Đến thăm cơ sở tái chế mỡ động vật của anh Trần Văn Tài - người con quê hương Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tôi được nghe những chia sẻ chân thành từ anh về quá trình khởi nghiệp. Trước đây cuộc sống gia đình anh gặp nhiều khó khăn do thu nhập ít ỏi từ nghề thợ xây. Sau nhiều năm phiêu bạc trong thành phố Hồ Chí Minh, năm 2014, anh Tài quyết định trở về quê hương lập nghiệp với khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê mình. Tại thời điểm ấy, anh bắt gặp hình ảnh các cơ sở giết mổ động vật thường xuyên thải các chất thải hữu cơ ra ao hồ, sông suối. Bên cạnh đó, các khu phố chợ cũng thải ra nguồn chất thải tương tự gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống người dân địa phương. Với mong muốn tái sử dụng nguồn chất thải hữu cơ ấy, anh Tài đã nghiên cứu, học tập và xây dựng nên mô hình tái chế mỡ động vật mà cụ thể là các mô mỡ heo, bò từ các lò mổ thành thực phẩm khô, nhằm góp phần bảo vệ môi trường, cung cấp nguồn thức ăn vỗ béo trong chăn nuôi cho gia cầm, gia súc. Anh Tài chia sẻ:
“ Khi còn làm việc trong thành phố Hồ Chí Minh, tôi tình cờ được thăm quan một cơ sở chế biến mỡ động vật thành thức ăn dạng khô cho cá basa, điều khiến tôi tò mò là nguồn thực phẩm thường bị bỏ đi này lại có thể tái sử dụng trong mục đích chăn nuôi. Sau những lần về quê, đi đến các điểm giết mổ thì thấy các lò mổ cũng thải các loại mỡ heo, bò tương tự ra môi trường, từ đó tôi quyết tâm ở lại quê hương, xây dựng nên cơ sở tái chế mỡ động vật thành thực phẩm khô, cũng là mô hình đầu tiên trên địa bàn xã Điện Phước”.
Để có được mô hình sản xuất hiệu quả như hiện nay, gia đình anh Trần Văn Tài đã trải qua vô vàn thử thách. Ban đầu, anh gặp khó khăn trong việc xây dựng cơ sở kinh doanh bởi đặc thù nghề này cần có diện tích đất rộng và xa khu dân cư. Do đó, anh Tài đã thuê đất cách xa nơi ở của nhiều hộ gia đình, xây dựng hàng rào lưới điện, đèn đường, tu sửa đường bê tông có chiều dài hơn 500m để phục vụ cho quá trình sản xuất và vận chuyển. Ngoài ra, việc tìm đầu ra cho sản phẩm đã trở thành bài toán nan giải nhiều lần khiến anh chùng bước. Tuy nhiên, qua bao cố gắng, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chịu khó và quyết tâm cao đã giúp anh vượt lên tất cả. Sau 6 năm gắn bó, với chi phí đầu tư hơn 600 triệu đồng, đến nay cơ sở chế biến thực phẩm khô của anh Tài đã hình thành trên tổng diện tích 200 m2. Từ những phụ phẩm bỏ đi tại hầu hết các cơ sở lò mổ, khu phố chợ, anh Trần Văn Tài đã biến những sản phẩm dư thừa đó thành nguồn thức ăn vỗ béo hiệu quả, cung cấp cho các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, cơ sở của anh Tài còn là đơn vị cung ứng thường xuyên nhiều năm liền cho công ty TNHH Đại Hạnh Phúc - công ty Đài Loan có trụ sở tại Việt Nam chuyên xuất khẩu thức ăn chăn nuôi thành phẩm. Hiện nay, trung bình mỗi năm cơ sở của gia đình anh cho thu lãi trên 500 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 05 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 08 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Mô hình càng ý nghĩa hơn khi đã giải quyết được tình trạng vứt chất thải hữu cơ ra môi trường tại các lò mổ thuộc 7 xã trên địa bàn thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Được biết, quy trình chế biến mỡ động vật của anh Tài được thiết kế theo tiêu chuẩn khép kín, trải qua 05 giai đoạn, bao gồm các khâu: làm sạch, thái nhỏ, đun sôi, làm nguội và đóng gói. Hệ thống xử lí nước thải được quản lí hết sức chặt chẽ thông qua hố sâu tự phân hủy, sử dụng hệ thống hút khói để giảm thiểu sự ô nhiễm ra bên ngoài. Bên cạnh đó, anh còn sử dụng vỏ trấu làm nguyên liệu đun sôi, bả trấu sau khi sử dụng được bán cho các cơ sở trồng la ghim để làm phân bón, quyết tâm không để chất thải dư thừa thải ra môi trường.
Theo nghiên cứu, mỡ heo, bò chứa lượng lớn các chất béo và calo giúp bổ sung nguồn năng lượng cho con vật nuôi. Không những thế, trong mỡ còn chứa nhiều loại Vitamin như: A, E, B1, B12 giúp tăng cường hệ miễn dịch cho gia súc, gia cầm và thủy hải sản. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, việc sử dụng mỡ heo, bò trong chăn nuôi sẽ giúp kích thích khẩu vị, nuôi dưỡng cơ quan nội tạng, bôi trơn thành ruột và giảm tình trạng táo bón cho con vật nuôi.
Mục tiêu của anh Tài trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất gắn liền tiêu chí thân thiện với môi trường. Trong năm 2021, gia đình anh Tài định hướng nâng cấp cơ sở sản xuất, lắp đặt thêm nhiều hệ thống máy móc để tăng hiệu quả kinh doanh, đẩy mạnh việc cung ứng nguồn thực phẩm khô ra các tỉnh thành phía Bắc Việt Nam.
Anh Trần Văn Nhân, người dân thôn La Hòa cho biết:
“Từ ngày có mô hình kinh doanh này, tình trạng thải mỡ động vật ra môi trường giảm đi đáng kể, hơn nữa, trong thời buổi khó khăn của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay nhưng cơ sở của anh Tài vẫn hoạt động một cách bình thường, ổn định, tạo ra công ăn việc làm cho bà con thì thật đáng ghi nhận. Tôi hi vọng mô hình của anh Tài ngày càng nên học tập, mở rộng để thu hút nhiều nông dân cùng tham gia sản xuất”.
Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Tài được chính quyền địa phương cũng như bà con thôn La Hòa, xã Điện Phước đánh giá là nhà hảo tâm tiêu biểu của thôn. Với tinh thần tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn, hàng năm bản thân anh cùng với các hội viên trong Chi Hội cựu chiến binh, Tổ Hội nghề nghiệp tích cực tham gia các cuộc vận động tại địa phương, ủng hộ gây quỹ, giúp đỡ những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng các công trình phúc lợi nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Cụ thể, mỗi năm gia đình anh ủng hộ từ 40 - 50 triệu đồng xây dựng hệ thống đèn điện chiếu sáng, đường giao thông nông thôn, đóng góp kinh phí trong xây dựng miếu làng, đình làng; đến thăm, tặng quà động viên cho các thanh niên lên đường nhập ngũ, tặng học bổng hiếu học cho các em học sinh trong và ngoài địa bàn thôn…
Bằng những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được trong quá trình sản xuất, anh Tài đã trao đổi và hướng dẫn cho nhiều hộ gia đình cùng tham gia khởi nghiệp, sáng tạo. Hi vọng rằng những cố gắng nỗ lực của bản thân và gia đình anh Trần Văn Tài có thể góp phần từng bước thúc đẩy nền kinh tế địa phương ngày càng phát triển, xây dựng quê hương Điện Phước, thị xã Điện Bàn ngày càng giàu đẹp.