Nội dung chi tiết

GIỮA NANH VUỐT KẺ THÙ
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 05/03/2009 .Lượt xem: 5384 lượt. [In bài]

Nguyễn Ngọc Hùng, kể

Nguyễn Nho Khiêm, ghi

Anh Nguyễn Ngọc Hùng, sinh năm 1946 tại thôn Xuân Diệm, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1962, anh hoạt động nội thành Đà Nẵng làm nhiệm vụ gây cơ sở cách mạng và vận động tuyên truyền thông qua hình thức truyền đơn, tuyên truyền miệng và bí mật phân phát cờ tổ quốc cho một số cơ sở. Bị địch theo dõi, có nguy cơ bị lộ, vào tháng 10 năm 1964 anh trở về Điện Tiến tham gia bộ đội, thuộc đơn vị D62 Quảng Đà. Anh dũng cảm, mưu trí tham gia nhiều trận đánh thắng lợi tại Gò Hà, Xuyên Thanh, Bồ Mưng, Nam Phước, Vĩnh Điện... Anh được kết nạp Đảng ngày 28.12.1966.

Trong tổng tấn công tết Mậu Thân anh bị bắt...

            Từ hoạt động nội thành đến Nhà lao Phú Quốc

            Sau năm 1954, đất nước chia hai. Tuổi thơ của tôi chứng kiến bao cảnh Mỹ - Diệm giày xéo xóm làng. Chỉ cần chúng nghỉ là cộng sản thì dùng mọi thủ đoạn giết lầm hơn bỏ sót như đóng đinh vào đầu, bỏ người vào bao bố, cắt cổ chôn sống. Điển hình là vụ Quận trưởng Điện Bàn Trần Quốc Thái, bắn ông Trương Hoàng và trói ông Nguyễn Châu thả xuống sông Yên, cắt cổ anh Ba Nhạn và hàng trăm vụ khác. Mỗi đêm bọn Tám Đáng và bọn tổng đoàn tra tấn đánh đập nhục hình dân lành và những người chúng từng ghi là Đảng viên can cứu. Chúng tổ chức tố cộng và thực thi ráo riết Luật 10/59 gây bao cảnh đầu rơi, máu chảy, giam cầm, tra tấn thật khủng khiếp. Thanh thiếu niên không có trường học chỉ có trường tố cộng, kẽm gai, ấp chiến lược.

            Chứng kiến sự tàn khốc dã man ấy, thanh niên Điện Tiến quê tôi hăng hái lên đường tham gia kháng chiến. Năm 1962, tôi vừa tròn 16 tuổi được gia đình giao cho ông Nguyễn Chức đưa ra Đà Nẵng tham gia hoạt động nội thành. Ông Nguyễn Chức giới thiệu cho tôi gặp một người ở Đà Nẵng, tên gọi là anh Bảy. Anh Bảy giao nhiệm vụ cho tôi rải truyền đơn, bí mật treo cờ mặt trận tại một số địa điểm và theo dõi tình hình những tên ác ôn tay sai hằng ngày để báo cho anh Y. Số nhà tôi ở là 52 Ông Ích Khiêm Đà Nẵng ( Nhà sách Ngày mới).

            Tôi hoạt động nội thành hơn 2 năm. Hàng ngàn lá cờ mặt trận và truyền đơn vào trong tờ báo đưa cho các gia đình ở trong Ty Gia Long, gia đình các tên Hiến binh đường Đống Đa và một số gia đình cơ sở trong ngụy quân ngụy quyền. Nhưng khoảng 10 giờ ngày 7.9.1964, khi tôi chuyển “ tờ báo” cho một cơ sở, vừa bước ra khỏi cổng thì nghe một loạt đạn vang trời cùng tiếng hô “ Việt cộng, Việt cộng” và hàng chục người xăm xăm chạy về phía mình. Đã bị lộ, tôi lập tức đạp xe lẩn vào đám đông. Tôi đạp chạy như bay đến chợ Cồn thì thấy không có ai đuổi theo, liền lách vào ngõ hẻm và giả đò bình tỉnh như không có gì xảy ra. Tôi nhận định bây giờ chỉ cần sơ suất một chút là bị bắt ngay, nếu trở về chổ ở sẽ rất nguy hiểm. Tôi tấp vào một quầy quần áo may sẵn, mua một bộ đồ lẽn vào nhà vệ sinh thay đồ. Thay áo quần xong, tôi bình thản đạp xe về Điện Tiến. Khi đi qua các trạm gác, tim tôi đập thình thịch nhưng tôi giả đò như không. Rồi như có lực đẩy, tôi quay về Điện Tiến an toàn.

Ba ngày sau, tôi tìm cách thoát ly. Vào được D62 Quảng Đà, lúc đầu đơn vị cho học qua các lớp cứu thương y tá, thế là vừa chiến đấu, vừa làm công tác chuyên môn. Đến ngày 19.5.1965, Tiểu đoàn I R20 Quảng Đà được thành lập, tôi là một trong những chiến sỹ đầu tiên được chọn vào đơn vị này. Các trận đánh lớn với quân Mỹ - ngụy: như Văn Quật, Gò Hà, Xuyên Thanh, Bồ Mưng, Nam Phước, Vĩnh Điện... thắng lợi dồn dập. Một vinh dự lớn đến: ngày 28.02.1966, tôi được kết nạp vào hàng ngủ của Đảng.

Bị trọng thương, rơi vào nanh vuốt kẻ thù

Tết mậu Thân năm 1968, R20 được giao nhiệm vụ đánh vào Trung tâm Quân đoàn I Đà Nẵng. Đơn vị đã làm chủ một ngày đêm. Nhưng quân địch phản công, đơn vị gặp không ít khó khăn, tôi bị thương nặng. Mấy ngày sau tỉnh dậy, tôi thấy mình bị còng chung với anh Trà Thanh Lân ở bệnh xá của Mỹ. Và qua các lần hỏi cung tra tấn đánh đập, nhất là bọn Mỹ gạn hỏi về Đảng ủy, về cơ sở của ta tôi kiên quyết không hé lộ một lời, chỉ khai tên là Nguyễn Hưng. Nhiều lần bị đánh đập tra tấn, chúng khai thác không được gì. Đến ngày 01.3.1968, tôi cùng 100 anh em từ nhà lao Non Nước Đà Nẵng đày ra nhà lao Phú Quốc. Khi đến trại Đảo Phú Quốc, với cái gọi là thủ tục nhập trại chúng lại đánh đập tù nhân hết sức tàn ác, nhiều đồng chí đã hy sinh.

Hơn 5 năm tôi ở nhà lao Phú Quốc - địa ngục trần gian. Các tên ác ôn như trung úy Hiển, đại uý Suyền, thượng sĩ Nhu... mỗi ngày nếu không thấy máu tù đổ là ăn không ngon. Bên cạnh tra tấn, chúng dùng nhiều thủ đoạn khác nhằm phân hóa dụ dỗ, chiêu hồi, chiêu hàng. Song, anh em tù binh Phú Quốc rất kiên trung. Tôi là một chi uỷ viên, anh Bảy Dân làm Bí thư chi bộ. Đảng ủy phân công tôi là đội trưởng quyết tử với nhiệm vụ nắm tình hình nội bộ, kịp thời làm công tác tư tưởng, trấn áp những người có tư tưởng xấu. Chúng tôi liên tục chủ trương tuyệt thực, đào hầm vượt ngục, tổ chức đánh lại bọn quân cảnh... Điển hình nhất là vụ giải thoát anh Trương Văn Hòa ( sau này được phong Anh hùng LLVTND) khỏi sự kiềm kẹp của bọn chiêu hồi. Nhờ có sức mạnh của anh em tù binh hỗ trợ, tôi xung phong cùng đồng chí Hai ( quê Thăng Bình) đã giết một tên chiêu hồi, giải thoát được anh Hòa khỏi sự quản lý của chúng. Nhờ có phong trào trấn áp mạnh mẽ nên khu giam A5 tổ chức đào hầm vượt ngục. Người chỉ huy đào hầm này là anh Thắng ( Thăng Bình). Tôi được phân công cảnh giác giáo dục, trấn áp và theo dõi từng động tác của quân thù kể cả những đối tượng tình nghi. Đường hầm đào thành công có chiều dài gần 150m. Đêm ngày 12.5.1972 tổ chức vượt ngục thành công 26 đồng chí, trong đó có đồng chí Trương Văn Hòa. Hôm đó tôi bị sốt nặng nên tổ chức không phân công đi được. Khoảng 2 giờ sang tôi bò xuống dở miệng hầm đi tiếp nhưng sức không có nên không đỡ nổi miệng hầm. Và tiếp đến hàng chục lần tổ chức đào hầm vượt ngục khác nhưng không hoàn thành. Trước tình trạng đào hầm vượt ngục, bọn cai ngục áp dụng phương pháp “ thay trại, đổi tù”: cứ 10 đến 15 ngày chúng lại chuyển tù binh từ trại này đến trại khác, đồng thời chúng xáo trộn thành phần tù binh, để đề phòng các nhóm âm mưu phá rối, đấu tranh, vượt ngục...

Bản tố cáo viết bằng máu

Vào tháng 2 năm 1971 một tin đau buồn nhất của đời tôi: Cha, mẹ và người anh đã bị Mỹ-ngụy giết. Chịu đựng một lúc những tin buồn tưởng chừng không thể vượt qua được, song với ý chí của người Cộng sản, tôi cắn răng chịu đựng, tiếp tục chiến đấu trả thù sự tàn bạo của quân thù.

Trong hơn 5 năm chứng kiến sự tàn bạo của Mỹ - ngụy tại nhà giam tù binh Phú Quốc, tôi cùng đồng chí Trần Minh ( Duy Xuyên) chuẩn bị được một bản tố cáo viết bằng máu. Bản tố cáo viết trên vải chân mùng trắng, may thành quần đùi không để địch phát hiện, chuẩn bị khi trao trả tù binh là đem ra đọc.

Song khi máy bay hạ xuống chở tù binh đi trao trả, do tình hình lộn xộn, ồn ào, thiếu tập trung, nên chúng tôi không thể đọc tố cáo. Anh em ai cũng lấy làm tiếc, chúng tôi đành gửi bản tố cáo bằng máu này cho phóng viên quân Giải phóng đem về đất liền. Bản tố cáo của chúng tôi ghi rõ, nhà tù Phú Quốc đã giam cầm và hành hạ hơn 20.000 người; có 1.970 đồng chí đã anh dũng hy sinh, do bị đánh đập, giết hại và hàng chục ngàn anh em bị tra tấn đánh đập trọng thương. Điển hình nhất là vụ địch giết một lúc gần 100 người như phân khu D8.

Đến ngày 30.4.1975, đất nước hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui vô hạn đó tôi tự hào được góp một giọt máu vào thắng lợi chung của dân tộc. Mẹ tôi được Nhà nước tuyên dương là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và cả gia đình có 3 liệt sỹ, 5 người thương binh.

Từ lúc 16 tuổi bắt đầu hoạt động cách mạng trải qua bao gian lao tù tội, đến ngày thống nhất đất nước, tôi và bao đồng đội khác luôn khát khao hòa bình, độc lập, tự do. Và con đường giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc đã thành công, hôm nay được sống những ngày bình yên, no ấm này, đối với tôi là niềm vinh dự lớn lao.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
PHÙ SA CÁCH MẠNG
VƯỢT NGỤC
TRONG CHIẾC NÔI TỘC HỌ, XÓM LÀNG
TRONG BÓNG CỜ SON
THUỶ CHUNG MỘT LÒNG VỚI CÁCH MẠNG
THÂN TÙ XƯA
TẶNG ANH TÀO VĂN HÀO
PHÙ SA CÁCH MẠNG
NGƯỜI ĐÓNG NẮP HẦM
NGƯỜI CON GÁI MẸ THỨ
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
GIỮ VỮNG ĐƯỜNG DÂY
CHUYỆN VỀ HAI BÀ MẸ Ở ĐIỆN QUANG
CHUNG CẢNH NGỘ
CHIẾN CÔNG ÂM VANG NGỤC TÙ CÔN ĐẢO
CÂY KIM TRE
BỞI CÁCH MẠNG ĐÃ TRỞ THÀNH HUYẾT MẠCH...
ĐẤT ANH HÙNG NGƯỜI KIÊN TRUNG
TRẦN ÚT VÀ NHỮNG KỲ TÍCH ANH HÙNG
CHÂN DUNG ĐỒNG CHÍ CAO SƠN PHÁO
CHÂN DUNG ĐỒNG CHÍ NGUYỄN XUÂN NHĨ
    
1   2   3  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm