Nội dung chi tiết

HAI ANH EM, MỘT CHÍ KHÍ KIÊN CƯỜNG
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 05/03/2009 .Lượt xem: 4481 lượt. [In bài]

VIÊM NHÂN

Nguyễn Đức Tục, sinh đúng năm cách mạng tháng Mười Nga thành công – năm 1917. Quê ông là vùng đất Hạ Nông, xã Điện Phước, Điện Bàn. Em ông là Nguyễn Đức Xích. Lúc Xích 10 tuổi, cha mẹ lâm bệnh mất sớm, ông Tục phải cưu mang, đùm bọc, nuôi nấng em. Hai anh em nương tựa nhau sống với những bữa ăn thiếu hụt ngày lại qua ngày.

            Trong kháng chiến chống Pháp, ông Tục tham gia lực lượng tự vệ cứu quốc ở xã. Khi phòng tuyến Cẩm Lệ vỡ, sau 1947 quân Pháp tràn đến quê hương Điện Bàn, ông Tục được lãnh đạo xã giao nhiệm vụ đào hầm bí mật chuẩn bị để có nơi cho cán bộ, du kích ẩn nấp họat động trong vùng bị chiếm. Thực hiện kế họach tiêu thổ kháng chiến, đào hầm nuôi quân, bỏ vườn không, nhà trống… bao công việc mới mẻ của kháng chiến khiến ông Tục nô nức, ông về kéo theo người em trai Nguyễn Đức Xích mới 16 tuổi cùng tham gia. Xích trẻ trung sôi nổi, sẵn cùng anh tham gia công tác để được đóng góp công sức cho kháng chiến. Dù nữa đêm gà gáy hai anh em cũng quyết đào hầm cho tốt, đào không biết mệt mỏi, chỉ một thời gian ngắn đã đào xong một căn hầm bí mật giữa bụi tre trong làng. Tiếp đó, chiếc hầm thứ hai được triển khai. Rút kinh nghiệm từ lần đào trước, Tục và Xích bàn tính kiếm kế dựa vào bờ sông Cẩm Lậu để đào hầm. Hầm đào bên sông ít lộ liễu, vừa thuận tiện khi miệng hầm tuồn đất ra lùa xuống sông phi tang được ngay. Công việc ròng rã trong nhiều đêm hết sức thuận lợi và thành công, đường hầm chia ra nhiều ngõ ngách phòng khi lộ có thể chứa hơn một tiểu đội. Được lãnh đạo xã kiểm tra đánh giá tốt, hai anh em Tục và Xích được biểu dương, khen ngợi.

            Song thật không may, một ngày giữa tháng 8-1947, quân Pháp bao vây càn quét làng Hạ Nông. Vũ khí thô sơ của ta không thể ngăn chặn sức tiến công của địch. Khi quân địch ập vào làng thì anh em phân tán rúc hầm bí mật. Chiếc hầm mới do Xích – Tục đào có 6 anh em trú ẩn. Không ngờ hai tên Đinh Quý và Đinh Kịch theo Pháp làm tay sai tìm ra lỗ thông hơi của hầm rồi ném lựu đạn xuống nổ tung miệng hầm. Địch phát hiện đây là hầm bí mật nhưng không phát hiện 6 anh em của ta vì nhờ hầm chia ra làm nhiều ngăn, nhiều ngõ ngách khi động được ngụy trang bịt kín. Nhờ vậy mà cả 6 người thóat chết, riêng hai anh em Xích và Tục bị Quý và Kịch dẫn Pháp truy lùng bao vây bắt được đưa về đồn Bình Long. Vừa trói dẫn hai anh đi, chúng vừa dùng cây gậy đánh sả xuống đầu, gõ vào nhượng, bắp chân… Giải về tới đồn thì bọn địch dùng giày đinh đá thốc vào ngực, vào hông, khiến ông Tục hộc ra máu tươi. Tuy vậy, Nguyễn Đức Tục vẫn kiên quyết không khai gì. Còn Nguyễn Đức Xích lúc đó mới 16 tuổi người gầy nhỏ con, làm bộ ngây ngô khờ dại cứ ôm bụng khóc, nôn mữa và chỉ biết lắc đầu tỏ vẻ không biết chi hết, dù bị đánh đá lu bù. Dáng vẻ trẻ con của Xích ít gây chú ý. Cả một buổi tra khảo đủ điều cũng không moi được tin tức ở đứa bé này nên chúng phải thả Xích ra. Còn Nguyễn Đức Tục bị bắt giam tra tấn tại đồn Bình Long cả ba ngày trời rồi đưa vào nhà tù Vĩnh Điện. Tra khảo suốt 3 tháng trời bằng mọi cực hình, nhưng không moi được lời khai nên vào một ngày tháng 10 năm 1947, bọn chúng đưa Nguyễn Đức Tục về hành quyết sát bên bờ sông Cẩm Lậu ( bên chiếc hầm bí mật trước đây). Chúng bắn anh ngã sấp rồi đạp xác xuống sông. Phải đợi bọn chúng rút đi anh em ta mới vớt xác đem về an táng. Thế mà xác anh Nguyễn Đức Tục vẫn không được an phần, khi cuộc chiến chống Mỹ bùng lên, năm 1967 Mỹ dội bom bắn phá quê hương, ngôi mộ anh Tục cũng bị tan tành.

            Riêng Nguyễn Đức Xích, sau năm 1954 ra Đà Nẵng tìm kiếm công việc làm ăn. Năm 1960, khi biết được Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, Nguyễn Đức Xích nuôi hy vọng tìm dịp lên đường phục vụ cách mạng và để trả thù cho anh trai. Cuối cùng anh bắt liên lạc và cùng họat động hợp pháp với các anh chị ở Hòa Vang. Sau năm 1964, quê hương Điện Thọ bùng lên ngọn lửa diệt tề phá ấp mở rộng vùng giải phóng, chính quyền Cách mạng được thành lập, niềm vui dâng trào, lập tức Xích giao cơ sở lại cho người khác và trở về địa phương tham gia công tác. Năm 1965, anh là Phó Ban kinh tế xã, luôn tận tụy với công việc được giao. Những ngày vật lộn với nhiệm vụ tại quê hương, Xích kết duyện với chị Trương Thị Sỏ, cán bộ phụ nữ xã. Sau những ngày công tác về chung sống tại căn hầm tránh pháo vợ chồng yêu thương hết mực và có được đứa con trai. Nào ngờ lính Đại Hàn đánh thuê càn quét vào quê hương anh 17.4.1967. Bọn chúng ập vào làng, dùng súng tiểu liên và lựu đạn bắn xối xả. tại một căn hầm, chúng tàn sát một lúc 8 người đàn bà và trẻ con trong đó có vợ anh. Chị chết trong tư thế đang nằm nghiêng như co người lại để che chở cho đứa con hai tuổi đang ôm vú mẹ bú. Nổi đau xé ruột khi anh Xích trở về nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng ấy.

            Biến đau thương thành hành động, Nguyễn Đức Xích gửi đứa con may mắn thóat chết trong trận càn quét ấy cho bà ngọai chăm sóc, lên đường về nhận nhiệm vụ ở vị trí tiền phương Quảng Đà phục vụ chiến dịch Mậu Thân – 1968. Về đơn vị mới, được anh em trong đơn vị động viên an ủi, chia sẻ anh càng hăng say phục vụ hết mình. Đến chiến dịch đợt 2 – 1968, anh được chuyển sang công tác ngành giao vận tỉnh cho đến ngày miền Nam hòan tòan giải phóng và tiếp tục trong ngành giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Đến năm 1978, anh Xích được nghỉ hưu. Từ ngững chiến công, Nguyễn Đức Xích được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng II, Huân chương giải phóg hạng nhất.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
PHÙ SA CÁCH MẠNG
VƯỢT NGỤC
TRONG CHIẾC NÔI TỘC HỌ, XÓM LÀNG
TRONG BÓNG CỜ SON
THUỶ CHUNG MỘT LÒNG VỚI CÁCH MẠNG
THÂN TÙ XƯA
TẶNG ANH TÀO VĂN HÀO
PHÙ SA CÁCH MẠNG
NGƯỜI ĐÓNG NẮP HẦM
NGƯỜI CON GÁI MẸ THỨ
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
GIỮA NANH VUỐT KẺ THÙ
GIỮ VỮNG ĐƯỜNG DÂY
CHUYỆN VỀ HAI BÀ MẸ Ở ĐIỆN QUANG
CHUNG CẢNH NGỘ
CHIẾN CÔNG ÂM VANG NGỤC TÙ CÔN ĐẢO
CÂY KIM TRE
BỞI CÁCH MẠNG ĐÃ TRỞ THÀNH HUYẾT MẠCH...
ĐẤT ANH HÙNG NGƯỜI KIÊN TRUNG
TRẦN ÚT VÀ NHỮNG KỲ TÍCH ANH HÙNG
CHÂN DUNG ĐỒNG CHÍ CAO SƠN PHÁO
    
1   2   3  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm