Chẳng bàn ghế, phấn bảng, suốt cả buổi sáng cô giáo trẻ Vạn Thượng phải bò trườn trên sàn nhà, tập thể dục, chụp rồi sút bóng rồi lụi cụi chỉ dẫn cho các em từng điều nhỏ nhặt nhất. “Trung tâm có chức năng chăm sóc, giáo dục các em kém may mắn. Các em học ở đây bị một trong các khiếm khuyết như tự kỷ, giảm chú ý, tăng động, bại não… Có em mới vào học mấy tháng, có em theo học ba, bốn năm rồi. Chẳng có lên lớp hay tốt nghiệp, chỉ cần một bước tiến triển nhỏ của các em đã là hạnh phúc của mọi người ở trung tâm và gia đình” - cô Vạn Thượng bộc bạch.
Bị hét vào mặt, cô giáo liền ra dấu vỗ về. Chụp những cú sút bóng búa bổ, cô giáo đáp lại bằng những lời ngợi khen tiến bộ. Đồ đạc quăng tứ tung, cô giáo cũng chỉ nhoẻn miệng cười rồi động viên các bạn nhỏ gom lại. Sau một tiếng rưỡi “học mà chơi”, hai bạn nhỏ vẫy chào mọi người ra về, trả lại không gian học cho nhóm bạn tiếp theo.
Cô Vạn Thượng và tình nguyện viên lại bắt đầu một tiết học mới với những bài học khác bởi mỗi trường hợp ở đây đều cần cách tiếp cận khác nhau. Long và Đạt quê Điện Bàn đều đặn theo học tại trung tâm tròn 2 năm qua. Từ chỗ lầm lì, ngờ nghệch hầu như không biết điều khiển các hành vi đơn giản thì nay hai em đã cởi mở hơn, tiếp thu và nhận thức được kỹ năng đi chợ, chụp hình, tính toán một cách cơ bản.
Thi thoảng, buổi học vẫn phải ngắt quãng giữa chừng chỉ vì các bạn nhỏ bỗng nhiên... gây hấn, cáu gắt với nhau. “Nhiều lúc mệt nhoài và bực lắm chứ nhưng tuyệt nhiên mình không bao giờ được gắt gỏng với các em. Mình phải tìm cách động viên, hướng các em ấy tới sự điềm tĩnh và hiểu được điều cần làm. Lúc mới về trung tâm cũng có lúc sợ lắm vì nhiều khi các em ấy la hét, cắn, thậm chí đánh mình luôn vì không nhận thức được. Qua thời gian khi dần thấu hiểu được nỗi đau của các em thì mình nhận thấy phải tìm mọi cách để san sẻ, dạy dỗ, thay đổi các em” - cô Vạn Thượng tâm sự.
Hiện trung tâm nhận hỗ trợ phục hồi cho 22 trẻ khiếm khuyết. Con số này dao động theo từng tháng vì nhiều lý do. Bên cạnh đó, trong danh sách chờ còn có khoảng 10 em nữa mong muốn được nhập học. Các em được xếp nhóm theo tuổi và tình trạng khiếm khuyết để dễ hòa nhập hơn. Trẻ sẽ được điều chỉnh hành vi bằng các trò chơi như leo núi địa hình, “go fish”, xếp hình lego… Phụ huynh cũng phải thường xuyên gắn với lớp, để hiểu phương thức học, hiểu các em. Sự kiên nhẫn và tình yêu thương là các yếu tố khác biệt của lớp học.
Thầy Lê Quang Phú - một thành viên của trung tâm cho hay, có bạn nhỏ vào đây suốt mấy tháng trời mới nhận biết được màu sắc nên nếu không có tính nhẫn nại thì không thể nào gắn bó được với các em và trung tâm.
“Mưa dầm thấm lâu”, nhiều em lúc mới đến không dám vào trung tâm, bấu tóc mẹ, bước đi không vững, qua thời gian đã trở lại hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Cô Vạn Thượng chia sẻ: “Như Đạt và Long, các em rất hồ hởi vì được đến lớp sau khi phải tạm ở nhà mấy tháng trời vì dịch bệnh. Nhiều hôm các em còn gọi điện đến trung tâm nằng nặc đòi đến trường”.
“Con chào cô”, “thưa cô con về”, “cô Thượng ơi dẫn con sang đường với”… Tự lúc nào thanh âm thân thương trẻ dại đã trở thành niềm vui của cô giáo “đặc biệt”, gắn cuộc sống của cô vào vui buồn bé dại của những cuộc đời kém may mắn.