Nội dung chi tiết

Về Điện Bàn thăm các khu lưu niệm
Tác giả: Bích Thủy .Ngày đăng: 05/05/2020 .Lượt xem: 4218 lượt. [In bài]
Năm 1978, song song với việc xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ huyện, Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Bảo tàng Điện Bàn. Từ đó Điện Bàn được cả nước biết đến là một huyện (thị xã) có Bảo tàng sớm nhất. Bảo tàng Điện Bàn trở thành một điểm nhấn lưu giữ lịch sử văn hóa của Điện Bàn và nhận được sự quan tâm và viếng thăm của các vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương và đông đảo nhân dân. Ngày nay, bên cạnh Bảo tàng, khi đến với Điện Bàn, du khách còn được về thăm các khu lưu niệm lịch sử, văn hóa, danh nhân, chí sĩ của quê hương Điện Bàn.

Khu lưu niệm Tổng đốc Hoàng Diệu
Khu lưu niệm Tổng đốc Hoàng Diệu tọa lạc tại thôn Xuân Đài, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn. Nơi thời tự và lưu niệm Tổng đốc Hoàng Diệu, một vị quan thanh liêm, chính trực, hết lòng vì nước, vì dân. Cuộc đời yêu nước thương dân, tấm lòng trung nghĩa của tổng đốc Hoàng Diệu được ví như vầng nhật nguyệt. Tuy không sinh ra ở Thăng Long nhưng ông hy sinh tử tiết vì mảnh đất này, nêu cao khí tiết kiên trung, ngàn năm còn mãi với non sông đất nước.
Khu lưu niệm được khởi công xây dựng trên diện tích 800 mét vuông vào tháng 3 năm 2013 với tổng kinh phí 7 tỷ đồng. Khu lưu niệm gồm nhà tưởng niệm, nhà lưu niệm, hoa viên, tường rào cổng ngõ. Trong gian tưởng niệm, Viện Sử học đã đúc bức tượng Tổng đốc Hoàng Diệu cùng hai thanh kiếm bằng đồng đặt trong gian thờ. Tấm chân dung của cụ Hoàng Diệu cùng những bức ảnh quý giá từ thời Pháp thuộc, đặc biệt là tấm hình chụp góc phố nơi Tổng đốc Hoàng Diệu nhận được tối hậu thư đòi giao thành Hà Nội của giặc Pháp. Nơi đây còn trưng bày các bài điếu, câu đối do những sĩ phu, nhân dân Hà Nội ca ngợi công đức của Hoàng Diệu sau khi nghe tin ông tuẫn tiết. Tại hoa viên, an vị ở trung tâm khu lưu niệm là bức tượng bán than Tổng đốc Hoàng Diệu do những nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều thực hiện dựa theo nguyên mẫu di ảnh của gia tộc cung cấp.
Tại khu lưu niệm, nhiều hoạt động tham quan, học tập đã được các cơ quan, trường học tổ chức. Chính quyền đại phương cùng gia tộc thường xuyên tổ chức các lễ dâng hương tưởng niệm nhân các ngày lễ lớn, tổ chức kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Tổng đốc Hoàng Diệu. Khu tưởng niệm Tổng đốc Hoàng Diệu trở thành một địa điểm tham quan du lịch văn hóa, đồng thời là một điểm góp phần giáo dục lịch sử địa phương, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa nước nhà.
Khu lưu niệm chí sĩ Trần Cao Vân
Chí sĩ Trần Cao Vân là một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại miền Trung, do Việt Nam Quang Phục Hội chủ xướng. Ông sinh năm Bính Dần (1866) tại làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Khi cuộc khởi nghĩa Duy Tân bị đàn áp, ông bị bắt và cùng chí sĩ Thái Phiên bị thực dân Pháp xử chém tại An Hoà (Huế) năm 1916. Trong lúc bị giam tại nhà lao Huế, trước ngày ra pháp trường lên đoạn đầu đài đền nợ non sông, Trần Cao Vân có làm hai bài thơ tuyệt mệnh, trong đó có câu:
Anh hùng thành bại xá gì,
Nghìn thu lịch sử còn ghi lại đời
Đến nay, trải qua biến cố và thăng trầm, thân xác của hai cụ vẫn nằm chung cùng một nấm mộ tại Đồi thông Từ Hiếu, miền đất Cố đô Huế.

Được sự cho phép của chính quyền địa phương, Hội đồng gia tộc Trần Công đã tổ chức quyên góp để xây dựng Khu di tích Đền thờ Chí sĩ Trần Cao Vân trên diện tích 1.800m2 tại thôn Phú Đông, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn. Khu lưu niệm chí sĩ Trần Cao Vân bao gồm các hạng mục: cổng lối vào, khu tưởng niệm có đặt tượng chí sĩ Trần Cao Vân, ao sen, sân vườn ... Ngoài việc trở thành nơi tưởng niệm chí sĩ Trần Cao Vân,  nơi đây còn là một địa điểm lịch sử – văn hóa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần hiếu học cho mọi thế hệ.
Khu lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi
Khu lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi tọa lạc tại thôn Viêm Tây 1, xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nơi thờ tự AHLS Nguyễn Văn Trỗi, người con Điện Bàn đã quả cảm hy sinh trên mãnh đất Sài Gòn vào ngày 15 tháng 10  năm 1964. Mặc dù cuộc đời của anh ngắn ngủi nhưng sự quật cường và hy sinh anh dũng của anh tại pháp trường Chí Hòa đã trở thành bất tử, thành biểu tượng của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ.
Nhân kỷ niệm ba mươi năm ngày giỗ anh Trỗi, theo nguyện vọng của tuổi trẻ tỉnh Quảng Nam, Ban thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Điện Bàn đã thống nhất chủ trương xây dựng khu lưu niệm năm 1994, đến năm 1993, công trình được hoàn thành, làm nơi thờ tự, lưu giữ những hình ảnh và hiện vật về AHLS Nguyễn Văn Trỗi. Vào năm 2012, khu lưu niệm được được tôn tạo, lại trên nền móng cũ. Công trình khang trang và bề thế với một không gian thờ tự, một gian đón tiếp, sinh hoạt cộng đồng và các khu phụ trợ. Trong không gian thờ tự, ngoài gian thờ chính, hai bên được bố trí trưng bày những hình ảnh, tư liệu và hiện vật của anh Trỗi cùng với những tặng phẩm lưu niệm của đoàn thể và nhân dân khi đến viếng hương, trong đó có tác phẩm “Sống như anh” của tác giả Trần Đình Vân viết theo lời kể của chị Phan Thị Quyên. Ngoài ra còn có những tặng phẩm của Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam về anh Trỗi và tình hữu nghị giữa hai nước cũng được trưng bày tại đây. Hình ảnh và hiện vật về anh Trỗi được cán bộ ngành văn hóa không ngừng sưu tầm để làm phong phú thêm gian trưng bày.
Nhiều hoạt động của thanh niên Điện Bàn và tỉnh Quảng thường xuyên được tổ chức tại nơi này. Hằng năm, khu lưu niệm đã đón hàng vạn lượt khách đến tham quan. Khách đến viếng hương anh Trỗi tại nhà lưu niệm từ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi miền của đất nước và có cả khách quốc tế. Đặc biệt, khu lưu niệm Nguyễn Văn Trỗi còn được đón tiếp các vị lãnh đạo Trung ương cùng các Bộ, ban ngành Trung ương đến dâng hương, tưởng niệm AHLS Nguyễn văn Trỗi. Khi đến đây, các vị đã bày tỏ niềm tôn kính với một AHLS, một người đồng đội đã anh dũng hy sinh để trở thành biểu tượng tinh thần yêu nước, đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Tinh thần ấy đến nay vẫn nguyên giá trị.
Khu tưởng niệm văn hóa truyền thống làng Trừng Giang
Về thăm làng Trừng Giang, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, du khách được viếng Khu tưởng niệm văn hóa truyền thống làng Trừng Giang. Một khu lưu niệm mang đậm chất văn hóa người Việt.
Năm 1982, nhân dân làng Trừng Giang và những người con quê hương của làng ở khắp nơi đã góp công, góp của xây dựng. Dần dần, khu văn hóa được tu bổ, nâng cấp trở thành khu quần thể văn hóa lớn. Với vị trí thuận lợi, không gian rộng, thoáng, Khu tưởng niệm chia làm 3 khu. Khu chính giữa tại nơi trang trọng nhất thờ vua Hùng Vương và Bác Hồ. Bên trong đó có câu nói nổi tiếng của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước”. Khu phía trước đền thờ là nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với cách mạng. Bên trái của khu tưởng niệm là Miếu Thành Hoàng, nơi thờ cúng những người có công lập và xây dựng làng. Đặc biệt, Miếu Thành Hoàng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2018.
Vào những dịp Thanh Minh, những dịp lễ lớn của đất nước, không khí rộn ràng, cờ xí ngập đường, chào đón những người con của mọi miền đất nước tập hợp về đây đề giỗ tổ Hùng Vương, các vị tiền hiền bổn xứ, các bậc tiền bối và anh hùng liệt sĩ đã góp phần xây dựng và bảo vệ ngôi làng.
Tọa lạc trên vùng đất Gò Nổi, nơi được mệnh danh là vùng “đất học”, Khu tưởng niệm không những có ý nghĩa nghĩa giáo dục thế hệ trẻ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, còn là nơi bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước.
Từ đầu năm 2020, đất nước cùng với thế giới đã và đang chiến đấu với giặc mang tên Coid-19. Hy vong rằng, sau ngày chiến thắng dịch bệnh, mọi hoạt động thường ngày trở lại với người dân, các hoạt động tham quan du lịch, về nguồn sẽ trở lại khởi sắc. Các điểm du lịch của Điện Bàn, trong đó có các khu lưu niệm lại chào đón du khách từ mọi miền của tổ quốc và trên thế giới đến thăm. Bên cạnh đó, các khu lưu niệm cũng cần được sự quan tâm chăm sóc, bảo vệ để ngày càng được bảo tồn và phát huy giá trị.

[Trở về]
Các tin cũ hơn:
Di tích ở Điện Bàn - Tiềm năng để phát triển du lịch
Du lịch Điện Phương-tiềm năng lớn
Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi – Một điểm đến khơi dậy lòng yêu nước
Bảo tàng Điện Bàn – Điểm đến của một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”
Di tích Giếng Nhà Nhì (trận đánh của các Dũng sĩ Điện Ngọc)
Lăng mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp.
Tháp Bằng An
Lăng mộ Chí sĩ Hoàng Diệu
Khu lưu niệm mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ
Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm