Tuy nhiên, ngành mây Điện Bàn đang đối mặt với những khó khăn do không chủ động được nguồn nguyên liệu. Hiện nay, cây mây được trồng chủ yếu ở các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước... nhưng thường không ổn định. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến yếu tố đầu vào của ngành mây tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Điện Bàn nói riêng. Nguồn nguyên liệu mây đang đứng trước những vấn đề như: trữ lượng và chất lượng mây giảm; các cấp chính quyền vẫn chưa giao quyền quản lý đất rừng cho một số xã dẫn đến việc tranh giành nhau thu hoạch nguồn nguyên liệu mây; thiếu kế hoạch hợp lý để bảo vệ và phát triển nguồn nguyên liệu bền vững; tỷ lệ mây trồng còn thấp, người thu hoạch lại thiếu kỹ thuật; thiếu vườn ươm cung cấp giống; người nông dân không thể chi trả chi phí đầu tư giống, tỷ lệ hao hụt nguyên liệu cao....
Để giải quyết những khó khăn đó, vừa qua, trong dự án “Việc làm cho thanh niên qua phát triển kinh tế địa phương” tại Quảng Nam, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam phối hợp với tổ chức ILO tiến hành Hội thảo “Chuỗi giá trị song mây ở Quảng Nam” đã đề cập và phân tích vấn đề này đồng thời xây dựng “Kế hoạch hành động” trong thời gian đến.
Theo “Kế hoạch hành động”, nhằm mục đích ổn định được nguồn nguyên liệu mây và giảm tổn thất sau thu hoạch, Sở Công Thương, Hiệp hội mây tre Quảng Nam sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp can thiệp. Riêng Uỷ ban nhân huyện sẽ phải phối hợp với tư vấn để đưa ra các giải pháp nhằm áp dụng những tập quán thu hoạch mây bền vững, thúc đẩy mô hình trồng mây cho nông dân thông qua các chương trình thử nghiệm và trình diễn thử; phát triển vườn ươm giống; giới thiệu các quy trình bảo quản đạt tiêu chuẩn; nâng cao ý thức người thu hoạch và thu gom nhằm giúp họ thực hiện đúng quy định của nhà nước về phát triển nguồn nguyên liệu bền vững. Các giải pháp này thực hiện thông qua các hoạt động như: hỗ trợ thông tin cho các nhóm quản lý mây và giao đất rừng cho người dân; phát triển các mô hình thí điểm về quản lý nguồn nguyên liệu mây bền vững thông qua hoạt động bảo vệ, nhân giống, trồng mới và thu hoạch; phát triển trồng mây nước và một số loại mây phổ biến khác với mô hình trồng trong vườn và trên đồi; phát triển các nguồn hỗ trợ khác về kỹ thuật nhân giống, trồng mới, thu hoạch các sản phẩm của địa phương có trong rừng...
Bên cạnh đó, Phòng Công Thương huyện sẽ phối hợp với tư vấn thực hiện giới thiệu các quy trình bảo quản đạt tiêu chuẩn nhằm giảm thiểu tối đa tỷ lệ nguyên liệu bị hư ngay tại khâu thu hoạch, thu gom...
Để ngành mây tre huyện Điện Bàn cũng như tỉnh Quảng Nam phát triển bền vững thì ngoài vấn đề về nguồn nguyên liệu còn nhiều yếu tố khác nữa như: nâng cao khả năng của các cơ sở nhằm cho phép họ đa dạng hoá không chỉ dựa vào cạnh tranh về giá thành; cải thiện điều kiện lao động và năng suất của người sản xuất, phát triển doanh nghiệp; nâng cao năng lực của Hiệp hội mây tre; cải thiện việc tiếp cận với dịch vụ tài chính và các dịch vụ hỗ trợ khác....Vấn đề là phải xây dựng những giải pháp đồng bộ khâu nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ. Đặc biệt, đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu là một trong những vấn đề quan trọng.
Thời gian đến, huyện Điện Bàn sẽ có các giải pháp chính sách về đất, vốn, lao động, cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ ...tạo môi trường thuận lợi nhằm đầu tư và thu hút đầu tư trong khâu xây dựng nguyên liệu cho ngành mây tre đan, tạo sự ổn định cho nguồn nguyên liệu, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo sự phát triển bền vững cho ngành mây tre đan của huyện nhà phát triển.