Nội dung chi tiết

Về quê lập nghiệp
Tác giả: Phạm Lộc .Ngày đăng: 01/02/2022 .Lượt xem: 2152 lượt. [In bài]
Có người quan niệm rằng “Những người rời phố về quê là an phận với cuộc sống yên bình nơi làng quê có cây đa, bến nước, con đò…”, nhưng với chị Đỗ Dương Đông Phương thì hoàn toàn khác.

Chị rời thành phố về quê là để cùng đồng hành với nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao vào thâm canh sản xuất, và cũng là cơ hội để chị thực hiện ước mơ khởi nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp sạch. Đây là hành trình đầy gian nan, thử thách, với ước mơ cùng nông dân làm giàu ngay chính trên mảnh đất Gò Nổi.

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, Đỗ Dương Đông Phương chưa một ngày biết đến cảnh “chân lấm, tay bùn” của người nông dân và chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình về quê để cày cuốc, làm vườn, làm trang trại. Nhưng rồi cơ duyên lại đưa chị đến vùng đất Gò Nổi yên bình bên dòng sông Thu hiền hòa trĩu nặng phù sa. Phương kể: “Hơn 15 năm trước, Phương làm quản lý cho Công ty TNHH Seo Nam đóng tại Điện Quang. Qua những lần tiếp xúc với chính quyền và người dân, thấy bà con nơi đây trồng chủ yếu các loại ớt, bắp đậu… giá trị kinh tế không cao, rồi cảnh được mùa, mất giá, được giá lại mất mùa cứ lẩn quẩn, làm cho người nông dân dù có chịu khó canh tác đến đâu cũng không thể làm giàu.” Với mong muốn giúp bà con thay đổi tập quán canh tác truyền thống bằng những giống cây trồng mới, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đầu năm 2017, khi ấy Phương dù đang làm công tác tổ chức tại trường Đại học Duy Tân, thành phố Đà Nẵng và một số công ty lớn của nước ngoài với mức lương khá hấp dẫn nhưng Phương quyết định rời bỏ cuộc sống tiện nghi nơi phố thị khăn gói vào vùng quê Gò Nổi thuê 3 ha đất tại thôn Phú Đông xã Điện Quang gầy dựng trang trại làm nông nghiệp. Phương dành gần 1 ha đất trồng cây Măng Tây để đảm bảo thu nhập ban đầu, số còn lại trồng Xoài Úc xuất khẩu. Không quản ngại vất vả sớm tối…chị phơi mình giữa cái nắng chói chang, hay dưới cơn mưa rào bất chợt giữa biền bãi vắng vẻ.


   Phương của hiện tại là một phiên bản hoàn toàn trái ngược so với hình ảnh người con gái  Đà Thành váy áo thướt tha rong ruổi khắp phố. Đôi bàn tay búp măng dài thon bây giờ đã chai sạn; làn da đen sạm nắng; bộ quần áo lao động cũ kĩ.

Nếu xoài chăm sóc tương đối dễ thì Măng tây lại đòi hỏi tính kỹ thuật cao, nào là khí hậu, đất đai, phân bón, chăm sóc, thu hoạch.... Do đây là cây trồng mới nên Phương khăn gói vào tận tỉnh Ninh Thuận để học cách trồng và tìm thị trường tiêu thụ. Đất không phụ công người chăm sóc, chỉ trong thời gian ngắn, măng tây của Phương phát triển tốt đến không ngờ. Trên diện tích 3.000 m2 măng tây trồng thí điểm ban đầu, bình quân mỗi ngày chị thu khoảng 35 ký măng, với giá sỉ 90 nghìn/ký, sau khi trừ đi các khoản chi phí mỗi tháng Phương thu lợi 60 triệu đồng. Và điều làm Phương vui hơn khi cuối năm 2020, mặc dù thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài và nước lũ dâng cao gây ngập toàn bộ diện tích măng tây, nhưng sau khi nước rút, cây măng vẫn sinh trưởng bình thường. Đây được xem là tín hiệu vui khi biết rằng với thổ nhưỡng của vùng đất Gò Nổi này, không những cây măng tây cho được năng suất cao mà còn chịu được với lũ lụt hằng năm. Chứng kiến những kết quả ban đầu của chị, nhiều nông dân ở Điện Quang đã bắt đầu chuyển sang trồng măng tây.

Chị Trần Thị Chín, người dân ở thôn Phú Văn, xã Điện Quang cho biết, từ trước đến nay, bà con ở đây làm những cây nông sản như ớt, bắp đậu… nhưng thu nhập của bà con không ổn định.  Bây giờ thấy cây măng tây của chị Phương trồng cho năng suất  cao mà đầu ra lại ổn định nên sắp tới đây, chị và bà con xung quanh sẽ chuyển sang trồng loại cây này” chị Chín chia sẻ.

         Nhiều người quan niệm, phụ nữ “chân yếu, tay mềm”, thế nhưng đối với Phương thì hoàn không phải như vậy. Một ngày của Phương bắt đầu từ 3 giờ sáng. Thức dậy chở măng tây ra tận chợ đầu mối Đà Nẵng để giao cho bạn hàng, 7 giờ quay về ra vườn cày xới, bón phân, tưới nước, làm cỏ cho đến tối mịt. Tất cả những công việc nặng nhọc này đều một mình chị cáng đáng.

Sự bền bỉ, tháo vát của Phương khiến người dân ở đây ai nấy đều thán phục. Họ tò mò vì sao mà một cô gái từng có công việc làm ổn định ở thành phố với mức lương hậu hĩ mà nhiều người mơ ước nhưng lại chấp nhận về quê, làm người nông dân chân chất dưới thời tiết nắng mưa khắc nghiệt. Chính bố mẹ của Phương cũng không khỏi bất ngờ và nhiều lần can ngăn khi con gái quyết định rời cuộc sống đầy đủ tiện nghi nơi phố thị để rẽ sang con đường mưu sinh vất vả.

        Để phát huy hiệu quả kinh tế của cây măng tây và lan tỏa thương hiệu nông nghiệp sạch vùng Gò nổi, Phương xây dựng ý tưởng liên kết với các hộ nông dân mở rộng diện tích trồng măng, đồng thời thu mua toàn bộ sản phẩm của bà con để chế biến thành nước giải khát, phục vụ cho người tiêu dùng. Ý tưởng này là một trong 25 ý tưởng được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2020, và là một trong 8 Dự án của tỉnh Quảng Nam lọt vào vòng sơ khảo cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2021 do Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

     

   Để ý tưởng trở thành hiện thực, Phương lại “liều lĩnh” thế chấp ngôi nhà của mình tại thành phố Đà Nẵng để có đủ vốn thực hiện dự án. Với số vốn hơn 2 tỷ đồng để khởi công xây dựng xưởng sản xuất, đưa máy móc, thiết bị cùng dây chuyền chế biến nước uống chiết xuất từ cây măng tây ngay tại vùng quê Gò Nổi. Phương đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2021 cho sản phẩm này với thương hiệu “Nước măng tây Gò Nổi”.

         Trong những ngày khởi công xây dựng nhà xưởng chế biến nước măng tây, Phương chạy như con thoi, vừa tất tả tìm thợ để hoàn thành nhà xưởng, vừa lo các thủ tục để kịp đưa máy móc về lắp ráp. Theo Phương, sau khi dây chuyền đi vào hoạt động mỗi giờ sẽ cho ra 1000 lít nước măng tây, tương đương với 300 kg măng nguyên liệu. Do vậy ngoài diện tích măng tây hiện có tại xã Điện Quang và các vùng lân cận, thời gian đến Phương sẽ liên kết với bà con nông dân nơi đây mở rộng diện tích trồng măng tây và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch.

Dù công việc hằng ngày khá vất vả, nhưng tranh thủ thời gian ít ỏi của mình chạy chiếc xe máy cà tàng hơn 50 cây số chăm sóc cha mẹ nay tuổi đã xế chiều và một mình Phương vừa làm bố, vừa làm mẹ nuôi dưỡng dạy bảo 3 đứa con còn nhỏ. Thấy mẹ sớm tối vất vả, các con Phương đều chăm ngoan, học khá giỏi.

      Dẫu con đường phía trước còn nhiều gian nan, thử thách nhưng những gì Phương làm được cho đến nay khiến người thân và những ai quan tâm đến trang trại của chị đều than phục và yên lòng.

Bí thư Đảng ủy xã Điện Quang, anh Lê Thành nhớ lại những ngày đầu tiên khi Phương có nhã ý thuê đất làm nông nghiệp tại địa phương, ông cũng không khỏi lo lắng, nhưng giờ đây với ý tưởng khá táo bạo và sự quyết tâm của Phương, khiến ông không khỏi nể phục và có ý nhân rộng mô hình này để tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

      Câu chuyện về quê khởi nghiệp của Đỗ Dương Đông Phương đã mang lại thông điệp rằng, không phải muốn làm giàu thì phải ly nông, mà điều quan trọng là mỗi người cần có một hoài bão, một mục đích và có một lối đi riêng cho mình để phấn đấu. Với Đỗ Dương Đông Phương, chị không chỉ khởi nghiệp cho bản thân mình mà quan trọng hơn là còn giúp nông dân thay đổi nhận thức trong việc tiếp cận với những giống cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo cho họ cơ hội làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương Gò Nổi anh hùng.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Số liệu thống kê chủ yếu năm 2023 thị xã Điện Bàn
Bổ nhiệm Phó Giám đốc Ngân hành Chính sách xã hội thị xã Điện Bàn
Hướng dẫn chăm sóc các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2024-2025 trong điều kiện rét lạnh
Điện lực Điện Bàn tổ chức vệ sinh công nghiệp cách điện
Bế giảng lớp nghề kỹ thuật pha chế đồ uống tại phường Điện Ngọc
Giải pháp nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong mùa Đông
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Điện Bàn tổ chức tập huấn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho cán bộ, hội viên
Hội Nông dân các địa phương đồng loạt ra quân diệt chuột
Dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng vụ Đông Xuân 2024 - 2025
PC Quảng Nam tri ân khách hàng năm 2024 với nhiều hoạt động thiết thực vì cộng đồng
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Phát triển nông nghiệp bền vững
Đồng bộ hạ tầng cụm công nghiệp
Gói gém hồn quê qua từng chiếc bánh
Nông dân Điện Bàn – nhiều hoạt động đón mừng Xuân mới năm 2022
Anh Nguyễn Chương vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của
Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn chuẩn bị các điều kiện phục vụ nước tưới cho vụ Đông Xuân
Làng nghề bánh tráng vào Xuân
Sát cánh cùng nông dân
Những nhà nông trẻ khởi nghiệp từ Nông nghiệp hữu cơ
Ngọt ngào thương hiệu sữa bắp Thu Bồn
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm