Trong kháng chiến chống Pháp, tôi là cán bộ Ban chấp hành Hội phụ nữ cứu quốc xã và được kết nạp vào Đảng Cộng Sản năm 1949, lúc vừa 21 tuổi (tôi sinh 1928).Tôi tham gia sinh hoạt trong chi bộ 19 Phong Lục Tây.
Năm 1954, đất nước chia đôi miền, theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, chồng tôi ông -Nguyễn Thảo, làm trong ngành công an của tỉnh Quảng Nam -Đà Nẵng tập kết ra Bắc. Vợ chồng tôi sống trong cảnh “ngày Bắc đêm Nam” tôi ở lại quê nhà tiếp tục công tác. Chúng tôi chỉ có với nhau một mặt con, bé Nguyễn Thị Đề, lúc ấy chưa đầy 3 tuổi.
Xa chồng, một mình chăm sóc con thơ, nhưng tôi vẫn lo tròn trách nhiệm của một người Đảng viên. Đầu tháng 2.1955, đồng chí Ngô Dinh tìm gặp tôi. Đồng chí động viên tôi giữ vững tinh thần, niềm tin vào Đảng, vào cách mạng và giao cho tôi nhiệm vụ làm đầu mối liên lạc của trục hành lang Đông -Tây của Điện Bàn. Các đồng chí Phạm Ký, Lý Trân, An, Nhơn, Quốc và sau này là Lê Công Bán, Tống Trị cùng nhiều đồng chí khác nữa đều liên hệ đường dây của tôi để đi về hoạt động. Địa bàn hoạt động của tôi khá rộng nhờ đôi quang gánh phên, cót, thúng, mủng...thường xuyên ra vào Đà Nẵng và đến nhiều nơi khác nữa. Ngoài ra tôi còn canh giữ và lo cơm nước cho các đồng chí trú chân tại căn hầm bí mật trong nhà và ngoài vườn. Giữa năm 1957, đồng chí Phạm Ký tổ chức họp mặt chia tay ở nhà tôi để ra Bắc. Ông giao lại cho tôi chiếc radio nhỏ dùng cho anh em theo dõi tin tức. Từ đó, chiếc radio trở thành người bạn quý, cùng chia sẻ với tôi bao gian nan vất vả và cũng là vật để các anh em trong hầm bí mật sử dụng. Đến năm 1962, đồng chí Quốc mang chiếc đài về căn cứ...
Những năm 1955-1957, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn, địch đánh phá ác liệt các cơ sở ta, nhất là các gia đình kháng chiến cũ và gia đình có người thân tập kết ra Bắc. Tổ chức cách mạng nhiều nơi bị tan rã. Tuy nhiên, đường dây do tôi phụ trách vẫn đứng vững.
Đến năm 1958, một buổi sáng tinh mơ giữa tháng 3, một toán lính quận Điện Bàn và cả bọn ngụy tề Nha Thanh Quýt bỗng dưng ùn ùn kéo lên vây chặt nhà tôi. Bọn chúng hô hào xăm hầm, lục soát. Bụng tôi nóng như lửa đốt bởi hai đồng chí Quốc và Trân đang ẩn dưới hầm bí mật trong nhà. Gọi là nhà nhưng thật ra là mái nứa trống trơ. Có lẽ thấy vậy nên bọn giặc nhanh chóng bỏ qua và tập trung ra phía vườn cây lá um tùm. Đến gần 10 giờ, chúng phát hiện được căn hầm ngoài vườn.Thế là chúng xông vào, túm tôi trói chặt vào gốc cây mít, tay đánh, miệng hét: “Con mẹ mày ,khai mau, ai đang ở dưới hầm ? Gọi bọn chúng lên mau!”. Tôi giả khờ giả dại : “Tôi đàn bà dạ trẻ, biết hầm hố chi mô. Biết ai dưới đó mà gọi?” Tức tối , bọn giặc gài mìn giật tung miệng hầm. Không hấy ai cả.Chúng trói tôi về Nha Thanh Quýt .Thôi thì đủ cả, không một hình thức tra tấn nào chúng không trút hết để đầy đoạ tôi. Đau đớn tột cùng, nhưng niềm vui đã bảo toàn được các cán bộ cách mạng trong căn hầm ở nhà là động lực lớn giúp tôi vượt qua tất cả. Sáng hôm sau, từ Nha Thanh Quýt ,tôi bị giải về Vĩnh Điện .Lại thêm những trận dùi cui, tra điện, đổ nước xà phòng..Tôi chết đi sống lại nhưng vẫn không một lời hé răng.
Hơn một tháng sau, bọn giặc bất lực đành thả tôi về. Thật khó diễn tả niềm vui khi trở về với ngôi nhà yêu dấu, nơi đứa con gái bé bỏng đang tha thiết mong chờ cùng với những vòng tay yêu thương chào đón của người thân, đồng đội. Các đồng chí lãnh đạo hết lời khen tôi. Qua thử thách ấy, tôi lại được giao những nhiệm vụ khác, nặng nề hơn...
Bấy giờ, Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm đang gây tang tóc khắp hang cùng ngõ hẻm. Các đồng chí lãnh đạo lần lượt hy sinh. Các cơ sở cách mạng chìm trong biển máu. Cũng lúc ấy, tôi được anh Lê Tự Bán, Tống Trị cho hay chồng tôi (Nguyễn Thảo) đã trở về Nam và đang công tác trong ngành công an mặt trận phía nam Quảng Nam. Niềm hy vọng gặp lại chồng luôn khấp khởi trong tôi. Tôi lao vào công tác, khai thác tối đa lợi thế hợp pháp trong giai đoạn giặc khắt khe thanh trừng cộng sản. Niềm tin vào Đảng, vào ngày mai sum họp đã giúp tôi vượt qua gian khó, bảo toàn cơ sở cách mạng cho đến ngày quê hương Điện Thắng mở kìm kẹp, phá ấp chiến lược, xây dựng chính quyền cách mạng.
Năm 1965, tôi vinh dự được đứng chân trong cấp ủy xã Điện Thắng với trách nhiệm Hội trưởng Hội Phụ Nữ xã, kiêm trưởng Ban đấu tranh chính trị. Nhiệm vụ ngày một nặng nề hơn, nhưng tôi không hề quản ngại. Tôi đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh chống càn quét, ngăn cản nhiều cuộc chống xe tăng cày ủi, chà xát ruộng lúa, đặc biệt nhất là chống lập hàng rào điện tử Mác-Na-Ma-Ra tại Gò Phật, Viêm Tây, Điện Thắng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hồng Thắng, Bí thư huyện uỷ Điện Bàn, tôi đã trực tiếp lặn lội tìm cơ sở làm đơn gở tận vào dân biểu tượng viện Sài Gòn, yêu cầu những người trong cơ quan quyền lực cao nhất của chính quyền ngụy kêu cứu, tích cực tác động theo đạo lý người Việt, tôn trọng mồ mả ông bà tổ tiên. Đồng thời tôi cùng bà con nhân dân liên tục giằng co đấu tranh trực tiếp suốt 3 ngày đêm liền tại Gò Phật. Cuối cùng, kế hoạch cày ủi lập hàng rào điện tử bảo vệ chi khu Đà Nẵng của địch thất bại.
Do sự ra mặt của tôi trong những lần đấu tranh chính trị, bọn giặc ngày đêm ráo riết truy bắt. Tôi phải chuyển sang hoạt động bán hợp pháp. Con gái tôi là Nguyễn Thị Đề cũng thoát ly, đi học trong ngành y tế tại trường dân y tỉnh. Học xong, con gái tôi về địa phương làm y tá phục vụ trong đội du kích chiến đấu của xã. Năm 1968, tin con gái tôi hy sinh như sét đánh bên tai. Tôi bàng hoàng đau đớn. Giữa lúc ấy, chồng tôi cũng lặn lội từ Tam Kỳ trở về, chia sẻ nỗi tang thương. Đó cũng là lần gặp duy nhất sau bao năm xa cách, lần gặp cuối cùng...Cũng trong năm ấy, tôi nhận được tin báo tử của chồng từ Ty Công an Quảng Tín. Thế là, những người thân yêu nhất của tôi lần lượt vĩnh viễn không bao giờ trở về. Nỗi đau như xé ruột. Thời gian ấy, phong trào lại gặp khó khăn bởi sự càn quét thanh lọc của địch. Tôi phải ẩn mình trong vùng ven để lãnh đạo phong trào.
Năm 1970, do sự chiêu hồi của một số tên phản bội, tôi bị địch vây bắt. Địch giam tôi ở nhà lao Vĩnh Điện, tra tấn, đối chất. Tôi vững vàng tìm cách quật lại thế cờ. Bọn giặc chuyển tôi xuống nhà lao Hội An. Ở đấy hơn một năm, nếm đủ đòn tra khảo dã man, giặc vẫn không khai thác gì được ở tôi. Tôi lại trở về, tiếp tục hoạt động đến ngày quê nhà hoàn toàn được giải phóng.
Giữ vững đường dây kháng chiến cũng là giữ vững niềm tin vào Đảng, vào cách mạng, vào sức mạnh của nhân dân. Tôi nghĩ, trong những lúc nước sôi lửa bỏng, hay ngay cả thời bình, mối dây gắn bó lòng Dân với Đảng luôn cần có những trái tim, tấm lòng thủy chung chăm sóc, chở che...