Nội dung chi tiết

LIỆT SĨ PHÚ QUỐC
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 05/03/2009 .Lượt xem: 5321 lượt. [In bài]
Nguyễn Ngọc Hùng

            Đó là hình ảnh của người chiến sỹ bất khuất Phạm Ngọc Hiền, chiến đấu kiên cường trong lao tù và bị địch hãm hại lúc vừa tròn 22 tuổi xuân. Anh Hiền, sinh năm 1945 tại làng Cẩm Sa, Điện Nam, Điện Bàn, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng.

            Mới 17 tuổi, Phạm Ngọc Hiền đã xung phong đi bộ đội, vào tiểu đoàn R20 nổi tiếng của tỉnh Quảng Đà. Vào bộ đội, Hiền là y tá, vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu, rất tận tụy với đồng đội, dũng cảm, ngoan cường trong chiến đấu. Trong những quãng đời bộ đội, Hiền phải cắn răng chịu đựng những bất hạnh, đau thương dồn dập đến với nhiều tin tức đau buồn về quê hương, gia đình và đồng đội. Trong đó, phải kể đến cái tên anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi - người mà Hiền kể với tôi, là người cậu trong gia đình anh. Sau khi anh Trỗi hy sinh thì người anh cả của Hiền là Phạm Ngọc Phước và người em Phạm Văn Bé, đơn vị đặc công V25 ( tiểu đoàn 2 Quảng Đà) hy sinh. Nổi đau thương chồng chất, khiến lòng Hiền càng sục sôi ý chí căn thù giặc.

            Tháng 8 năm 1968, sau những trận chống địch phản kích, R20 bị thiệt hại, tổn thất nhiều. Và trong một trận đánh, không may Hiền bị thương nặng và bị địch bắt. Chúng đưa Hiền về Đà Nẵng chạy chữa rồi dụ dỗ, mua chuộc Hiền. Nhưng Hiền nhất quyết không khai, không đầu hàng. Kẻ thù lại dùng các thủ đoạn tra tấn nham hiểm và tàn bạo để khuất phục, nhưng không thắng nổi ý chí của Hiền, không thể bắt Hiền bỏ 10 lời thề danh dự của người chiến sỹ Giải phóng quân, và hơn thế là người Đảng viên Cộng sản.

            Cuối năm 1968, Phạm Ngọc Hiền và một số đồng chí bị địch lưu đày ra trại tù binh Phú Quốc. Khi vừa đặt chân lên đảo, Hiền cùng những đồng đội bị những trận đánh phủ đầu tấp nập, với dùi cui, ma trắc, roi gân cá đuối. Nhưng đó mới chỉ là đòn mà kẻ thù gọi là thủ tục nhập trại, dù có đồng chí không chịu nỗi đã phải quỵ ngã.

            Trong gần 6 tháng địch giam cầm tại Phú Quốc, Phạm Ngọc Hiền luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù. Ở anh toát lên ý chí kiên cường của một người chiến sỹ cộng sản trước quân thù, đồng thời chan chứa tình yêu thương đồng đội anh em. Phát hiện Hiền là thành phần cốt cán trong phòng giam, nên mỗi lần địch gọi Hiền đi là thế nào chúng cũng tra tấn anh chết đi sống lại.

            Vào một đêm, chúng dẫn Hiền ra khỏi phòng biệt giam. Lúc đó, Hiền chỉ còn một thân hình da bọc xương, bầm đen. Chúng dẫn Hiền lên phòng điều hành của trại tù, trong đó có tên Trung úy Hiền - Trưởng phòng điều hành, một trong những tên gian ác nhất trại chỉ đứng sau thượng sỹ Nhu. Hiền bảo Hiền khai, bảo đầu hàng, bảo hô khẩu hiệu đả đảo lãnh tụ. Nhưng Hiền vẫn không chịu khuất phục, chúng nhảy vào đánh đá, đánh kiểu tứ trụ. Hiền hô:  Đả đảo đế quốc và bè lũ tay sai, Hồ Chí Minh muôn năm! Chúng đánh Hiền tơi tả và đến khi Hiền gục xuống thì lấy búa đóng đinh 10 vào các khớp xương của Hiền. Chỉ sau một giờ bị tra tấn đẩm máu, Hiền đã hy sinh anh dũng. Lúc đó, Phạm Ngọc Hiền mới tròn 22 tuổi đời, 5 tuổi Đảng.

***

            Vào dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày Phạm Ngọc Hiền hy sinh, tôi được gặp mẹ của Hiền- bà Nguyễn Thị Rân trên giường bệnh. Không biết nói gì hơn, tôi ôm mẹ Rân và khóc. Mẹ ngạc nhiên không biết điều gì đã xảy ra. Tôi lần hồi kể cho mẹ nghe những kỷ niệm về Hiền, cùng sự hy sinh anh dũng của anh. Tôi cố ý giấu mẹ đoạn ký ức rùng rợn về cái chết thảm khốc của Hiền bởi bị đinh 10 đóng vào khớp xương, nhưng chỉ nghe cảnh bị tra tấn đến chết, phải gởi xác thân trên đảo Phú Quốc, mẹ và tất cả những người nghe tôi thuật lại đều không cầm được dòng nước mắt tuôn trào, nghẹn ngào.

            Một điều may mắn nhất của tôi khi ra tù về với đồng đội tiếp tục chiến đấu tôi đã gặp được ông Nguyễn Nho Thi, cùng đơn vị R20 tặng cho tôi bức ảnh của Hiền chụp chung với đồng đội vào năm 1965. Nhớ câu hỏi của mẹ Rân: Con có kỷ vật gì của Hiền không? Tôi đã tìm và giao di ảnh của Hiền cho mẹ. Nhận được di ảnh mẹ Rân ồ lên: Đúng con của mẹ đây rồi !, và ụp bức ảnh vào ngực khóc nức nở. Như thế, phải gần 35 năm mẹ mới gặp lại con, có bức ảnh để thờ tự.

            Đầu Xuân năm 2007, tôi nghe tin mẹ Nguyễn Thị Rân - mẹ của Hiền- Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã từ trần. Sau 4 giờ tôi đã có mặt tại Đắk Tô, tỉnh Kon Tum dự đám tang mẹ. Mẹ Nguyễn Thị Rân đã hiến dâng cho Tổ quốc 3 người con, và cả 3 không còn một nấm mồ vì không tìm được hài cốt. Mẹ Rân ước nguyện về được mảnh đất Cẩm Sa - Điện Bàn, nơi có những nấm mồ tượng trưng của các con: Phước, Hiền, Bé. Và nhờ sự quan tâm của huyện Đắk Tô, huyện Điện Bàn, ước nguyện của mẹ đã trở thành hiện thực...

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
PHÙ SA CÁCH MẠNG
VƯỢT NGỤC
TRONG CHIẾC NÔI TỘC HỌ, XÓM LÀNG
TRONG BÓNG CỜ SON
THUỶ CHUNG MỘT LÒNG VỚI CÁCH MẠNG
THÂN TÙ XƯA
TẶNG ANH TÀO VĂN HÀO
PHÙ SA CÁCH MẠNG
NGƯỜI ĐÓNG NẮP HẦM
NGƯỜI CON GÁI MẸ THỨ
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
KÝ ỨC NGÔ ĐÌNH HẠNH
HỌC THƠ TRONG HẦM ĐÁ
HÃY GẮNG VƯỢT QUA NỔI ĐAU!
HAI ANH EM, MỘT CHÍ KHÍ KIÊN CƯỜNG
GIỮA NANH VUỐT KẺ THÙ
GIỮ VỮNG ĐƯỜNG DÂY
CHUYỆN VỀ HAI BÀ MẸ Ở ĐIỆN QUANG
CHUNG CẢNH NGỘ
CHIẾN CÔNG ÂM VANG NGỤC TÙ CÔN ĐẢO
CÂY KIM TRE
    
1   2   3   4  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm