Bánh tráng là món ăn không thể thiếu trong các mâm cơm cúng ông bà tổ tiên cũng như in đậm trong ẩm thực truyền thống xứ Quảng, và đặc biệt tại Điện Bàn, các món ăn giàu truyền thống như Mì Quảng, Mì Phú Chiêm, Bê thui Cầu Mống, hến trộn…đều không thể thiếu hương vị của bánh tráng tại địa phương. Và thật sự, bánh tráng nướng, bánh tráng cuốn và cả mình sợi khô của Điện Bàn đã có mặt và được ưa chuộng ở khắp nơi trên đất nước.
Tại xã Điện Phương hiện nay có khoảng 20 cơ sở sản xuất bánh tráng lớn, nhỏ, đang hoạt động. Cơ sở sản xuất bánh tráng Phạm Cấp là một trong những cơ sở làm bánh tráng lâu đời ở đây. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Phạm Cấp - chủ cơ sở, cho biết: "Cứ đến thời điểm này, cơ sở sản xuất bánh tráng của gia đình tôi luôn nhộn nhịp từ xay, trộn bột, tráng đến cắt bánh thành phẩm. Ngày thường, cơ sở của tôi cung cấp khoảng 60-100kg bánh thành phẩm. Bánh tráng hiện có giá khoảng 32.000 đồng/kg. Những ngày tết, cơ sở của tôi cung cấp ra thị trường với số lượng lớn hơn, khoảng từ 2 đến 3 tạ bánh tráng thành phẩm mỗi ngày".
Không ai biết rõ nghề làm bánh tráng ở đây có từ khi nào, người ta chỉ biết rằng, làng nghề bánh tráng ở Điện Phương là một trong những nghề cha truyền con nối. Và ở đây các cơ sở làm bánh tráng cũng có rất nhiều bí quyết khác nhau để bánh thêm đẹp và ngon. Chị Nguyễn Thị Tâm, chủ một cơ sở sản xuất bánh ở Triêm Nam, Điện Phương cho biết: “Hầu như cơ sản sản xuất bánh tráng nào cũng có bí quyết riêng để tạo ra thương hiệu riêng cho mình. Cơ sở của tôi là tỉ lệ pha trộn giữa bột, mè và dừa. Nhiều cơ sở khác thì có thể là tỉ lệ dày mỏng của bánh hay cách nướng bánh cũng như mục đích dùng bánh để sản xuất ra những chiếc bánh thơm ngon nhất….”
Làm bánh tráng có rất nhiều bí quyết khác nhau, đầu tiên là chất liệu gạo, thường thì sẽ có sự pha trộn khác nhau chứ không dùng một loại gạo nhất định như trước đây. Các loại gạo thường được sử dụng là 13/2; Xiệt, một ít gạo thơm… Nguyễn liệu đi kèm là mè trắng hoặc mè đen, nhiều cơ sở sử dụng thêm nước cốt dừa và cả dừa thái nhỏ để tạo ra các loại bánh tráng nước thơm ngon. Đối với bánh tráng cuốn, cần sự đổ dẻo khi nhúng nước không làm rách bánh thì bột phải có thêm một ít nếp... Một trong những bí quyết nữa đó là bánh phải được tráng bằng bếp trấu truyền thống và lửa to hay nhỏ tùy theo công đoạn khác nhau. Và quan trọng nhất vẫn là tay nghề của người tráng bánh, ước lượng đúng lượng bột, quay đều tay, biết độ chín của bánh thông qua mùi và màu sắc… đó là những kinh nghiệm được truyền dạy từ nhiều đời để tạo ra một chiếc bánh thơm ngon nhất.
Năm nay do ảnh hưởng của dịch covid19 nên việc sản xuất bánh tráng diễn ra không thường xuyên trong năm. Nhiều cơ sở phải ngừng hoạt động do thời gian bảo quản bánh tráng không được quá lâu. Tuy nhiên đến thời điểm này, thì nhiều cơ sở sản xuất bánh bắt đầu tập trung nhập nguyên liệu, ngày đêm sản xuất bánh để kịp phân phối cho bạn hàng khắp nơi chuẩn bị phục vụ tết Nhâm Dần 2022.
Tại xã Điện Minh, nhiều cơ sở sản xuất bánh tráng nướng, bánh trang cuối hay mì sợi khô đang tăng tốc cho vụ hàng cuối năm. Anh Nguyễn Đức, một chủ cơ sở sản xuất bánh ở thôn Tân Mỹ cho biết: “Dù còn rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng đã làm nghề thì dù có thế nào, tết đến thì lò vẫn phải đỏ lửa để tráng bánh, đây không chỉ là tạo ra nguồn thu nhập chính cho gia đình mà còn là cách bảo tồn nghề truyền thống của gia đình. Hiện nay thì các mặt hàng bánh tráng như: bánh tráng nướng, bánh tráng cuốn… của các cơ sở ở đây hầu như đã có mặt trên thị trường cả nước…”
Một thuận lợi lớn hiện nay là việc tráng bánh có thể là vừa tráng thủ công nhưng cũng có thể tráng bằng máy nên chất lượng bánh cũng như mẫu mã khá đều, đẹp mắt, việc bảo quản cũng dễ dàng hơn nên khi có đơn hàng nhiều, các cơ sở tráng bánh hiện nay trên địa bàn thị xã đều có thể thực hiện được.
Tại thôn Bồ Mưng 1, Điện Thắng Bắc cũng có một làng nghề bánh tráng với khoảng gần 10 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương. Tranh thủ thời tiết bắt đầu có nắng, các hộ ở đây đã cho ra lò những mẻ bánh ngon nhất. Nhờ sự thuận lợi về vị trí địa lí nên ở đây còn kết hợp sản xuất thêm cả mì và bún để cung cấp cho thị trường lớn Đà Nẵng. Chính nhờ làm nghề này mà các hộ dân nơi đây có thu nhập đảm bảo đời sống trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Hữu Hà, một chủ cơ sở sản xuất bánh tráng ở Bồ Mưng 1 cho biết: “Dù làng nghề ở đây chưa lâu như trong Điện Phương hay Điện Minh, nhưng chúng tôi cũng có những bí quyết riêng để tạo thương hiệu cho mình; và đặc biệt nhờ vị trí thuận lợi nên hàng hóa ra Đà Nẵng nhanh hơn so với các địa phương khác, đảm bảo được độ tươi ngon nhất…”
Hiện nay, dù chịu sự cạnh tranh của rất nhiều thương hiệu bánh tráng khác nhau tại các địa phương khác như Đại Lộc, Quế Sơn, Duy Xuyên… nhưng những thương hiệu bánh tráng Thanh Tâm, Thanh Dung, Minh Châu, Phạm Cấp… ở Điện Bàn vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường và đã có những thương hiệu có sản phẩm vươn ra các thị trường nước ngoài. Tết Nhâm Dần sắp cận kề, cùng với nhiều làng nghề truyền thống khác, các cơ sở bánh tráng ở Điện Bàn vẫn đang ngày đêm đỏ lửa để giữ nghề truyền thống cha ông. Tiếng vang của món mì Quảng, mì Phú Chiêm, bê thui Cầu Mống… trứ danh đi khắp cả nước cũng có một phần không nhỏ nhờ bánh tráng truyền thống được sản xuất tại Điện Bàn từ xưa cho đến nay. Và bánh tráng cũng chắc chắn sẽ là một trong những điểm nhấn trong phát triển du lịch ẩm thực truyền thống của Điện Bàn hiện nay và trong tương lai.