Hình thức dạy học trực tuyến đã được thị xã áp dụng trong hai năm qua, ở những thời điểm mà dịch bùng phát khiến học sinh không thể đến trường học trực tiếp. Với tình hình hiện nay tại thị xã Điện Bàn, hầu hết phụ huynh đều đồng tình ủng hộ hình thức dạy học này. Qua khảo sát của ngành giáo dục, số lượng học sinh đủ điều kiện học trực tuyến là trên 93%, hiệu quả chuyển tải chương trình được đánh giá đảm bảo khoảng 70% so với học trực tiếp. Một thuận lợi có thể thấy rõ, đó là nhờ việc đã triển khai dạy học trực tuyến trong hai năm qua nên khi chuyển từ học trực tiếp ở tuần học đầu tiên sang học trực tuyến tại thời điểm này được các trường thực hiện khá tốt. Bên cạnh đó, trước khi vào năm học mới này, thị xã đã chủ động đầu tư kinh phí gần 400 triệu đồng để mua sắm phần mềm, tổ chức chức tập huấn cho đội ngũ quản lý, giáo viên, đại diện phu huynh nên việc triển khai dạy học trực tuyến có sự đồng bộ và liên kết chặt chẽ từ nhà trường cho đến gia đình học sinh.

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên tại thị xã hiện nay có trình độ đạt chuẩn 100% và trên chuẩn là 80% nên khả năng áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học cũng như khả năng chuyển tải chương trình qua mạng xã hội là khá tốt. Sự ủng hộ, nhiệt tình của các bậc phụ huynh trên địa bàn cũng là một yếu tố góp phần lớn trong công tác dạy học trực tuyến hiện nay.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những khó khăn nhất định khi dạy học trực tuyến, đó là: vẫn còn gần 6% học sinh không có điều kiện về máy tính, điện thoại, mạng internet, một số khu vực đường truyền mạng còn yếu, việc sắp xếp lịch dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh để có phụ huynh hỗ trợ cùng… và các trường cũng đã chủ động khắc phục vấn đề này. Cô Trần Thị Phương Trâm, Hiệu trưởng trường TH Kim Đồng cho biết: “Về vấn đề phần mềm dạy học và đường truyền mạng thì chúng tôi đã làm việc trực tiếp đối với các đơn vị cung cấp để có sự hoạt động ổn định nhất. Thời khóa biểu học được chia làm ba ca trong ngày để đảm bảo sức khỏe cho học sinh cũng như phụ huynh có điều kiện để theo dõi việc học của con. Đối với những học sinh chưa có điều kiện thì chúng tôi cũng làm việc với phụ huynh học sinh khác để các em có thể học ghép với các bạn gần nhà; ngoài ra thì nhà trường cũng thường xuyên cung cấp tài liệu để phụ huynh hỗ thêm cho con em mình…”
Một khó khăn nữa trong quá trình dạy học trực tuyến đó chính là dạy học cho học sinh khối lớp 1. Vì học sinh ở khối lớp này còn khá nhỏ nên việc tiếp cận phần mềm học tập cũng như đảm bảo an toàn cho các em khi tương tác trên máy móc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh. Cô giáo, Trần Thị Thu Thủy, giáo viên trường TH Kim Đồng, cho biết: “Việc học online đối với học sinh các khối lớp 1, 2 hiện nay cũng có một số khó khăn khi các con còn quá nhỏ để tự học và đảm bảo an toàn trong quá trình học. Giáo viên rất mong phụ huynh cùng phối hợp giáo viên để hướng dẫn con học hiệu quả nhất…”
Hiểu được những khó khăn vất vả đó của giáo viên nên các phụ huynh cũng sẵn sàng hỗ trợ. Chị Đoàn Thị Phô, phụ huynh học sinh trường TH Kim Đồng, chia sẻ: “Hiểu được việc học online đối với học sinh khối lớp 1 hiện nay là khá khó khăn cho học sinh lẫn giáo viên nên phụ huynh chúng tôi cũng tranh thủ thời gian để cố gắng học cùng các con để hướng dẫn con học và đảm bảo an toàn cho con trong quá trình sử dụng máy mọc. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào nhà trường và giáo viên giảng dạy…”

Để đáp ứng yêu cầu tốt nhất trong việc dạy học online cũng như hoạt động của toàn ngành giáo dục. Thị xã Điện Bàn đã quyết định đầu tư thêm 3 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ việc học online chương trình mới ở khối lớp 2, khối lớp 6 và thiết bị họp trực tuyến cho toàn ngành. Còn đối với ngành giáo dục, xác định việc học online chỉ là hình thức tạm thời, đồng thời cũng xác định mọi hoạt động hiện nay đều lấy học sinh làm trung tâm nên việc kiểm tra, rà soát nội dung chương trình học, cách thức dạy, thời gian dạy ở các lớp học kể cả ban ngày và ban đêm đều được lãnh đạo ngành thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác nắm bắt tư tưởng học sinh và dư luận xã hội ở phụ huynh được ngành chú trọng thực hiện để kịp thời có những chấn chỉnh cho phù hợp. Bà Trần Thị Thanh Vân, Phó trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn cho biết thêm: “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra việc dạy học online của các giáo viên; kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể với những khó khăn phát sinh trong quá trình dạy học. Chúng tôi cũng luôn chủ động nắm bắt dư luận xã hội từ phía phụ huynh, động viên phụ huynh rằng đây chỉ là phương án tạm thời để đảm bảo sức khỏe cho học sinh và cả cộng đồng. Mong muốn các phụ huynh cùng đồng hành với chúng tôi để đảm bảo cho học sinh được học trong điều kiện tốt nhất. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch cụ thể cho việc ôn tập khi tình hình dịch được kiểm soát và học sinh đi học trực tiếp trở lại…”
Việc học online là phương án phù hợp nhất hiện nay tại Điện Bàn. Tuy vẫn còn một số khó khăn nhất định nhưng cũng là thời điểm để ngành giáo dục thị xã đánh giá lại đúng năng lực cũng như sự chủ động phương án dạy và học trong mọi điều kiện thực tiễn hiện nay. Đồng thời, ngành giáo dục cũng mong muốn phụ huynh cô gắng cùng ngành để tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cũng như chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần cho các em, để cùng nhau đoàn kết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022 cùng như công tác phòng chống dịch trên địa bàn thị xã hiện nay.