Nỗ lực cứu môi trường
Đầu năm 2006, KCN Điện Nam - Điện Ngọc luôn ở trong tình trạng “nóng” bởi sự lên tiếng chỉ trích của dư luận khi hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp tuồn thẳng nước thải chưa qua xử lý ra sông Vĩnh Điện, hoặc cho chảy tràn lan khắp nơi làm ảnh hưởng đến môi trường của người dân xung quanh khu vực này. Tuy nhiên chỉ sau 1 năm, Công ty cổ phần Phát triển đô thị và KCN Quảng Nam - Đà Nẵng chủ đầu tư đã quyết định đầu tư và nhanh chóng xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải tập trung KCN Điện Nam-Điện Ngọc và đến nay đã đi vào hoạt động một cách hiệu quả. Đây là một trong những động thái quan trọng trong nỗ lực làm hồi sinh môi trường và là nhận thức cần phải có của chính cơ quan chủ quản. Ông Nguyễn Phụ - Phó ban Quản lý KCN, cán bộ chuyên trách vấn đề môi trường cho biết: “Đơn vị chúng tôi xác định ngoài việc đảm bảo cơ sở hạ tầng ở KCN để thu hút đầu tư, vấn đề quan trọng còn lại chính là môi trường. Nhà máy xử lý nước thải ra đời ngay lập tức đã giải quyết được những lo lắng của doanh nghiệp cũng như của người dân xung quanh vùng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã làm đủ mọi cách để tuyên truyền vấn đề bảo vệ môi trường đến với từng doanh nghiệp trong địa bàn KCN. Và thực tế đã chứng minh bằng việc hưởng ứng tích cực từ phía doanh nghiệp”.
Nhìn trực quan tổng thể, KCN Điện Nam - Điện Ngọc nay đã phủ đầy màu xanh, từ Công ty Giày Rieker đến gạch Đồng Tâm, Công ty May Việt Vương 2, Công ty TNHH Quang Minh… đều được xanh hóa bằng nhiều loại cây. Chị Trương Thị Ngọc Nga - công nhân Công ty TNHH Thủy sản Hải Hà cho biết: “Trước đây tôi làm việc trong công ty khi về nhà luôn bị nôn ói vì bị ám ảnh bởi mùi hôi. Nhưng từ khi môi trường trong công ty đã được cải thiện, mùi hôi đã hết, anh chị em công nhân làm việc cũng phấn khởi hơn. Việc trồng cây xanh trong công ty đã tác động tích cực đến môi trường làm việc của công nhân, khiến anh chị em làm việc thoải mái hơn”.
Môi trường là vấn đề được chủ đầu tư quản đặt lên hàng đầu. Rác sinh hoạt và rác thải công nghiệp được Công ty Môi trường đô thị gom lại và đem đi xử lý ngay trong ngày. Phương châm “nhà máy mọc lên đến đâu, cây xanh phủ đến đó” được thực hiện một cách triệt để và hiệu quả nhất. Tính đến nay KCN này được xem là KCN có mật độ cây xanh dày nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Trong thời gian 3 năm, từ một điểm nóng về môi trường, KCN Điện Nam - Điện Ngọc đã “lột xác” thành một KCN kiểu mẫu về môi trường. Đó thực sự là nỗ lực không ngừng của lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng và Công ty cổ phần Phát triển đô thị và KCN Quảng Nam - Đà Nẵng. Tuy nhiên, không phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung là doanh nghiệp yên tâm, muốn làm gì thì làm, thải gì ra cũng được. Ông Nguyễn Phụ - phó Ban quản lý KCN cho biết thêm: “Nếu xét về tư cách thì giữa chúng tôi và các doanh nghiệp đang hoạt động ở đây đều là đối tác. Khi phát hiện ra vi phạm về môi trường tại doanh nghiệp nào đó thì chúng tôi không đủ thẩm quyền để xử lý mà chỉ nhắc nhở với tư cách đơn vị chủ quản mà thôi. Chúng tôi cũng không thể thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra môi trường được, ngược lại nếu phát hiện vi phạm tại đơn vị nào thì người chịu trách nhiệm là chúng tôi chứ không ai khác. Đó là điều bất hợp lý. Vậy nên, chúng tôi cần có sự phối hợp đồng bộ và thường xuyên giữa các cơ quan chức năng, cảnh sát môi trường để có thể giám sát chặt chẽ tình hình xử lý nước thải ở các doanh nghiệp, tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng”.
Với công suất hoạt động 5.000m3/ngày, tất cả nước thải đổ ra tại khu công nghiệp sẽ được xử lý trước khi cho chảy ra sông Vĩnh Điện. |
Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Điện Nam - Điện Ngọc không chỉ là bước đột phá trong nỗ lực bảo vệ môi trường tại KCN. Những lợi ích thiết thực ban đầu đã được ghi nhận. Ông Nguyễn Trực - nhà ở sát bờ sông Vĩnh Điện cho biết: “Từ ngày có nhà máy xử lý nước thải, nước đổ ra đây đã trong, sạch và không còn mùi hôi thối nữa. Người dân chúng tôi vui mừng lắm. Thời buổi bây giờ, bệnh tật nhiều hơn một phần do nguồn nước ô nhiễm, vì vậy thấy nước ở KCN đã xử lý trước khi đổ ra sông Vĩnh Điện thì chúng tôi yên tâm hơn nhiều”. Có mặt tại nhà máy xử lý nước thải, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những đàn cá rô phi, cá mè bơi lội dưới hồ nước đã xử lý. Công nghệ xử lý cơ học kết hợp với keo tụ sinh học cùng quy trình xử lý Aerotank, được xem là phương pháp hợp lý, tiết kiệm nhiều chi phí. Mỗi ngày, nhà máy hoạt động và xử lý 5.000m3 nước thải, chi phí vận hành cho mỗi ngày là 25 triệu đồng. Ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó Giám đốc nhà máy cho biết: “Chi phí vận hành máy móc là 25 triệu đồng/ngày, tuy nhiên thời điểm này thường xuyên bị cúp điện nên chúng tôi phải dùng máy phát điện, chi phí phát sinh phải thêm 3-4 triệu đồng tiền dầu/ngày. Trong khi đó chúng tôi vẫn chưa thu được bất kỳ một khoản phí nào từ các doanh nghiệp ở KCN vì đến giờ vẫn chưa có chỉ đạo chính thức nào từ phía cơ quan chức năng của tỉnh. Điều này thực sự gây khó khăn cho công ty chúng tôi rất nhiều”.
QUANG MINH (Theo Báo Quảng Nam)