưng thường để có nhứng suất ăn lót dạ ấy, mẹ phải tìm kiếm cả ngày, vừa phải che tai mắt bọn tề điệp. Khổ nổi, mỗi khi con mẹ ghé về là đêm đó có trận đánh, có thằng ác ôn nào đó đền mạng. Đến sáng ra thì mẹ bị “hỏi thăm” và đêm tiếp theo phải lên hội đồng xã, trụ sở ấp mà ngủ canh. Kẻ thù muốn lấy thân nhân cộng sản làm bình phong che chắn, nhưng dễ gì an toàn. Và chúng không từ thủ đoạn nào để hành hạ. Đợt Lý Trân, Nguyễn Hồng Thắng cùng Nguyễn Cư-con mẹ về đánh hội đồng xã, diệt ác phá tề thì mẹ Thường bị bắt đem lên nỗng cát chôn chỉ còn lòi cái đầu, tối thì bị bắt lên ngủ cơ quan hội đồng.
Ấp chiến lược bị phá, rồi bọn hội đồng lại bắt rào. Chúng bắt những gia đình can cứu-tức gia đinh có người thân tham gia kháng chiến, phải nộp cọc tre lớn (mỗi gia đình phải nộp 80 gốc tre). Mẹ Thường bị chúng kêu lên kêu xuống. Khổ nổi mẹ biết lấy đâu có tre, cũng không có tiền để mua. Bị đàn áp mãi, cuối cùng mẹ Thường phải cắt tóc bán cho người ta làm chang để lấy tiền nộp cho bọn hội đồng xã. Tóc mẹ Thường dài và đẹp. ”Tóc mẹ tôi dày lắm, làm được gần hai cái chang bán 120 đồng. Nhưng tội nghiệp, đầu mẹ gần như bị trọc”-Bà Nguyễn Thị Chiêu con gái mẹ Thường sụt sùi kể. Ông Nguyễn Hồng Thắng và Năm Dừa về Cẩm Sa nghe kể chuyện này không cầm được nước mắt. Thế mà bọn ác ôn chưa để cho mẹ Thường được yên, mới sinh con 7 ngày phải xuống sông mò ốc để ăn, lại bị đem lên cồn phơi nắng vì trụ sở hội đồng lại bị ta tập kích.
Chồng mất, rồi mẹ Thường lại mất con, Nguyễn Cư hy sinh năm 1963, Nguyễn Thị Liệu bị bắt đi tù ở Biên Hòa, Nguyễn Hồng Chương hy sinh năm 1969 (anh Chương-bảo vệ đồng chí Hồ Nghinh, hy sinh ở Đại Lộc). . . Có thể nói, đời mẹ Thường là chuỗi dài kế tiếp những đau thương và cho đến khi mẹ mất chưa một ngày được sung sướng. Mẹ đã thành Mẹ Việt Nam anh hùng trên dải cát đau thương mà anh dũng. Một gia đình đau thương mất mát nhưng vẫn trung kiên chí cốt với cách mạng, với Đảng.
Quê hương xưa đau, và nỗi tang thương đã vùi chôn dưới mấy lớp cát. Giờ đây trên quê mẹ Thường đã mọc lên những nhà máy của khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc sầm uất, sẽ còn gì của quá khứ?.
Còn đây! Cái chang tóc của mẹ Thường, nỗi ám ảnh của cát vẫn đổ bóng xuống thời gian cõi người, vẫn như dấu vết lịch sử hằn in trên quê hương tôi thao thức, rì rầm. . .