Giữ vững tinh thần “thép”
Gặp lại những CCB trong thời bình, mặc dù tuổi đã không còn trẻ nữa nhưng tinh thần “thép” ngày ấy ở họ vẫn hết sức kiên định trong từng nếp nghĩ, việc làm. Với ý chí chiến đấu ngoan cường của thế hệ anh hùng trong thời chiến, ngày nay trong quá trình xây dựng cuộc sống mới những CCB lại luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau làm kinh tế, người có giúp người khó. Nhờ đó, trong những năm gần đây phong trào xóa đói giảm nghèo của các cấp Hội được tổ chức vững mạnh, giúp hội viên từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống.

Tặng Giấy khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào
Ông Nguyễn Phước Sáu, Chủ tịch Hội CCB thị xã cho biết; Trong 5 năm qua, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, đời sống của hội viên CCB ngày càng được cải thiện và nâng cao. Hội CCB các cấp đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã trên 62 tỷ đồng cho 1.600 lượt hội viên vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ; quỹ góp vốn quay vòng đạt trên 75 tỷ đồng, bình quân trên 3,6 triệu đồng/1 hội viên. Hội CCB các cấp đã phối hợp tổ chức gần 100 lớp tập huấn về chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao kiến thức vay vốn… với trên 2.800 lượt hội viên tham gia. Ngoài ra, các cấp Hội tổ chức nhiều buổi tham quan học tập những gương CCB tiêu biểu về nghị lực vượt khó, những cách làm sáng tạo, mô hình kinh tế sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Qua đó vận dụng tốt vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ đem lại nhiều kết quả trong phát triển kinh tế; giải quyết việc làm mới cho trên 500 lao động và con em hội viên CCB tại địa phương. Đến nay, Hội CCB thị xã không có hội viên thuộc diện hộ nghèo, hộ khá giàu đạt trên 61%. Đời sống tin thần và vật chất của Hội viên được nâng cao rõ rệt, từ đó có nhiều đóng góp chung cho sự phát triển trên địa bàn thị xã…
Nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo
Trở về từ chiến trường K (Campuchia) năm 1983, Cựu chiến binh Ngô Đình Sáu thôn Cẩm Phú 2, xã Điện Phong không thể nhớ hết mình đã vào sinh ra tử bao nhiêu lần. Nhưng với ông, thời bình cũng như thời chiến, còn hơi thở là còn đóng góp cho đất nước, cho quê hương. Hưởng ứng phong trào CCB kinh tế giảm nghèo do hội phát động, ông Sáu đã vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi bồ câu thương phẩm.
Khởi nghiệp mô hình nuôi gà nhưng không mấy suôn sẻ. Không nản lòng, ông quyết tìm đường khác để mưu sinh. Biết đồng đội của mình đang thành công với mô hình nuôi bồ câu ở tận miền Tây, ông tìm đến học hỏi. Năm 2000, ông trở về địa phương và bắt đầu nuôi thử nghiệm. Ông tự tay đan lồng sắt, sau đó mua 15 cặp bồ câu giống về nuôi theo cặp. Từ 15 cặp ban đầu, ông duy trì nuôi và đến nay số lượng lên đến 1.000 cặp. Trung bình mỗi cặp bồ câu một tháng rưỡi sinh sản một lần, mỗi lần 2 con, 20 ngày sau có thể bán thịt. Mỗi cặp bồ câu giá thị trường hiện nay dao động từ 90-110 ngàn đồng/cặp. Mỗi lần xuất chuồng 1.000 cặp, ông thu về trên dưới 100 triệu đồng. Ông Sáu đã cho xây dựng hẳn một trại gây giống bồ câu với số lượng vài trăm con, chuyên cung ứng bồ câu cho một số tỉnh, thành trong nước. Tiếng lành đồn xa, thương hiệu "Sáu bồ câu" được đông đảo khách hàng biết đến. Nhiều người cũng tìm đến học hỏi, nghiên cứu đều được ông chỉ dạy tận tình.

Mô hình nuôi chim bồ câu của CCB Ngô Đình Sáu
Đến nay, phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế giỏi đã lan tỏa rộng khắp trong cán bộ và hội viên. Nhiều hội viên tiêu biểu dù tuổi cao lại mang trên mình những vết thương chiến tranh nhưng đã vượt khó vươn lên làm giàu góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội ở địa phương...Để phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, các cấp Hội đã gắn các mục tiêu, chỉ tiêu của phong trào với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Hội lấy kết quả thực hiện phong trào làm tiêu chí để đánh giá chất lượng, phân loại tổ chức Hội, hội viên; coi trọng biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình, gương người tốt, việc tốt để không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện phong trào.
Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên CCB thị xã mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; phối hợp với công an các cấp thực hiện chương trình phối hợp “Hội CCB tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn”; nhận quản lý, giáo dục, cảm hóa đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng...
Ông Nguyễn Phước Sáu, Chủ tịch Hội CCB thị xã cho biết thêm; Trong giai đoạn tới, Hội CCB thị xã phấn đấu giải quyết việc làm mới cho khoảng 600 lao động là hội viên CCB, con em Hội viên và Thanh niên có hoàn cảnh khó khăn; triển khai sử dụng nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội có hiệu quả, đúng mục đích; triển khai thêm nhiều các lớp tập huấn chuyển giao KHKT trong chăn nuôi và trồng trọt, kinh doanh sản xuất phù hợp với hội viên ở từng địa phương…