Nội dung chi tiết

Điện Bàn 5 năm lên Thị xã
Tác giả: Ngọc Tuấn .Ngày đăng: 11/03/2020 .Lượt xem: 5108 lượt. [In bài]
Trong bộn bề công việc của những ngày tháng ba lịch sử, cả thị xã tạm dừng nhiều kế hoạch, chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn đã được chuẩn bị trong gần 1 năm để tập trung lãnh đạo công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID -19) đang bước vào giai đoạn ngày càng gay go và quyết liệt, đang ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Nam và thị xã Điện Bàn.

Vào ngày này cách đây vừa tròn 5 năm về trước, sáng ngày 11/3/2015, tại trụ sở Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận Đề án của Chính phủ đề nghị thành lập thị xã Điện Bàn và 7 phường thuộc thị xã Điện Bàn. Theo Đề án của Chính phủ thì nguồn vốn cần thiết cho đầu tư phát triển đô thị Điện Bàn trong giai đoạn từ 2014 – 2020 là 34.744 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn từ ngân sách khoảng 1.366 tỷ đồng = 6,59%, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp 32.451 tỷ đồng = 93,41%). Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội cho rằng các xã được đề nghị thành phường tuy vẫn còn một số tiêu chuẩn chưa đạt nhưng căn cứ hiện trạng phát triển của huyện Điện Bàn như hệ thống các công trình hạ tầng trên địa bàn đô thị Điện Bàn đã khá hoàn chỉnh và đồng bộ thì việc thành lập 7 phường thuộc thị xã Điện Bàn là phù hợp với thực trạng và định hướng phát triển của huyện Điện Bàn. Về tổng thể, huyện Điện Bàn đã đạt đủ tiêu chuẩn để thành lập thị xã Điện Bàn. Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Đề án với 100% đại biểu có mặt tán thành. Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết Số 889/NQ-UBTVQH13 chính thức công nhận Huyện Điện Bàn thành thị xã và thành lập 07 phường thuộc thị xã Điện Bàn; Đây là dấu ấn quan trọng của nhân dân và đảng bộ thị xã Điện Bàn, là cột mốc mở đầu cho giai đoạn mới để Điện Bàn tập trung xây dựng một đô thị trẻ năng động và phát triển.

 Kinh tế có nhiều khởi sắc

Trong các thành tựu đạt được sau 5 năm Điện Bàn lên thị xã thì kinh tế là điểm nhấn, là điểm tựa quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nền kinh tế thị xã trong 05 năm qua đã có sự chuyển biến tích cực, nâng cao về quy mô và tốc độ tăng trưởng; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng về giá trị công nghiệp thương mại dịch vụ; Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng về tỷ trọng lao động phi nông nghiệp. Thị xã đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa để phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng đô thị và nông thôn. Nhờ thực hiện các biện pháp quản lý nguồn thu, chống thất thu nên thu ngân sách nhà nước tăng qua các năm; Điện Bàn là một trong 04 địa phương của tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh và điều tiết về ngân sách Trung ương (10%), ngân sách tỉnh (38%) và tự cân đối ngân sách; Kết quả thu ngân sách địa phương năm sau cao hơn năm trước và có vượt thu bình quân hằng năm trên 400 tỷ đồng, đây là con số ấn tượng mà không phải địa phương nào cũng có được.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã là điểm sáng trong phong trào thi đua của tỉnh. Đến cuối năm 2016, thị xã có 13/13 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Đây là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận thị xã Điện Bàn đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi các xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, thị xã để đề ra nhiều giải pháp giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, triển khai xây dựng “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn Điện Bàn hôm nay đã có nhiều khởi sắc, những tuyến đường nông thôn rộng mở, những hàng cây xanh mát đường quê, hạ tầng xã hội đang dần hoàn thiện, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường có bước chuyển biến tích cực…Những thành quả đạt được sẽ tạo nền tảng vững chắc góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn thị xã.

Văn hóa phát triển có chiều sâu

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là điểm sáng của tỉnh. Nhiều sự kiện lớn của thị xã được tổ chức thành công, tạo sự lan tỏa tích cực cho văn hóa Điện Bàn như: Lễ hội 415 năm Dinh trấn thanh chiêm và chữ quốc ngữ, lễ hội biển Điện Bàn...Thị xã đầu tư mạnh cho việc xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao. Sau 5 năm, thị xã đã đầu tư  9.325.000.000 đ hỗ trợ xây mới 19, nâng cấp 26 nhà văn hóa và xây mới 26, nâng cấp 15 thể thao khối phố trên địa bàn 7 phường; Xây dựng mới 2 bể bơi cố định để phổ cập bơi cho học sinh; Lắp đặt 8 khu tập luyện TDTT ngoài trời để phục vụ nhân dân. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích được quan tâm thực hiện. Trong 5 năm qua, thị xã đầu tư 4.850.000.000 triệu đồng tu bổ 7 di tích lịch sử văn hóa và dựng bia 8 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.  Các hoạt động bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể được chú trọng, duy trì, tổ chức tốt các Lễ hội như: Lễ hội Thanh Minh xã Điện Quang, Lễ giỗ tổ Hùng Vương tại xã Điện Trung, Lễ hội Cầu Ngư ở  phường Điện Dương, Lễ hội Tịch điền đình làng Diệm Sơn ở xã Điện Tiến, Lễ giỗ tổ nhà thờ đúc đồng Phước Kiều xã Điện Phương…

Bộ máy chính quyền được củng cố vững mạnh

Bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành hoạt động. Thực hiện đảm bảo Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức gắn với tinh giản biên chế. Ông Ngô Đình Liêu – Trưởng phòng Nội vụ thị xã cho biết “Trong thời gian qua, thị xã đã hợp nhất Trung tâm Phát triển quỹ đất và Trung tâm Giải phóng mặt bằng thành Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã; hợp nhất Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Đài Truyền thanh - Truyền hình thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình; giải thể Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp - Thương mại & Dịch vụ thị xã; giải thể Trung tâm Hành chính công thị xã thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thị xã; sáp nhập các điểm lẻ trường học, các trường tiểu học có quy mô nhỏ; sắp xếp các tổ chức Hội quần chúng trên địa bàn thị xã Điện Bàn, giai đoạn 2019-2021; cổ phần hóa Trung tâm TVXD thị xã”. Việc sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy một số cơ quan, đơn vị đã gắn với xây dựng, nâng cao năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ phát triển thị xã.

Sau 5 năm vươn tầm thị xã, nền kinh tế tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng công nghiệp dịch vụ, nhiều công trình hạ tầng đô thị, giao thông trọng điểm, các khu dân cư, khu phố chợ, khu đô thị được đầu tư xây dựng, tạo động lực lan tỏa cho việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương; kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển biến khá rõ nét; diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc; văn hóa, xã hội đạt được những kết quả tích cực; hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ với hạ tầng kinh tế; các vấn đề xã hội được chăm lo giải quyết tốt hơn; chất lượng đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao; lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững ổn định, quốc phòng được tăng cường; hệ thống chính trị được kiện toàn vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng bộ trong giai đoạn mới.

Kỳ vọng giai đoạn mới

Bước chuyển mình của Điện Bàn sau 5 năm lên thị xã sẽ là nền tảng để kỳ vọng vào một giai đoạn mới với nhiều thời cơ và thách thức. Kế thừa thành tựu đạt được, phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của quê hương; Phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm chính trị, sự đồng thuận cao từ trong Đảng bộ đến nhân dân, tận dụng tốt cơ hội đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt trên các lĩnh vực, đưa thị xã Điện Bàn tiếp tục phát triển vững chắc.

Trong phát triển kinh tế, tập trung công tác xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư có năng lực vào địa bàn thị xã; Tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư, trong đó phát huy nguồn nội lực, khuyến khích thu hút các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư các lĩnh vực nhất là các dự án trọng điểm của thị xã, các công trình có yếu tố động lực để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách. Phấn đấu xây dựng Điện Bàn trở thành trung tâm thương mại phía Bắc của tỉnh Quảng Nam.

Trong giai đoạn đến, du lịch được kỳ vọng sẽ có tác động lớn không chỉ cho phát triển du lịch mà còn gắn với phát triển kinh tế xã hội của thị xã. Phát triển du lịch Điện Bàn để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của thị xã Điện Bàn đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Từng bước phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng và bền vững trên cơ sở các tài nguyên tự nhiên, xã hội và văn hóa của Điện Bàn; Xây dựng liên kết giữa du lịch Điện Bàn với các địa phương lân cận, hình thành các tour du lịch kết nối từ Hội An, Duy Xuyên, Đà Nẵng đến các điểm du lịch của thị xã. Thông qua các hoạt động du lịch để tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân, tăng giá trị và tỉ trọng của ngành du lịch trong phát triển kinh tế xã hội của thị xã; Từng bước phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thị xã, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của một thị xã trẻ, trong thời gian đến Điện Bàn tiếp tục tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ;  Xây dựng đồng bộ, khớp nối hạ tầng khung đô thị tại đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc. Nâng cấp, mở rộng và cứng hóa mặt đường ĐH, giao thông nông thôn trên địa bàn thị xã; hoàn thiện hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh cảnh quan đô thị; xây dựng hệ thống xử lý nước thải đô thị và nhà máy xử lý rác thải với công nghệ hiện đại nhằm đạt tiêu chí đô thị loại III vào cuối năm 2025. Rà soát, có kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội như trường học, các thiết văn hóa, nhất là chú trọng huy động nguồn vốn nhà nước, tư nhân đầu tư các công viên, các thiết chế văn hóa, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa....Hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm văn hóa, Trung tâm thể dục thể thao thị xã, các thiết chế văn hóa thể thao ở các phường nội thị.

Tiếp tục chăm lo xây dựng phát triển văn hóa, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực để phát triển kinh tế xã hội; Coi trọng xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Gắn xây dựng thôn văn hoá với xây dựng “Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu”, gắn xây dựng Khối phố văn hoá với xây dựng “Tuyến phố Văn minh đô thị”, nâng cao tính tự quản của cộng đồng, tạo bước chuyển biến rõ nét trong từng phong trào. Đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát huy giá trị các di tích trong phát triển kinh tế và văn hóa. Tiếp tục đầu tư nâng cấp và sử dụng, quản lý các thiết chế văn hóa thật sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa và giáo dục văn hóa cho cộng đồng. Phát triển mạnh phong trào thể dục thể thao, nhất là phát triển các môn thể thao truyền thống.  Phát triển mạnh mẽ mô hình Hội, Câu lạc bộ, đội, nhóm TDTT; di trì và nâng cao chất lượng hoạt động “Tháng Thể thao” hằng năm. Giữ vững và nâng cao thành tích thể thao thành tích cao, phấn đấu vị trí dẫn đầu của tỉnh tại Đại hội TDTT Tỉnh Quảng Nam lần thứ IX.

Tạo bước đột phá trong xây dựng bộ máy chính quyền gắn với cải cách hành chính: Nâng cao chất lượng hoạt động sau khi kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử; Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng đô thị thông minh” giai đoạn 2020-2025, đính hướng đến năm 2030; Triển khai sâu rộng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở thị xã và các xã, phường để tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết hồ sơ, công việc liên quan đến tổ chức, công dân.

          Điện Bàn đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới cho sự phát triển, nhưng trước mắt không ít những khó khăn thách thức trước những yêu cầu đổi mới và phát triển. Phát huy truyền thống vẽ vang quê hương anh hùng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Điện Bàn tiếp tục chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới và tiến công. Nâng cáo năng lực và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, sự đồng thuận các tầng lớp nhân dân và các lực lượng xã hội xây dựng thị xã Điện Bàn phát triển toàn diện và vững chắc.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Bị lừa, một thiếu niên trốn về quê được Công an phường Điện An giúp đỡ
Hội Cựu chiến binh xã Điện Hồng bàn giao nhà nghĩa tình đồng đội
Điện Bàn, 24 đại biểu tham gia chuỗi hoạt động “Hành quân về nguồn”
Công an phường Điện Dương tuyên truyền pháp luật cho chủ cơ sở lưu trú, cơ sở ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Ban chỉ huy Quân sự thị xã Điện Bàn quy tập 3 hài cốt liệt sĩ tại phường Điện Nam Bắc
Ngày hội “Thanh thiếu nhi với pháp luật và văn hoá giao thông” năm 2025
UBND thị xã Điện Bàn tổ chức Lễ ra quân huấn luyện năm 2025
80 năm tiến bước dưới quân kỳ
Điện Bàn quê ta giải phóng rồi
Công an xã Điện Hồng kiểm tra, bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Ngăn chặn nhóm thanh niên hỗn chiến
Kịp thời khống chế đám cháy tại Điện Phương
Cấp chứng minh nhân dân tại nhà cho người già neo đơn
ký kết giao ước khối thi đua công an các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng
Chuyện về Trưởng Công an xã bán chuyên trách
Đảm bảo an ninh trật tự ở vùng giáp ranh
Những ngày đầu ở xã
Bắt 2 đối tượng rải tờ rơi cho vay tiền trả góp “tín dụng đen”
Làm giả sổ đỏ rồi rao bán đất
Điện Bàn đưa tiễn 310 thanh niên lên đường nhập ngũ năm 2020
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm