Người thầy khai tâm
Chúng tôi tìm đến nhà ông giáo già Nguyễn Văn Nhung vào một buổi chiều đầu đông se lạnh mưa lất phất. Dù tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn đon đả ra tận cổng để đón khách. Trước mắt chúng tôi là một người đàn ông dáng cao gầy, nét thư sinh vẫn còn nguyên vẹn dù năm nay ông giáo đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm. Hoạt bát, nhanh nhẹn dáng đứng, điệu đi của thầy cũng còn rất đạo mạo, nói năng trình bày việc gì cũng mạch lạc, rõ ràng; ai cũng khen hay và vô cùng mến phục.
Ngôi trường làng Miễu Bà nơi nhiều thế hệ học sinh Thanh Quýt theo học
Nhấp ngụm trà ấm, ông giáo làng Nguyễn Văn Nhung nhớ lại; Vùng đất Thanh Quýt khi xưa bị chiến tranh tàn phá ác liệt, gia đình nào cũng đông con nghèo khổ, phải lo cái ăn lo chạy giặc cho nên việc học tập của con em trong làng rất khó khăn dường như không thể. Trước thực tế đó, hàng đêm ông trằn trọc không ngủ được, luôn đau đáu một nỗi niềm làm sao cho con em quê hương mình thoát cảnh thất học, phải có cái chữ cơ bản mới học lên trên được. Biến suy nghĩ thành hành động, năm 1953 thầy Nhung bắt đầu tổ chức việc dạy chữ cho con em trong làng. Không trường, không lớp tài sản duy nhất lúc đó là lòng yêu nghề động lực lớn nhất giúp ông vượt qua tất cả. Ông mượn tạm ngôi Miễu Bà Xóm Dưới (nay là thôn Thanh Quýt 4) để làm nơi dạy học, bảng đen là những tấm ván cũ ghép tạm, còn bàn ghế học là những chiếc chõng tre ọp ẹp... Gọi là trường Miễu Xóm, vì lúc ấy mấy vị chức việc của xóm thống nhất lấy miễu làm trường, phòng học miễu chỉ rộng khoảng mấy mươi mét vuông nhưng cũng gọi là trường, vì dạy đủ các lớp. Học trò của thầy từ vỡ lòng đến lớp 1, học toán, chính tả và các môn yếu lược… Đến tháng 7 năm 1954 thầy đưa học trò về chính căn nhà của mình để dạy học để tiện chăm sóc các em ..Năm 1958 nền giáo dục được quan tâm trường lớp được mở, thầy chuyển về dạy tại trường Xích Hậu tại Xóm Rừng (nay là thôn Thanh Quýt 2) . Từ năm 1958 đến 1975 thầy Nhung chuyển ra Đà Nẵng dạy học cho con em Điện Bàn, Đại Lộc di tản…
Chắp cánh những ước mơ
Gần nửa thế kỷ đi qua, không ít người dân địa phương hiện tại đã từng một thời đèn sách với ông giáo già vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời niên thiếu. Anh Nguyễn Liêm Triết kể: “Trường Miễu Xóm của thầy rất đông vui, một thầy có đến trên năm mươi trò với nhiều độ tuổi khác nhau. Trẻ con mới vào học A B C, học đánh vần thì trải chiếu ngồi dưới đất, cuối buổi có một bạn làm trưởng chiếu lo việc cuốn chiếu đem nộp cho thầy. Trẻ bắt đầu tập viết thì ngồi trên gốc tre được bắt ngang trên sườn róng bằng tre và được kê một miếng ván trước mặt để đặt tập viết; còn được vài chiếc bàn ghế nghiêm chỉnh hơn thì dành riêng cho các bạn lớn, học các lớp trên với nhiều môn học, trong đó có viết chính tả, tập đọc, đặt câu, làm văn, làm toán…Miễu chật, học trò thì đông, có hơi ồn nhưng không mất trật tự, thầy dạy lớp này thì lớp khác tự học, tự làm bài để sau đó thầy lại kiểm bài, trò nào cũng lo học...”.
Dù thời gian trôi qua quá lâu mang theo tuổi đời già cỗi, nhưng anh Nguyễn Hữu Khanh vẫn nhớ như in những ngày thầy Nhung “khai tâm” cho mình, ông chia sẻ; Trong lớp thầy dạy rất đông học sinh lại đủ trình độ, nhưng thầy dạy rất trầm tĩnh, cẩn thận, chăm chút từng học sinh một. Thầy chú tâm không sót một trò nào mới vào, để thầy uốn nắn, chỉ dạy tại chỗ cách nhìn mặt chữ, cách đọc chữ, ghép vần. Dạy chữ nào là nhớ ngay, nhớ mãi chữ đó. Ban đầu tay run, nét nguệch ngoạc, Thầy Nhung ngồi cạnh bên cầm tay tập cho chúng tôi kéo từng nét cho ngay ngắn, thẳng thớm, rồi quen tay. Khi chúng tôi viết chữ được thẳng nét thì thầy không cho đồ nữa, mà thầy chỉ viết một hàng chữ đầu rồi để chúng tôi nhìn và viết theo. Sau này tất cả các bạn lớp học do thầy dạy đều có nét chữ gần giống như chữ của thầy, đứng đắn, tròn đều và đẹp.
Thầy Nguyễn Văn Nhung với thú vui làm thơ sau ngày về hưu
Suốt cuộc đời dạy học hơn 35 năm của mình, người giáo già không còn nhớ nỗi mình đã dạy chữ cho bao nhiêu em học sinh trong làng, giúp đỡ bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn. Chỉ biết rằng giờ sức đã yếu, tóc đã bạc, nhưng hàng năm thầy vẫn đều đặn đến nhà thờ tộc động viên trao học bổng cho con cháu nghèo hiếu học...
Những lứa học trò đầu tiên của thầy Nhung nay cũng đã trên 70 tuổi. Bao thế hệ con em của làng đã đi qua. Những cánh chim bạt gió tung cánh khắp bốn phương trời mang theo những dấu ấn đầu tiên của thời thơ ấu cùng với những bảo ban, dạy dỗ của các thầy đã để lại bao hương hoa và sắc màu cho cuộc sống, cho làng xóm quê hương và ở những phương trời xa lạ khác. Cũng từ khó khăn ấy biết bao học trò cũ của thầy đã trưởng thành, như giáo sư, tiến sĩ Lê Tự Quốc Thắng, anh em bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng bây giờ là lãnh đạo Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ, anh Lê Tự Hỷ cựu giảng viên Toán Đại học Khoa học Huế...
Trở về cuộc sống đời thường dù tuổi đã cao nhưng ông giáo già vẫn say sưa đọc sách, làm thơ, nghiên cứu Hán Nôm, chăm lo việc khuyến học khuyến tài của con cháu trong dòng họ… Con cháu dựng vợ gả chồng, học hành thành đạt thầy thường làm thơ chúc mừng. Bà con làng xóm có việc hiếu sự nhờ thầy dăm ba câu đối vài dòng văn điếu, thầy luôn sẵn lòng với tình cảm sẻ chia, nồng ấm.
Mỗi lần về thăm quê, học trò cũ thường hay ghé thăm thầy và kể về những người thầy đầu tiên của mình với tình cảm vô cùng trân trọng, kính yêu. Ông giáo làng Nguyễn Văn Nhung đến với nghề dạy học như là một nghĩa cử của một người dân giúp làng xóm, quê hương, giúp đàn em trẻ khỏi cảnh thất học trong thời điểm quê hương đất nước đầy bom đạn khó khăn.