Đây là Bảo tàng cấp huyện có sớm nhất tỉnh Quảng Nam, cũng như trong cả nước, với hơn 500 tranh, ảnh, hiện vật và các hiện vật khoa học phụ trong giai đoạn Điện Bàn trước năm 1930 và Điện Bàn từ năm 1930-1975, Bảo tàng đã mở cửa phục vụ cho nhân dân trong và ngoài thị xã.Qua 25 năm, Bảo tàng nhiều lần đã được lãnh đạo thị xã quan tâm cấp kinh phí trùng tu sửa chữa. Mặc dù lực lượng cán bộ, CNVC không nhiều, nhưng đã được đào tạo qua trường lớp và thực tiễn, nên có kinh nghiệm trong sưu tầm, bổ sung hiện vật. Hiện nay, Bảo tàng đã được nâng lên hơn 1.000 hiện vật, với nhiều loại hình phong phú, đa dạng.
Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá lịch sử của quê hương, ngày 10/11/2004 Thị uỷ Điện Bàn có chương trình hành động số 21/CTr/HĐ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW5 khoá VIII về "xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", và để đáp ứng nhu cầu cảm nhận văn hoá ngày càng cao của nhân dân trong thời kỳ hội nhập, Thị uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN thị xã đã thống nhất "Nâng cấp khu Bảo tàng" khang trang hơn, do Công ty tư vấn, thiết kế Sao Kim thực hiện, nhằm xây dựng nơi đây thành điểm du lịch văn hoá-lịch sử, là điểm dừng chân của du khách trên chặng hành trình di sản Hội An-Mỹ Sơn.
Cả khu Bảo tàng Điện Bàn có diện tích 7ha (trong đó có 2,7ha hồ sen bao bọc quanh khu Bảo tàng), được chia thành 3 khu được quy hoạch:
Khu A là khu Bảo tàng lịch sử-văn hoá, là khu trung tâm của Bảo tàng.Trong khu A có Nhà bảo tàng Điện Bàn được bố trí 11 phòng trưng bày, phía trên 6 phòng, trưng bày các hiện vật về lịch sử cách mạng của vùng đất Điện Bàn, phía dưới có các phòng, trưng bày gồm phòng văn hoá Sa Huỳnh, phòng thành tựu kinh tế- xã hội Điện Bàn sau giải phóng, phòng văn hoá Cham, phòng nghệ thuật tuồng, phòng làng nghề truyền thống.
Phía trước và khu A là khu vườn tượng danh nhân, không gian vườn, hồ cảnh... mang đậm bản sắc văn hoá-lịch sử của vùng đất và con người Điện Bàn. Đây còn là một kho tàng lịch sử phản ảnh đậm nét truyền thống yêu nước của nhân dân Điện Bàn, phía sau Bảo tàng là không gian thu nhỏ về hình ảnh làng quê Điện Bàn xưa và nay. Tái hiện lại cửa tiền và một đoạn thành tỉnh.
Khu B là khu dịch vụ vui chơi giải trí, phục vụ cho khách đến tham quan Bảo tàng gồm khu công viên, khu dịch vụ, sân tennis, nhà hàng, bể bơi...
Khu C là một không gian cảnh quan sân vườn trải dọc hồ sen, là một nơi khá hấp dẫn phục vụ cho khách du lịch về khai thác cảnh quan hồ sen thành tỉnh, nhằm đa dạng hoá về tiềm năng du lịch của khu Bảo tàng. Đến năm 2010, khu A sẽ hoàn chỉnh và mở cửa phục vụ nhân dân và du khách quốc tế.
Với không gian kết hợp hài hoà các yếu tố lịch sử, văn hoá, sinh thái, vui chơi giải trí với ý tưởng là xây dựng một bức tranh toàn cảnh làm sống lại vùng đất thành tỉnh năm xưa, trong những năm đến Khu Bảo tàng Điện bàn sẽ là một điểm đến hết sức lý tưởng của nhân dân trong và ngoài thị xã
|