Nội dung chi tiết

BỞI CÁCH MẠNG ĐÃ TRỞ THÀNH HUYẾT MẠCH...
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 03/03/2009 .Lượt xem: 4082 lượt. [In bài]

PHÚ TRUNG

“Ừ có lẽ thế. Nếu không có ý chí đấu tranh cách mạng luôn thôi thúc như huyết mạch trong cơ thể, cô đã qụy ngã mất rồi”. Cô Tính lần hồi nhớ lại chuyện một thời kháng chiến...

Sinh năm 1938, cô gái Đặng Thị Tính lớn lên giữa quê hương Điện Nam đầy gian khổ, nhưng cũng rất đổi anh hùng. Truyền thống cách mạng của gia đình, của quê hương đã nuôi lớn ý chí đấu tranh trong nhiệt huyết của cô gái trẻ. Cô Tính tham gia cách mạng từ lúc mười bốn tuổi. Đến năm 19 tuổi cô theo chồng anh Phan Xuân Tới về đất Uất Lũy, Điện Minh, Điện Bàn. Gia đình chồng cũng là gia đình cách mạng, anh Tới là thành viên trong đội công tác huyện. Vì thế cô Tính có điều kiện tiếp tục thực hiện nguyện vọng của mình. Sự ra đời của những đứa con tuy vướng bận, nhưng không giảm đi quyết tâm đi hoạt động, chiến đấu. Cô Tính có bí danh “ Ba Mươi”, làm giao liên trong đội công tác Điện Bàn, dưới sự chỉ huy của bà Nguyễn Thị Cận và các đồng chí Đặng Hữu Tại, Nguyễn Văn Chân... Ngoài ra, cô Tính còn đảm đương việc cơm, nước cho cán bộ về công tác, trú ẩn ở vườn nhà như: Đinh Cao Thắng, Lê Văn Sơn, Phan Xuân Hòa, Lương A...

Uất Lũy là địa bàn khá thuận lợi cho công tác hoạt động bí mật, là địa danh giáp ranh với các xã Điện Phương, Điện Nam, lại có Bàu Ấu làm hào cản quân giặc về hướng Tây Bắc. Địch đã cày ủi hòng biến nơi đây thành vùng trắng, nhưng nhân dân Uất Lũy vẫn kiên cường trụ bám, lập vườn, trồng cây làm cơ sở nuôi giấu bộ đội, du kích. Từ các chòi cây ở Uất Lũy có thể quan sát địch từ Gò Đình ( Điện Phương) tiến lên hoặc từ đường nhựa Hội An – Vĩnh Điện theo cánh đồng Châu Bầu kéo vào. Phan Xuân Mới là con đầu của cô Tính, mới lên 6-7 tuổi đã biết trèo lên cây ổi cảnh giới, báo động cho các đồng chí cán bộ hội họp trong nhà, hoặc chui lên khỏi hầm bí mật. Phong trào cách mạng ở Uất Lũy những năm 1965-1968 phát triển rất mạnh, các đồng chí Huyện ủy liên tục về đây đứng chân chỉ đạo phong trào. Kẻ thù rất căm phẩn, chúng ráo riết truy lùng cán bộ ta. Thế rồi tai ương ập đến với gia đình cô Tính. Đó là vào một buổi sáng mùa Hè năm 1968, đồng chí Phan Xuân Tới, chồng cô hy sinh trên đường công tác từ Điện Nam về. Gánh nặng gia đình chồng chất lên vai. Một nách 3 con, đứa lớn nhất 11 tuổi, đứa con thứ tư đang mang thai vừa 4 tháng. Thoáng chốc Tính cảm thấy bơ vơ, trơ trọi. Bên gia đình cô có 5 anh em, 3 người anh đầu đều là liệt sỹ, cô em gái cũng đã thoát ly theo kháng chiến. Bên gia đình chồng có 4 anh em, hai người đã hy sinh, hai người tập kết ra Bắc. Cô tưởng chừng không thể gượng dậy được nữa. Nhưng rồi sự chăm sóc của bà con láng giềng, đồng chí, đồng đội, đặc biệt là của người mẹ ruột, bà từ Điện Nam về chung sống với cô.

Nhân cái chết của anh Tới, bọn ngụy quyền bắt cô Tính vào giam ở lao Vĩnh Điện tra hỏi để tìm “ đồng bọn” của chồng. Nhưng cô một mực: “ Tôi nào hay biết gì. Cứ tưởng ổng đi làm đồng...”. Không khai thác được gì, chúng đành thả người vợ trẻ ra về. Tuy nhiên, từ đó chúng thường xuyên theo dõi, rình rập, kiểm tra gắt gao những hoạt động của cô. Hơn nữa, mỗi khi có một “ biến cố” nào đó liên quan đến sự an nguy của ngụy quyền thôn, xã, cô Tính là một trong những đối tượng bị “ tình nghi” đầu tiên, bị bắt bớ giam cầm, tra hỏi. Một hôm, bọn địch phát hiện được một căn hầm trong bụi tre gần vườn nhà cô. Do có báo động, anh em đã chạy thoát nhưng trong lúc khẩn cấp, kíp mìn, cuộn dây điện và cả gói cơm ép trong lá chuối mà cô Tính vừa tiếp tế trước đó vẫn còn lại. Lập tức, bọn giặc ập vào nhà cô, dùng bảng súng đánh phủ đầu. Chúng lôi cô đi trong tiếng khóc thét của những đứa trẻ. Tại nhà lao Vĩnh Điện, những trận dùi cui liên tiếp quất lên tấm thân gầy của người đàn bà vừa qua kỳ sinh nở. Có lúc, chúng đánh cô ngã sấp xuống nền rồi đạp giày đinh lên ngực, bụng. Đánh ngất rồi tạt nước cho tỉnh, lại đánh, lại ngất... Giọng tên cai ngục cứ oang oang: “ Con này cứng đầu lắm, dân cộng sản gốc. Đánh cho trốc cái gốc cộng sản trong đầu nó...” Bọn giặc càng hung dữ, cô Tính càng gan lỳ. Bọn địch không thể ngờ rằng, trong tấm thân bè nhỏ của người đàn bà ấy, dòng máu cách mạng luôn sôi sục, luôn nung nấu một ý chí “ phải trả thù cho gia đình, cho chồng, anh em, đồng đội...”

Không khai thác gì thêm, cũng không có chứng cứ gì buộc tội, bọn địch lại phải tha cô Tính. Hai bầu ngực của cô bầm tím, sưng phồng vì giày đinh và dùi cui. Nhưng lạ thay, ra khỏi lao, đôi chân cô như có cánh bay về với căn nhà nhỏ, nơi có 4 đứa trẻ và người mẹ già đang ngóng đợi. Quên cả đớn đau, cô hối hả vạch vú cho con bú. Những dòng sữa vẫn tuôn chảy, như mạch sống không kiệt cùng.

Đầu năm 1971, một sự cố nữa lại xảy ra cho đội công tác Điện Bàn ở Uất Lũy. Các anh chị vừa ra khỏi làng thì gặp địch phục kích. Trong lúc chống cự các anh đã làm rơi lá thư công tác. Qua nội dung thư, bọn giặc đã lần ra người liên lạc “ Ba Mươi” là cô Tính. Lúc đó cô Tính đang ở trong vườn nhà, bọn lính ập vào lôi cô xềnh xệch qua đám đất cày. Cô chỉ kịp ngoái đầu nói với vào trong nhà: Mẹ ơi chăm mấy cháu...

Cô lại giam trong nhà lao Vĩnh Điện. Đây là lần thứ tư. Cô Tính không lạ gì những trận đòn thù cùng  những tiếng hét: “ Dân cộng sản gốc, đánh cho nó chết !”. Vẫn ý nghĩ đinh ninh trong đầu cô rằng, gánh chịu đựng, không khai thác được gì chúng phải thả thôi. Nhưng lần này lai lần khác. Cùng bị bắt với cô Tính có bà Nguyễn Thị Nên, người hàng xóm, cũng là đồng đội, đồng chí, một cơ sở cách mạng đáng tin cậy ở Uất Lũy. Bọn giặc đã cố tình dùng đòn ly gián, kiểu “ mày không khai thì con Nên cũng khai hết rồi”; Hoặc: “ Đó, con Nên khai và đã được tha bổng về rồi. Chỉ có mày hành hạ xác thân mày thôi con ạ”. Cô Tính không hề lung lay. Lòng tin mãnh liệt với cách mạng, với bà Nên, đã giúp cô đủ sáng suốt để tránh được đòn hiểm của kẻ thù.

Tại Hội An, vẫn những trận đòn chết đi sống lại nhưng bọn giặc vẫn khai thác được gì ở người phụ nữ kiên cường này. Những vết roi rách da thịt, những vết tím bầm của dùi cui, giày đinh khắp người, nhưng đau đớn hơn là nỗi nhớ thương, lo lắng về bốn đứa con và người mẹ già. Và đó cũng chính là động lực để cô vượt qua bao thử thách đòn tra của kẻ thù, bởi phải cố gắng chịu đựng, không moi được gì thì kẻ địch cũng phải thả về. Vì thế, suốt hai năm 1971 – 1972, trong nhà lao Hội An, cô Tính vẫn nằm trong diện “ tình nghi” không thể kết án được. Năm 1973, thực hiện trao trả tù binh, cô Tính được thả về. Đôi chân nhỏ lại bay về với đất mẹ, với những ánh mắt, vòng tay tha thiết mong chờ. Niềm tin vào Đảng, vào Cách mạng của người phụ nữ bé nhỏ vượt qua tù đày trở về vinh quang, chiến thắng...

Cô Đặng Thị Tính năm nay bước vào tuổi bảy mươi, cái tuổi xưa nay hiếm. Từ khi thôi công tác phụ nữ và Ban Chủ nhiệm HTX, cô trở vể công việc nông trang như bao người phụ nữ nông thôn khác. Di chứng những trận đòn dã man của kẻ thù là những cơn đau đầu triền miên và lồng ngực nhức buốt mỗi khi trời trở gió. Nhưng với cô Tính tất cả đều là chuyện quá khứ, có thấm gì đâu so với những hy sinh mất mát của gia đình, đồng chí, đồng đội, của quê hương Điện Bàn này...  

[Trở về]
Các tin mới hơn:
PHÙ SA CÁCH MẠNG
VƯỢT NGỤC
TRONG CHIẾC NÔI TỘC HỌ, XÓM LÀNG
TRONG BÓNG CỜ SON
THUỶ CHUNG MỘT LÒNG VỚI CÁCH MẠNG
THÂN TÙ XƯA
TẶNG ANH TÀO VĂN HÀO
PHÙ SA CÁCH MẠNG
NGƯỜI ĐÓNG NẮP HẦM
NGƯỜI CON GÁI MẸ THỨ
    
1   2   3  
    
Các tin cũ hơn:
ĐẤT ANH HÙNG NGƯỜI KIÊN TRUNG
TRẦN ÚT VÀ NHỮNG KỲ TÍCH ANH HÙNG
CHÂN DUNG ĐỒNG CHÍ CAO SƠN PHÁO
CHÂN DUNG ĐỒNG CHÍ NGUYỄN XUÂN NHĨ
Sáng mãi tấm gương cô gái làng Phong nhất - Điện An
Cái chang tóc
Di tích của những tấm lòng son sắt.
BẢN LĨNH NGƯỜI TỬ TÙ
Trái tim Trần Yêm
Tống trị - Người thắp lửa.
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm