Hiện nay, thời tiết đang ở mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện sinh hoạt, đặc biệt là các thiết bị làm mát như quạt điện, điều hòa tăng cao. Nhiều gia đình chia sẻ, vẫn biết sử dụng nhiều thiết bị điện thì tốn tiền điện, nhưng không dùng không được. Vì vậy, việc sử dụng điện làm sao cho hiệu quả, vừa đảm bảo sinh hoạt vừa tiết kiệm chi phí là vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm (Theo thống kê Điện lực Điện Bàn, sản lượng điện tiêu thụ trung bình/ngày của toàn thị xã Điện Bàn tăng từ 10 đến 20%)
|
Dưới đây là một số giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cho các hộ gia đình:
1.Lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng (nhiều sao hơn, tiết kiệm hơn); Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; Sử dụng đèn LED thay thế đèn sợi đốt; Lắp đặt thiết bị điện hợp lý, khoa học để giảm lượng tiêu hao điện đối với các thiết bị, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; Hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm (Sáng từ 9h30- 11h30; Tối từ 17h00 - 20h00)...
2.Điều hòa: Sử dụng máy điều hòa không khí ở chế độ hợp lý như: đặt nhiệt độ ở 25 - 26 độ C (ban ngày) và 27 – 28 độ C (ban đêm); sử dụng chung phòng điều hòa (vừa tiết kiệm điện vừa gắn kết thành viên gia đình tốt hơn); kết hợp vận hành điều hòa và quạt gió cùng lúc giúp giảm bớt công suất của điều hòa (có thể tiết kiệm tới 10% điện năng tiêu thụ); đặc biệt lưu ý: khi sử dụng điều hòa, không để thất thoát không khí ra bên ngoài bằng cách đóng kín các cửa sổ, cửa kính, cửa ra vào, v.v…).
3.Tủ lạnh: Sử dụng tủ lạnh đúng cách như: không đặt nhiệt độ quá lạnh (nhiệt độ bên trong tủ lạnh nên để ở chế độ từ 3 – 6 độ C, với chế độ đông lạnh thì để âm 15 độ C đến âm 18 độ C. Cứ lạnh hơn 10oC là tốn thêm 25% điện năng); hạn chế số lần mở tủ lạnh để giảm lượng khí lạnh bay ra bên ngoài; thường xuyên kiểm tra gioăng cao su, cửa tủ phải kín để giữ nhiệt.
4.Quạt điện: nên chọn quạt có nhiều tốc độ và khi sử dụng nên điều chỉnh tốc độ quạt phù hợp với nhu cầu cần thiết vì khi mở quạt ở số mạnh nhất sẽ tốn hao điện nhiều nhất; Nhớ vệ sinh định kỳ và vô dầu bôi trơn các ổ trục của quạt sau mỗi 6 (sáu) tháng sử dụng.
5.Máy tính: Màn hình máy tính có độ sáng càng cao, màu càng đậm thì càng tốn điện. Hãy chọn chế độ tiết kiệm điện năng trong máy tính (Screen Save) để vừa bảo vệ được máy, vừa giảm được khoảng 55% lượng điện năng tiêu thụ trong thời gian tạm dừng sử dụng máy (down-time).
6.Bàn là: Nên chọn bàn ủi có rơ-le nhiệt, lau sạch bề mặt kim loại của bàn là sẽ giúp bàn là hoạt động có hiệu quả hơn; Tránh dùng bàn ủi vào giờ cao điểm từ khoảng 05 giờ chiều đến 08 giờ tối; Tập trung nhiều đồ ủi trong cùng một lần để tiết kiệm điện; Nhớ cài đặt nhiệt độ bàn ủi thích hợp với loại vải cần ủi và không nên ủi đồ khi còn ướt hoặc trong phòng có máy lạnh (máy điều hòa nhiệt độ).
7.Ti vi: Nên chọn Tivi có màn hình LCD, LED vì tiết kiệm điện năng khoảng từ 30% trở lên so với các loại thông thường khác; Khi xem tivi nên tắt bớt đèn điện không cần thiết trong phòng để tiết kiệm điện và mang lại hiệu quả hình ảnh cao hơn; Mặt khác cần chỉnh độ tương phản và độ sáng màn hình không quá cao và phù hợp. Khi không xem nên tắt bằng nút Power ở tivi và rút phích cắm ra khỏi ổ cắm hoặc ngắt điện bằng công tắc tại ổ cắm.
8.Nồi cơm điện: Làm sạch đáy nồi (phía bên trong và bên ngoài) và làm sạch mâm nhiệt (tiếp xúc đáy nồi). Không nên nấu cơm quá sớm, chỉ nên nấu cơm trước khi ăn khoảng 30 đến 45 phút để hạn chế thời gian hâm nóng (sẽ ít tốn điện).
9.Máy giặt: Để tiết kiệm điện, chỉ sử dụng máy giặt khi quần áo cần giặt đã đủ theo số lượng định mức của máy, hạn chế sử dụng máy trong giờ cao điểm và hạn chế cài đặt chế độ giặt bằng nước nóng khi không thật sự cần thiết.
Hành động tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình sẽ góp phần giảm mức tiêu thụ điện, tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm chi phí cho gia đình và quốc gia, giảm thiểu khí thải ô nhiễm môi trường, góp phần vào việc bảo vệ môi trường.
|