Thấy người lạ hỏi đường, đám trẻ con tếu táo; “Phải chú đến mua bánh khô mè về ăn tết không? Bánh nhà cô Ly thì khỏi bàn… ngon nhức nách. Chú đi thẳng quẹo trái là tới… cái nhà có mùi mè rang thơm phức đó!
Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến được nhà Ly trong tích tắt. Người đầm đìa mồ hôi, nhưng cô gái nhỏ vẫn đon đả ra tận cổng để đón khách và không quên nở nụ cười thân thiện; “Cuối năm bận quá ..làm cho đủ số hàng khách đặt, có gì anh thông cảm nhé”. Ấn tượng đầu tiên khi gặp Ly là sự hoạt bát, nhanh nhẹn nói năng trình bày việc gì cũng mạch lạc, rõ ràng; ai cũng khen hay và vô cùng mến phục
Hạnh phúc khi là truyền nhân của gia đình
Phan Thị Ly sinh năm 1990 tại mảnh đất Triêm Đông, xã Điện Phương, Điện Bàn. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2013 khi Ly ra trường và có một công việc đem lại thu nhập ổn định với nghề hướng dẫn viên du lịch. Nhưng khi nghe ba mình tâm tư rằng “gia đình đã 3 đời làm bánh mà bây giờ 3 đứa con không có ai theo nghề” khiến cho cô gái “9x đời đầu” quyết tâm quay về với nghề gia truyền. Đó như là một cơ duyên nặng nợ với nghề truyền thống của cha ông từ bao đời, Ly đã bỏ phố về quê quyết định lựa chọn khởi nghiệp với nghề làm “bánh bảy lửa”, hay còn gọi là bánh khô mè.
Ly chia sẻ; “Với nhiều người thì học đại học ra trường và làm đúng chuyên ngành của mình theo học đó là một điều tuyệt vời …nhưng riêng tôi, làm cái gì cũng phải có cái duyên “nghề chọn người” và đến thời điểm này bản thân hài lòng với sự lựa chọn về quê theo đuổi giấc mơ làm nghề truyền thống của gia đình. Tôi càng hạnh phúc hơn khi quyết định được gia đình ủng hộ rất nhiều từ đó bản thân có động lực để đi đến cuối con đường”.
Từ nhỏ lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống lịch sử; chẳng biết tự bao giờ, từ chiếc nồi rang gạo, mè cùng thắng đường đã tạo ra chiếc bánh có mùi vị thơm ngon, thấm đượm dư vị của quê nhà này làm Ly thích thú và ấn tượng . Đâu đó, lan truyền một giai thoại rằng, có đôi vợ chồng nơi quê nghèo xứ Quảng, khi chồng lai kinh ứng thí được người vợ tần tảo nghĩ ra món bánh gạo bọc mè để làm lương khô trên đường thiên lý. Đó là câu chuyện người ta truyền nhau qua bao đời. Còn với Cơ sở sản xuất Bánh khô mè bà Ly thì đến chị Phan Thị Ly đã là đời thứ 4 gắn bó với những chiếc bánh nhỏ nhắn, béo bùi này.
Tuổi thơ cô gái cũng đã gắn bó với loại bánh khô mè này nên rất hiểu và mong muốn chia sẻ cùng gia đình. Hiện nay nhiều loại bánh xuất hiện trên thị trường, nhưng bản thân cô gái trẻ tin tưởng bánh truyền thống vẫn có sức hút và chỗ đứng riêng, bởi ai dù đi đâu vẫn không quên được nguồn gốc của mình.
Là một trong những đặc sản ẩm thực Quảng Nam, bánh khô mè Bà Ly nổi tiếng khắp đất nước Việt Nam cũng như khách thập phương. Ngoài bánh khô mè, cơ sở còn làm các loại bánh như bánh khô nổ, nổ dẻo, bánh đậu xanh. Trung bình mỗi ngày, xưởng bánh của Phan Thị Ly cung ứng cho thị trường hơn 1.000 gói bánh (30 ngàn/gói), cung ứng cho thị trường tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam. Ngoài ra, các đoàn khách du lịch cũng tìm đến xưởng bánh Ly để trải nghiệm, trực tiếp làm ra sản phẩm rồi mua lại làm quà.
Nức tiếng thương hiệu “Bánh khô mè Bà Ly”
Năm 2019, chị Ly quyết định đăng ký sản phẩm bánh khô mè tham gia Chương trình OCOP và nhờ đó tiếp tục có nhiều bước tiến đáng kể khi nhận được sự đồng hành hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Tham gia OCOP, Cơ sở sản xuất Bánh khô mè bà Ly được hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, bao bì, mã vạch, tham gia hội chợ quảng bá để sản phẩm đưa ra thị trường quy củ, bài bản hơn và đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao trong năm 2020. Nhờ đó, thời gian gần đây, sản phẩm “Bánh khô mè bà Ly” đã được người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh biết đến nhiều hơn; một số đầu mối ở Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Bình, TP.Hồ Chí Minh cũng thường xuyên lấy hàng để phân phối. Chia sẻ kế hoạch trong tương lai, chị Ly cho biết sẽ tiếp tục đổi mới sản phẩm và nghiên cứu thêm sản phẩm mới với định hướng đăng ký tham gia OCOP nhằm lan tỏa thêm những thức quê đậm đà…
Tất cả các khâu làm bánh, cũng như bí quyết gia truyền để tạo nên sự khác biệt trong hương vị đều được Ly nắm vững. Muốn làm được bánh, đầu tiên phải chọn loại gạo xiệc để xay thành bột, sú nước rồi ray ra bột khô, sau đó bỏ khuôn hấp chín. Hấp xong qua lửa đầu tiên là nướng khô, xếp ráp lại một ngày lại nướng liên tục qua bảy lần lửa. Lúc này chọn mè chắc hạt, bắt chảo rang thật thơm. Đường kính trắng cho thêm nước, gừng giã nhuyễn, nấu đến khi kéo thành sợi thì ngưng.
Tiếp đó lấy bánh đã nướng chín và nhúng đường, tắm mè. Cuối cùng, lấy đặt lên khuôn nướng lại lần cuối để vị ngọt của đường, vị béo của mè và vị cay của gừng hòa quyện. Lớp bánh bên trong xốp, giòn, không quá khô. Lớp đường và mè được tắm không quá đặc, vừa phải bao đều quanh chiếc bánh khiến người thưởng thức thích thú và trầm trồ khen ngon. Những chiếc bánh thơm ngọt, đậm đà hương vị quê hương được làm ra, Ly mang đi “chào hàng” tại các tiệm tạp hóa và những quầy bán quà lưu niệm, cửa hàng bán đặc sản vùng miền để có thể đến tay những vị khách du lịch tại Đà Nẵng, Hội An..
Khi đã có khách hàng và đại lý để bỏ sỉ, xưởng bánh của Ly ngày càng được biết đến nhiều hơn. Lúc này, Ly đầu tư thêm máy móc hỗ trợ nướng, hấp. Hàng chục công nhân trong xưởng bánh “Bà Ly” đều là các mẹ, các chị có tay nghề thuần thục và tràn đầy tâm huyết để tạo nên chiếc bánh dân dã đậm tình quê hương. Quan sát cách Ly và những người thợ tĩ mĩ chăm chút trong từng khâu chế biến để cho ra thành phẩm là những chiếc bánh mang hương vị cổ truyền không thể trộn lẫn mới thấy hết được tâm huyết của họ. Từ nhỏ, Ly đã biết phụ làm các công đoạn làm bánh, rồi thuần thục lúc nào không hay. Để làm nên thương hiệu, đầu tiên, toàn bộ các công đoạn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn nguyên liệu nhập vào phải ngon, tinh khiết.
Hàng chục năm qua, cơ sở bánh khô mè Bà Ly không quá đặt nặng kinh doanh lời lãi, chỉ cần bánh ăn ngon và được khách hàng yêu thích là đã thành công. Ấy vậy mà cứ đến dịp tết về khách hàng vẫn nhộn nhịp khách ra vào. Họ đánh giá cao về uy tín, chất lượng, khẩu vị nên ưa chuộng mua để ăn, làm quà tặng. Và còn bởi một lý do, hương vị truyền thống bao giờ cũng lưu giữ những ký ức xưa cũ, đi kèm với miếng bánh ngon luôn là những kỷ niệm đẹp.