Đất Điện Bàn đã ngời sáng những tấm gương kiên trung với cách mạng, thủy chung son sắc với lý tưởng của dân tộc, đất nước, quê hương. Tính cách anh hùng của Người Điện Bàn đã làm rạng rỡ những trang sử chói lọi chiến công. Trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, Điện Bàn đã góp phần làm nên danh hiệu “Chiến lũy chiến tranh du kích xuất sắc” của Liên khu V bởi những chiến công vang dội ở vùng địch tạm chiếm như Cẩm Sa, Điện Ngọc, Gò Nổi, Bồ Bồ… chiến thắng Bồ Bồ được ví như “Điện Biên Phủ ở miền Trung trung bộ”. Đến khác chiến chống Mỹ, đất và người Điện Bàn lại vang lên những kỳ tích anh hùng : Bảy dũng sỹ Điện Ngọc; Nguyễn Văn Trỗi với 9 phút làm nên lịch sử; Trần Thị Lý người con gái Việt Nam kiên cường; mẹ Nguyễn Thị Thứ và hàng ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng, biểu tượng của tinh thần nhân văn và lòng quả cảm…
Ba thập kỷ kháng chiến, quân và dân Điện Bàn đã được Đảng và Nhà nước trao tặng 12 Huân chương Thành đồng, 290 Huân chương giải phóng, 616 Huân chương Độc lập, 1200 Huân chương chiến công, gần 16 ngàn Huân chương và gần 11 ngàn Huy chương kháng chiến, 19 đơn vị, tập thể và 7 cá nhân được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Và đặc biệt Điện Bàn là huyện sớm được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ngay sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Để lập nên những chiến công vang dội ấy, máu và nước mắt của bao nhiêu người Điện Bàn đã đổ xuống vì cách mạng. Trên “mảnh đất nuôi ta thành dũng sỹ” đã có hơn 4 vạn người ngã xuống, gần 15 ngàn người bị thương tật và hơn 5000 trẻ mồ côi do chiến tranh ly loạn. Trên mảnh đất mà “Viên đạn bay giờ cày lên viên đạn năm xưa”, đã có gần 1,9 vạn liệt sỹ hy sinh vì nền độc lập, 1500 mẹ Việt Nam anh hùng canh cánh nỗi thương con nhưng đã cống hiến những giọt máu đào cho cách mạng.
Từ mảnh đất Điện Bàn anh hùng, đã tạo nên truyền thống kiên trung bất khuất, nối tiếp thế hệ này đến thế hệ khác. Cùng với một nhân dân anh hùng là những tấm gương trung liệt, là những tấm lòng sắt son với cách mạng của những chiến sỹ cộng sản. Trên bước đường hoạt động cách mạng đã có nhiều cán bộ, chiến sỹ không may rơi vào tay giặc vẫn một lòng một dạ trung thành với lý tưởng cộng sản, với cuộc đấu tranh một mất một còn để giành độc lập tự do cho Tổ quốc, nhân dân. Đó là hình ảnh của những người tù yêu nước, nêu cao khí triết trước quân thù như Nguyễn Đình Trân, Võ Nghĩa, Phạm Nghiệng, Phan Đờn, Ngô Dinh, Lê Tự Kính, Trần Tường, Phan Đình Tựu… Trận tuyến đối mặt với quân thù ở phía những người tù là một trận tuyến đặc biệt, nơi dù không có tất sắc trong tay nhưng ý chí tiến công cách mạng chưa bao giờ bị khuất phục, nơi mà sự thử thách về chí ngoan cường hiện ra trong cảnh cam go rõ nét nhất. Điện Bàn những người con kiên trung bất khuất chính là những tư liệu, những trang hồi ức sống động đầy máu và nước mắt về cảnh tù ngục,về cuộc đấu tranh của những người tù yêu nước, làm sáng rõ thêm những giá trị nhân văn của đất Điện Bàn anh hùng.
Nhưng làm sao có thể chuyển tại trọn vẹn những tấm gương kiên trung bất khuất của Người Điện Bàn? Cuộc kháng chiến đi qua chỉ tính riêng ở trận tuyến nhà tù đã có hàng ngàn tấm gương như thế. Chỉ tính thời chống Mỹ đã có 204 cán bộ, chiến sỹ bị địch giết lén, 11 đồng chí hy sinh tại đảo Phú Quốc, 111 người hy sinh tại Côn Đảo, 184 người hy sinh ở các nhà tù trong đất liền và 320 người ra tù chiến đấu hy sinh. Trải qua nhiều mất mát, thương đau, giờ đây toàn huyện còn 4154 là hội viên Hội tù yêu nước đang sinh hoạt. Gần 5000 cán bộ, chiến sỹ bị tù đày qua các thời kỳ, là hàng ngàn cuộc đời, hàng ngàn tấm gương, hàng ngàn câu chuyện cần kể, muốn kể để lưu dấu những tấm lòng son trong sử xanh…
Nhà thơ Xô Viết Raxun Gamzzotốp từng viết:
“ Không có ai cô độc ở trên đời
Mỗi số phận chưa một phần lịch sử
Mỗi số phận rất riêng dù rất nhỏ
Có hành tinh nào còn sánh nỗi đau”.
Bởi vậy 3 tập sách Điện Bàn – Những người con kiên trung bất khuất, với khỏang 150 chân dung chỉ là một phần nhỏ thể hiện lịch sử đấu tranh của Người Điện Bàn trong các tù ngục thực dân đế quốc.
Lịch sử sẽ mãi là dòng sông để con người biết đi cùng năm tháng!
Lịch sử còn mãi những giá trị của quá khứ có ích cho hiện tại, tương lai!
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: Quá khứ vinh quang chỉ được trân trọng khi hiện tại biết làm đẹp cho đời. Với những đồng chí từng trải qua lao tù đế quốc, với một bộ sách kể chuyện quá khứ, cuộc sống tiếp theo sẽ là những giá trị góp phần cho sự phát triển của quê hương, đất nước…Do vậy hy vọng sẽ có thêm những trang sách mới của những cuộc đời kế tiếp truyền thống một Điện Bàn Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đến Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới- danh hiệu cao quy của Đảng, Nhà nước đã trao tặng.
BAN BIÊN TẬP