Nội dung chi tiết

KÝ ỨC NGÔ ĐÌNH HẠNH
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 05/03/2009 .Lượt xem: 5191 lượt. [In bài]

NGUYỄN THÀNH

Làng Viêm Tây, Điện Thắng, Điện Bàn có gần 200 liệt sỹ đóng góp máu xương trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, bao lớp thanh niên đã lên đường tranh đấu, trong đó có nhiều người thoát ly sau sự kiện anh Trỗi hy sinh, hưởng ứng Hịch tòng quân cứu nước và có người ra đi từ đó không về. Thế hệ ấy giờ đây còn không mấy người, tựa như những hạt gạo trên sàng, điển hình là anh Ngô Đình Hạnh.

Ngô Đình Hạnh sinh năm 1935, trước năm 1954 ở trong vùng tự do Tam Kỳ đi học và tham gia ban chấp hành Đoàn thanh niên cứu quốc. Hiệp định đình chiến, anh trở về quê hương và được tổ quốc giao nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ ở lại hoạt động, đồng thời làm giao liên cho các đồng chí Tưởng Cơ, Ngô Dinh, Nguyễn Tùng. Đồng chí Bốn Hương cũng từng được cơ sở của anh Hạnh che giấu.

Những năm đầu sau ngày đình chiến, tình hình cách mạng miền Nam thật sự cam go. Địch ra sức tố cộng diệt cộng. Hoạt động được 4 năm, đã trải nhiều chuyến thoát hiểm nhưng cuối cùng năm 1959, bị chỉ điểm, anh Hạnh bị địch bắt. Vào phòng thẩm vấn tên Tuệ, chi trưởng cảnh sát quận Điện Bàn, anh Hạnh bị chúng trói  xấp hai tay, giật khủy về phía sau rồi treo lên xà nhà. Đôi chân đu đưa cách xa mặt đất bị chúng đánh vào các khớp đau nhức ê ẩm nhưng anh cắn răng chịu đựng. Chúng lại chuyển qua tra điện, và đổ nước xà phòng trộn ớt vào đầy bụng. Hành hạ đủ kiểu nhưng vẫn không khai thác được gì ở Ngô Đình Hạnh cả.

Những ngày bị giam ở Vĩnh Điện, Ngô Đình Hạnh tranh thủ bắt liên lạc với các đầu mói tổ chức trong lao xá, và đã liên hệ được với các anh Mười Riều, Trần Út. Sau đó các anh bàn tìm cách cho Lê Láo vượt ngục. Lê Láo vượt ngục thành công thì các anh bị chúng đẩy ra Cù Lao Chàm đốn củi về cho quận Thái nung gạch xây dựng khu trù mật.

Cuối năm 1959 do hồ sơ về Ngô Đình Hạnh không có lời khai nhận liên quan gì đến cán bộ Việt Cộng nên kẻ thù phải trả anh về. Năm 1960, anh Hạnh thóat ly lên căn cứ, anh được nhận làm công tác tại Văn phòng Huyện ủy Điện Bàn rồi chuyển về an ninh bảo vệ chính trị. Sau khi Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách, đầu năm 1963 anh về công tác ở Văn phòng Đặc Khu uỷ Quảng Đà, phụ trách cơ yếu điện đài, trực tiếp cùng đội cảnh vệ phục vụ đồng chí Trần Thận. Sau giải phóng Đà Nẵng cho đến khi Quảng Nam -Đà Nẵng chia tách, năm 1998 anh mới nghỉ hưu.

Ngồi đối diện với tôi trong căn nhà đang ở tại Đà Nẵng, suy tư hồi lâu anh Hạnh nói : Tôi tham gia Cách Mạng, đi theo kháng chiến cũng bình thường như bao đồng chí, đồng đội. Tất cả đều xác định hy sinh mới giành được thắng lợi. Giờ đây, người còn sống như hạt gạo trên sàng, kể công tích càng thấy đau lòng, bao đồng đội đã đi mãi không về!...

Đâu đó trong nỗi trầm ngâm của anh, thoáng hiện về câu chuyện của một thời đã xa. Có chuyện giải thoát các anh lãnh đạo tỉnh, huyện khỏi vòng vây của bọn thám báo chỉ trong gang tấc khi các anh đang ngồi bàn cách đối phó với tình hình khi đồng chí Tống Trị hy sinh, anh Dần bị bắt. Anh Tùng đã khen Ngô Đình Hạnh “trí lanh và sáng dạ”. Lại miên man những câu chuyện về thời ở núi , ở rừng. Trong những năm ác liệt, địch đổ quân đóng đồn Phu Mưa ở Hiên, cố ngăn chặn hành lang từ Bắc vào Nam qua Hiên-Giằng - Phước Sơn. Địch đóng dọc quốc lộ 14, lại đổ quân thám báo, biệt kích rình mò, càn quét liên tục dài ngày, nhằm khống chế hành lang tuyến , vùng giáp ranh. Khó khăn là vậy nên lực lượng ta phải hoạt động vào ban đêm, mang vác những chuyến hàng lương thực, súng đạn, tư trang vượt núi trèo đèo, băng suối trong mưa dầm gió hú. Những ngôi làng miền núi đã đi qua như A Duân, làng Bền, làng Xuồng, làng Mực; những địa danh như Mặt Rạng, Hòn Tàu, Cà Tang, khe Rúc, khe Rằn, khe Tân, dốc Dựng...giờ sống lại trong câu chuyện của anh Hạnh như một phần ký ức không thể nào quên. Và trong những câu chuyện ấy nhắc gợi về đại ngàn Trường Sơn, nhắc gợi bao ngày nhường cơm chia muối, chia bát rau rừng khi địch vây, san sẻ, bao bọc nhau trong những mối tình đồng đội./.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
PHÙ SA CÁCH MẠNG
VƯỢT NGỤC
TRONG CHIẾC NÔI TỘC HỌ, XÓM LÀNG
TRONG BÓNG CỜ SON
THUỶ CHUNG MỘT LÒNG VỚI CÁCH MẠNG
THÂN TÙ XƯA
TẶNG ANH TÀO VĂN HÀO
PHÙ SA CÁCH MẠNG
NGƯỜI ĐÓNG NẮP HẦM
NGƯỜI CON GÁI MẸ THỨ
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
HỌC THƠ TRONG HẦM ĐÁ
HÃY GẮNG VƯỢT QUA NỔI ĐAU!
HAI ANH EM, MỘT CHÍ KHÍ KIÊN CƯỜNG
GIỮA NANH VUỐT KẺ THÙ
GIỮ VỮNG ĐƯỜNG DÂY
CHUYỆN VỀ HAI BÀ MẸ Ở ĐIỆN QUANG
CHUNG CẢNH NGỘ
CHIẾN CÔNG ÂM VANG NGỤC TÙ CÔN ĐẢO
CÂY KIM TRE
BỞI CÁCH MẠNG ĐÃ TRỞ THÀNH HUYẾT MẠCH...
    
1   2   3  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm