Sau khi chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thiết lập bộ máy ngụy tề ở Điện Quang, chúng lập ra Hội đồng xã Phú Mỹ. Để chuẩn bị cho đồng khởi năm 1962, xã Phú Mỹ là một trong 7 xã của Điện Bàn được Thường vụ Huyện ủy xác định làm điểm. Huyện ủy phân công đồng chí Lê Quý, Uỷ viên Thường vụ về phụ trách xã Phú Mỹ, với nhiệm vụ tập trung xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng tại chỗ, đồng thời diệt các tên ác ôn, phá lỏng thế kèm. Sống trong nanh vuốt kẻ thù, ba bên, bốn bề là địch, qua phát động xây dựng cơ sở, đồng chí Quý đã tìm ra và xây dựng những cơ sở trung kiên chí cốt của cách mạng. Đồng chí Quý đã được bà Trần Thị Khiêm, Nguyễn Thị Luyện ( tức Anh) và ông Trần Văn Năm nuôi giấu, chở che. Hầm bí mật mà anh Quý trú ẩn, làm việc an toàn nhiều năm ở trong nhà bà Khiêm.
Trong năm 1961, ta tập kích vào cơ quan Hội đồng xã Phú Mỹ, trừng trị tên ác ôn Ngô Thống và bắt Hà Hảo - đại diện xã để giáo dục rồi thả về. Địch phản ứng, chúng đưa quân càng quét và ập vào nhà bà Khiêm xăm tìm, phát hiện ra hầm bí mật. Rất may là lúc đó anh Quý đi vắng. Chúng bắt bà Khiêm tra tấn rồi đưa về nhà lao Vĩnh Điện tra tấn suốt 3 ngày liền. Bà Khiêm cắn răng chịu đau, không khai báo, chỉ nhận có đào hầm bí mật để nuôi mấy ông cách mạng về diệt ác ôn nhưng chưa có ai về ở...” Tra tấn nhưng không lấy được lời khai có giá trị gì, bọn chúng tuyên bố hành quyết. Bà Khiêm bảo sẵn sàng chịu chết. Chúng hỏi bà chết ở đâu, bà nói muốn chết trên đất quê hương. Thế là một ngày giữa tháng 5 năm 1961, từ nhà lao Vĩnh Điện, bọn địch dẫn bà về hành quyết tại bầu cỏ thôn Phú Đông.
Khi ông Trần Văn Năm, là cơ sở cách mạng nghe tin bà Khiêm bị bắt tìm cách thoát khỏi nơi càn quét đánh phá của địch. Nhưng ông vừa ra khỏi rìa làng thì không may lọt vào trận địa đón lõng của bọn lính do tên đại úy Sáu chỉ huy. Ông Năm bị bắt, bọn chúng dùng bảng súng, gậy phang ngang lưng. Sau đó, ông Năm bị đưa về nhà lao Vĩnh Điện. Kẻ thù đã hành hạ bằng những đòn tra hiểm ác, nhưng Trần Văn Năm một mực không khai báo tổ chức, đường dây, vậy là chúng đưa ông về đầu gò đất ở Vân Ly hành quyết.
Lại nói về bà Nguyễn Thị Luyện ( tức bà Anh), bà có chồng đi tập kết để lại 4 đứa con, trong đó có hai người con thoát ly tham gia hoạt động cách mạng. Bọn tay sai rình rập và mỗi khi có động gì là chúng lại lôi bà lên tra hỏi. Căn nhà bà Anh ở gần cơ quan Hội đồng xã Phú Mỹ, ta đánh lừa địch, có lúc đưa cả tiểu đội về trú ở căn hầm nhà bà Anh. Bà Anh cũng gan góc nuôi giấu nhiều cán bộ về hoạt động trong vùng. Tuy vậy, lâu ngày bọn địch cũng lần ra dấu vết, nhất là sau mấy trận ta tập kích cơ quan của chúng. Chúng bắt bà Anh lại tra hỏi về những người con, về người chồng thoát ly. Chúng cũng bắt nọn khi hỏi bà ai về xã này, ai trú nhà bà? Bị đánh đập, nhưng bà Anh vẫn kiên trung, không hé lộ một lời, vì vậy cũng trong năm 1961, bà Anh bị kẻ thù bắn chết.
Ba cái chết của cơ sở cách mạng làm rúng động phong trào kháng chiến của Điện Quang, Gò Nổi. Ông Hà An và ông Ngô Tri, từng bám trụ nơi đây, cho hay rằng, người dân Điện Quang rất căm phẩn trước hành động dã man của bọn tề ngụy ác ôn. Vì vậy, khi cách mạng đưa quân về phát động thì một phong trào Đồng Khởi phá kèm giải phóng đã bùng lên như một rừng lửa thiêu cháy trụ sở bọn hội đồng, cùng những hàng rào, ấp chiến lược. Bọn Hội đồng xã Phú Mỹ sau nhiều lần bị ta tập kích đã bỏ chạy, vì vậy Điện Quang trở thành bàn đạp căn cứ đứng chân trú quân của bộ đội, du kích sau các đợt Đồng Khởi phá kèm các xã Gò Nổi.
Trở lại Điện Quang hôm nay, những biền bãi phù sa đã xanh lên ngút ngàn sự sống, tôi bồi hồi nghe kể lại bao kỳ tích của một thời. Chuyện của mẹ Khiêm, mẹ Anh và biết bao người mẹ của đất Gò Nổi, đất Điện Bàn thấm đẫm một nghĩa tình của nhân dân với cách mạng. Không có những tấm lòng, những nghĩa tình ấy, cách mạng sẽ không thể gieo mầm cho tương lai...