Anh Tâm tham gia cách mạng từ năm 1966, thuộc đơn vị du kích xã Điện Tân (nay là Điện Phong), từng chiến đấu nhiều trận quyết liệt, diệt được nhiều địch.
Sau tổng tiến công Mậu Thân – Xuân 1968, qua đợt hoạt động X2 thì các đơn vị du kích, bộ đội đều tập trung chống địch phản kích, càn quét. Tháng 5 năm 1968, liên quân Mỹ - ngụy chia hai cánh quân ập vào xã Điện Tân. Đợt chống càn này, đơn vị anh Tâm phải chiến đấu suốt ngày đêm ròng rã, diệt hàng trăm tên địch. Nhưng trận càng quá ác liệt, chỉ riêng về số lượng quân địch đã hơn ta gấp hàng chục lần cùng vũ khí tối tân. Bẻ gãy được bước tiến sâu của địch, nhưng tổn thất của ta cũng nhiều. Anh Tâm bị thương vào đầu, phải núp trong hầm. Địch phát hiện ra sức gọi hàng. Gọi hàng không thành, chúng dùng mìn đánh bật hầm, khiến 3 đồng chí ta bị chết ngạt. Riêng anh Tâm và anh Nguyễn Thành Tân sống sót nhưng bị rơi vào tay địch. Bọn địch tổ chức cấp cứu và lấy khẩu cung tại chỗ. Tâm bị thương nặng, toác thịt trên hai tay và một mãnh lớn găm vào hông. Trong sức gắng gượng anh lờ mờ nhận ra mình bị bắt nên quyết định hy sinh không để rơi vào tay giặc. Song bọn địch cố giữ và chạy chữa, nhằm để khai thác anh. Sau 3 tháng tập trung điều trị tại Bệnh viện Duy Tân, địch đưa Tâm vào trại tù Non Nước và bắt đầu thẩm vấn, tra hỏi. Tâm tuyên bố thà chết không phản bội kháng chiến, tố cáo chế độ lao tù và cuộc chiến phi nghĩa mà Mỹ - ngụy thực hiện. Chỉ một tháng sau, không khuất phục được Tâm, địch chuyển anh vào nhà lao Hố Nai – Biên Hòa. Ở tại nhà tù này, Tâm ra tay diệt tên trật tự tay sai chuyên hành hạ, đánh đập tù nhân. Bị xếp vào loại ngoan cố, nguy hiểm, Tâm bị kẻ thù cách ly, biệt giam một tháng không cho thấy ánh sáng, không cho tắm giặt, ăn đói, nhịn khát rồi cuối năm 1969, đày anh đi Phú Quốc. Ra đảo, kẻ thù bắt anh lên thẩm cung, tra tấn hòng để anh không chịu nổi phải chiêu hồi. Anh không nghe. Chúng lại bắt anh hô đả đảo lãnh tụ. Anh chống lại, chất vấn chúng: “ Mỗi người có lý tưởng riêng, nếu chúng tôi bắt được các ông bảo hô đả đảo Mỹ - ngụy, các ông có hô không?” .Thất lý, chúng đánh tra anh tàn bạo. Bọn cai ngục dùng kìm sắt bẻ 1 lần 3 cái răng cửa hàm trên. Răng trốc, máu ra lênh láng, mặt mũi sưng vù. Chúng lại bỏ anh vào bao tời cùng một người bạn tù, cột lại rồi bỏ vào chảo nổi lửa lên rang khô, 10 phút sau chúng kéo bao ra, thì anh bạn tù đã chết bất đắc kỳ tử. Còn anh Tâm da bỏng rất toàn thân, cổ họng khô cứng, bị chúng khiêng quảng vào phòng tối nằm chết lịm. Không hiểu sức mạnh nào khiến anh tỉnh lại. Mặt mày sưng to quai hàm, mình rát bỏng nhưng thù hận dâng lên quyết liệt, Tâm thề chọn cái chết vinh quang chứ không bao giờ khuất phục dù kẻ thù nham hiểm độc ác, tàn bạo đến mức nào.
Giệp định Pari được ký kết, anh cùng động đội đấu tranh buộc địch thực hiện trao trả tù binh. Và ngày tháo cũi sổ lồng đã đến, ngày 19 tháng 5 năm 1973, anh có tên được trao trả lại Lộc Ninh. Anh được giải quyết chính sách ra miền Mắc chữa bệnh. Trong những ngày ở Miền Bắc, anh gặp chị Huỳnh Thị Hoa. Cùng quê hương, cùng cảnh ngộ, Tâm và Hoa mau chóng cảm thông và nên nghĩa vợ chồng.
Chị Huỳnh Thị Hoa làm công tác giao liên cho kháng chiến ở vùng Gò Nổi từ năm 1965. Sau chị chuyển lên làm công tác chăm sóc thương bệnh binh ở tỉnnh Quảng Đà, rồi làm giao bưu cho Mặt trận 44. Trong trận càn lên căn cứ vào năm 1970, địch bắt được chị. Chúng khảo tra đánh đập đủ kiểu nhưng chị chỉ nhận làm công việc nấu nướng cấp dưỡng cho số cán bộ bị đau ốm. Tìm không ra được manh mối nào chính xác, địch đành phải chuyển chị vào nhà lao Hội An. Năm 1972, địch lại chuyển chị vào trại tù Phú Yên. Khi Hiệp định Pari được ký kết, bọn quản tù âm mưu ém giấu những người tù cách mạng và đày ra Côn Đảo để tiếp tục đọa đày nhưng nhờ tinh thần đấu tranh quyết liệt của phía ta nên buộc địch phải trao trả vào tháng 5 năm 1974 tại Lộc Ninh. Chị được quân khu nhận về an dưỡng đến cuối năm 1974 thì được ra Bắc điều dưỡng.
Tâm – Hoa, đôi vợ chồng giờ đây có 4 người con, cuộc sống còn vất vả khó khăn nhưng đượm tình yêu thương, san sẻ, ấm áp nghĩa tình...