Bà Lê Thị Trị sinh năm 1922, tại làng Thanh Quýt, là con đầu, đồng thời là người con gái độc nhất của mẹ Thứ. Mẹ Thứ có tất cả 12 người con, 11 trai, 1 gái. Cả 14 con người chung nhau trong căn nhà tranh tre nứa lá. Cha mẹ phải cặm cụi quanh năm mới đủ sức nuôi 14 miệng ăn. Là chị đầu, bà Lê Thị Trị cũng sớm phải tảo tần đỡ đần công việc cho cha mẹ, chăm em và làm lụng quần quật. Sống trong cảnh bần hàn cơ cực, chị Trị sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1945, chị cùng anh Ngô Tưởng - người bạn đời tham gia cướp chính quyền tại tỉnh đường Quảng Nam.
Sau cách mạng tháng Tám, Lê Thị Trị và Ngô Tưởng đều tham gia hàng ngũ Việt Minh. Năm 1947, Pháp tái chiếm Đà Nẵng rồi đến cả vùng đất Điện Bàn ( sau khi quân ta diệt đồn Vân Ly, Xuân Đài, thì chúng bỏ vùng nam sông Thu Bồn). Hai vợ chồng bà Trị ở lại trụ bám, tham gia phong trào kháng chiến tại địa phương. Ngô Tưởng vào du kích còn Lê Thị Trị vào Hội mẹ chị nuôi quân, đồng thời làm liên lạc cho ông Ngô Dinh - Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến xã ( đến năm 1950, Ngô Dinh được điều về Ban tiền phương của tỉnh đội, bà Trị lại giữ vai trò liên lạc cho tỉnh đội).
Hiệp định Giơ - ne - vơ ký kết, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về lập chính thể cộng hòa ( quốc gia giả hiệu), ra tay đàn áp những người kháng chiến, thanh trừng cộng sản. Lúc này Ngô Dinh ở lại địa phương, làm Bí thư Huyện ủy Điện Bàn. Năm 1956, trên đường đi công tác, không may Ngô Dinh lọt vào tay giặc. Bị tra tấn dã man nhưng Ngô Dinh vẫn một mực không khai báo, ông còn tố cáo tội ác của bọn tay sai chó săn của đế quốc Mỹ. Bọn tề ngụy Điện Bàn dùng cọc tre đóng, căng tay chân của Ngô Dinh, rồi cho chó bec- giê cắn nát. Ngô Dinh chết, kẻ thù đem xác phi tang ( 42 năm sau mới tìm được hài cốt, an táng ở nghĩa trang liệt sỹ Điện Bàn).
Biết Ngô Dinh là em ruột của Ngô Tưởng ( chồng bà Trị) nên ngụy quyền tay sai rình rập và bắt được. Ngô Tưởng cũng bị hành hạ, tra tấn chết đi sống lại nhiều lần từ Nha Thanh Quýt đến chi khu Vĩnh Điện. Cả ba tháng trời, không khai thác được gì, chúng chuyển Ngô Tưởng xuống nhà lao Hội An. Không tìm được lời khai báo nào từ Ngô Tưởng, bọn cai ngục cùm tay chân, khớp miệng bắt ông giam vào xà lim, phòng tối cả một năm trời ăn đói, nhịn khát, thân chỉ còn da bọc xương. Ngày 29 tháng 10 âm lịch năm 1957, Ngô Tưởng từ biệt cỏi đời, xác ông cũng bị đưa ra nằm cùng một chỗ khu vực mả tù phía ngoài lao Hội An. Lê Thị Trị có hay biết gì đâu, bà đinh ninh rằng có ngày vợ chồng, con cái đoàn tụ. Mãi đến khi đồng khởi phá kèm, tin sét đánh từ những đồng đội Ngô Tưởng trong tù ra báo, bà mới biết chồng đã hy sinh.
Bốn đứa con của Ngô Tưởng – Lê Thị Trị lớn lên khi cuộc chiến đang hồi ác liệt. Tất cả đều tham gia cách mạng để trả thù cho cha. Chị Ngô Thị Đào, người con đầu tham gia vào ngành binh vận Quảng Đà. Ngô Thị Cúc vào du kích xã, Ngô Thị Điểu làm giao liên, rồi người con gái út, Ngô Thị Mai mới 16 tuổi thoát ly vào ngành dân y tỉnh Quảng Đà năm 1971.
Bà Lê Thị Trị bị bọn ác ôn ghi tên vào sổ, cố lùng bắt để khai thác tin tức. Tháng 5 năm 1969, chúng bắt được bà. Địch dùng thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc rồi tra tấn bằng nước ớt, xà phòng. Mỗi lần bị đánh tra, bà cứ nằm lăn như chết. Biết không khai thác được gì, bọn ngụy đưa bà xuống giam ở lao Hội An cho đến năm 1971. Ba năm ở trong tù, ngoài cảnh phải chịu đựng đòn roi tra tấn, bà Trị còn phải chịu nổi đau xé ruột khi nghe tin con hy sinh - chị Ngô Thị Điểu dẫn bộ đội về công đồn ở Trảng Nhật không may rơi vào ổ phục kích. Khi ra tù, năm 1973, bà Trị còn mang tang con khi người con gái Ngô Thị Cúc, trong cuộc giao tranh giành đất giữ làng, đã hy sinh. Mất chồng, mất con, lòng đau như cắt, vậy mà bà Trị cùng người mẹ Nguyễn Thị Thứ còn phải chịu đựng bao nổi đau xé ruột khi lần lượt nghe tin 9 người em hy sinh trên các chiến trường.
Một nhà có hai Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, một nhà gánh những niềm đau mang tầm đất nước. Ngôi nhà ấy, giờ đây đã trở thành nơi mẹ Thứ và mẹ Trị nương dựa vào nhau, hai mẹ con đều ở tuổi thượng thọ./.