Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài với tốc độ và quy mô khác nhau; các lĩnh vực khác nhau đòi hỏi phải có tầm nhìn, có lộ trình và có kế hoạch thực hiện hiệu quả từng bước. Xây dựng chính quyền số là xu thế tất yếu đối với các đô thị để phát triển bền vững, đáp ứng những nhu cầu lãnh đạo, điều hành của chính quyền, nhu cầu sử dụng dịch vụ tối ưu nhất của người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ đã xác định nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016 - 2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021 - 2030. Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án trọng tâm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số nhằm mục tiêu xây dựng đô thị thông minh.
Đối với thị xã Điện Bàn, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý nhà nước đã mang lại hiệu quả tích cực, nhiều năm liền dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh. Việc phát triển chính quyền số là tất yếu khách quan nhằm tranh thủ thời cơ và khai thác lợi thế vốn có của thị xã. Định hướng và thiết lập những bước đi cụ thể cho lộ trình Điện Bàn trở thành đô thị kết nối phát triển bền vững trong tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt xây dựng chính quyền số là cần thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tại Thông báo số 231/TB-UBND ngày 05/7/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam đã xác định : “Sau thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam sẽ định hướng thị xã Điện Bàn là điểm tiếp theo triển khai dự án đô thị thông minh”.
Hiện nay toàn bộ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và UBND 20 xã, phường đã kết nối Internet cáp quang tốc độ cao và có phủ sóng Wifi. Tỉ lệ hộ gia đình có sử dụng Internet 54,37%; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh 57,88%. Hệ thống truyền hình trực tuyến tại UBND thị xã và các xã, phường được sử dụng một cách kịp thời, hiệu quả trong hội họp và chỉ đạo điều hành. Bộ phận “Một cửa” của Thị xã và xã, phường đều được trang bị máy móc cũng như phần mềm cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc. Tỉ lệ văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (hoàn toàn không dùng văn bản giấy) đạt trên 90%.
Từ năm 2020, UBND thị xã đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 76 thủ tục. Đến năm 2021 tỉnh đã triển khai ứng dụng “Quảng Nam trực tuyến” để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua thiết bị di động thông minh để phục vụ tương tác giữa người dân và chính quyền các cấp, giúp việc giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân được nhanh chóng, kịp thời.
Với sự phát triển của Internet, điện toán đám mây, công cụ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đã và đang tác động mạnh mẽ đến các lĩnh kinh tế, xã hội. Về quản lý, phát triển chính quyền số với hạ tầng hiện đại trên nền tảng điện toán đám mây, các ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và nguồn nhân lực để quản lý, vận hành… góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ của cơ quan nhà nước.
Bên cạnh thuận lợi nêu trên, công cuộc số hoá tiến tới chuyển đối số ở Điện Bàn cũng đứng trước nhiều khó khăn thách thức: Hạ tầng CNTT của các cơ quan được đầu tư qua nhiều thời kỳ nên cấu hình không đồng bộ, phần mềm tại một số cơ quan chưa nâng cấp kịp thời, thiếu sự liên thông. Quy trình xử lý công việc, dữ liệu lưu trữ phân tán, chưa được số hóa; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh thấp, chưa thay đổi được nhận thức, thói quen của tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu giải quyết hồ sơ thủ tục…
Mặt khác, công nghệ thông tin có chu kỳ thay đổi thế hệ rất nhanh. Do đó, khi lựa chọn triển khai các dự án luôn chứa đựng những rủi ro nhất định. Có nơi tình trạng có hạ tầng hiện đại, song chất lượng cơ sở dữ liệu thiếu độ tin cậy cao không đáp ứng tính toán phân tích… Một trong những thách thức đặt ra nữa đó là việc nâng cao trình độ, nhận thức về chuyển đổi số trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, lao động tại các cơ quan nhà nước và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Do đó, việc đầu tư cho công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần được chú trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục.
Mục tiêu xây dựng chính quyền số tại thị xã Điện Bàn đến năm 2030 được xây dựng dựa trên 3 trụ cột chính: hạ tầng kỹ thuật, con người, ứng dụng; được chia thành 2 giai đoạn:
|
Giai đoạn 2021- 2025
|
Giai đoạn 2025-2030
|
Hạ tầng kỹ thuật
|
Nâng cấp hạ tầng mạng, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tác nghiệp, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin
|
Hạ tầng CNTT-truyền thông phát triển đồng bộ, hiện đại đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp của cán bộ công chức viên chức và cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người dân, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin
|
Con người
|
Phát triển nguồn nhân lực CNTT, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ CC-VC và các tầng lớp nhân dân.
|
Chất lượng nguồn nhân lực CNTT phát triển đáp ứng yêu cầu về quản trị, triển khai các ứng dụng CNTT tại tất cả các cơ quan, ban ngành và các địa phương. Nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số.
|
Ứng dụng
|
Tạo lập các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; Phát triển các ứng dụng CNTT phục vụ xây dựng chính quyền số trong quản lý, điều hành, cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người dân.
|
Hầu hết các hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước được thực hiện thông qua các ứng dụng số. Tất cả hồ sơ, tài liệu phục vụ lưu trữ, tác nghiệp của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn đều được số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu. Việc tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp được thực hiện chủ yếu thông qua môi trường mạng
|
Toàn bộ nội dung tiến trình trên đã được UBND thị xã xây dựng thành đề án “Phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số thị xã Điện Bàn đến năm 2025 định hướng đến năm 2030” với tổng mức 95 tỉ đồng (chưa kể dự án số hoá đất đai) sẽ trình Hội đồng nhân dân Thị xã thông qua. Tiếp theo là :
- Truyền thông sâu rộng đến cán bộ, người dân và doanh nghiệp về ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số của thị xã; đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thị xã hiểu và có thể tiếp cận sử dụng các dịch vụ được cung cấp bởi chính quyền số.
- Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức về xây dựng chính quyền số cho lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức các ban ngành, đơn vị, địa phương.
- Thực hiện đầu tư các phần mềm, cơ sở dữ liệu, cơ sở vật chất CNTT phục vụ xây dựng chính quyền số thị xã Điện Bàn.
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, ban ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công; duy trì chế độ giao ban BCĐ Thị xã để đánh giá, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án.
Tiến trình xây dựng chính quyền số thị xã Điện Bàn còn nhiều khó khăn thách thức khi mà đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, là địa phương giàu truyền thống văn hoá, hiếu học, Điện Bàn có dân số trẻ, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại smartphone khá cao, lãnh đạo chính quyền và đội ngũ quản trị doanh nghiệp năng động, có quyết tâm cao, chúng ta tin tưởng công cuộc xây dựng chính quyền số thị xã Điện Bàn sẽ thảnh công sớm hơn dự kiến./.
|