Vùng cát cháy bỏng Điện Ngọc năm nào, nay đã thành phường đô thị của Thị xã Điện Bàn. Là một trong những phường đông dân cư nhất thị xã, Điện Ngọc hôm nay đang từng ngày đổi mới, khang trang, nơi có khu công nghiệp (KCN) và khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, có hơn 70 dự án đô thị đã và đang xây dựng. Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, trong đó công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá lịch sử địa phương được quan tâm. Trên con đường nối dài từ thành phố Đà Nẵng vào đô thị cổ Hội An, tỉnh lộ 607A, tuyến đường Trần Hưng Đạo, tại ngã tư Điện Ngọc là khu công viên Tượng đài chiến thắng Những Dũng sĩ Điện Ngọc. Cùng với di tích Giếng Nhà Nhì, tượng đài chiến thắng là những địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục, phát huy truyền thống và kết nối trong hệ thống điểm đón khách của Thị xã.
Trận đánh lịch sử
Năm 1962, thực hiện chủ trương đồng khởi, phá vỡ thế kìm kẹp của địch ở đồng bằng, mở rộng vùng giải phóng, Đại đội đặc công của tỉnh, được giao nhiệm vụ về vùng cát Điện Bàn tạo điều kiện cho các xã Điện Nam - Điện Ngọc nổi dậy phá kìm, giành quyền làm chủ. Đội có 7 người, do đồng chí Lê Tấn Viễn (tức Lê Tấn Hiền) làm đội trưởng, Võ Như Hưng- đội phó và các đội viên gồm các đồng chí: Đặng Thật, Nguyễn Rìu, Nguyễn Sỹ, Trần Thọ, Trần Đại Nghĩa cùng 3 cán bộ của huyện Điện Bàn lúc đó, là các đồng chí Võ Tiến (tức Thụ)-Thường vụ Huyện ủy, Lê Tựu và Đặng Bảo Chí.
3 h sáng ngày 26/4/1962, đội công tác vượt sông Tứ Câu về tới Điện Ngọc. Không may, trong quá trình di chuyển, cả đội bị địch phát hiện. Đội công tác nhanh chóng quyết định rời khỏi cơ sở tạm trú, bám vào địa hình và sẵn sàng chiến đấu. 8h sáng, cả đội đến xóm Đập, thôn 3 Điện Ngọc, giáp với địch và bắt đầu nổ súng.
Trận đánh diễn ra trong sự chênh lệch lớn về lực lượng. Ta chỉ có 10 chiến sĩ, trang bị 8 tiểu liên, 2 súng ngắn, 2kg thuốc nổ TNT và mỗi chiến sĩ được trang bị 150 viên đạn và một ít lựu đạn. Địch điều động lực lượng đông gồm 1 đại đội biệt kích Nùng ở Non Nước kéo vào và từ Hội An lên. Thêm lực lượng tổng đoàn dân vệ, bảo an, trang bị vũ khí hiện đại và phương tiện thông tin liên lạc bao vây. Với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, “lấy vũ khí địch đánh địch”, “mỗi viên đạn một quân thù”, các chiến sĩ ta đã quần thảo đánh với địch tại nhiều điểm trên đất Điện Nam và Điện Ngọc. Chiều tối, địch dồn lực lượng bao vây, đội công tác di chuyển đến thôn 2 Điện Ngọc, trụ lại trong giếng cạn nhà bà Nhì. Lúc này, đội chỉ còn 6 đồng chí, trong đó đồng chí Tựu bị thương nặng. Địch dùng loa kêu gọi đầu hàng, vừa liên tiếp tổ chức các đợt tấn công vào giếng cạn. Hơn 4 tiếng đồng hồ, các chiến sĩ kiên cường chống trả. Địch dùng lựu đạn ném vào giếng, các anh chụp ném trả ra ngoài. Đồng chí Tựu, đồng chí Nghĩa hy sinh, đồng chí Rìu bị thương nặng. Đêm tối phủ xuống, địch rút lui. Các chiến sĩ dìu nhau vượt ra khỏi giếng cạn. Ngay trong đêm đó, các cơ sở mật của ta ở Thanh Thuỷ đã tiếp cận các chiến sĩ, thương binh và đưa các tử sĩ về nơi an toàn.

Với tinh thần chiến đấu anh dũng, đội công tác đã tiêu diệt gần 100 tên địch với vũ khí trang bị hiện đại, trong đó có tên Ty phó Ty công an tỉnh. Sau trận đánh vẻ vang mở màn cho phong trào đồng khởi, đ/c Lê Tấn Hiền được cử đi báo cáo thành tích tại quân Khu. Chiến công to lớn của đội công tác đã được Mặt trận dân tộc giải phóng Khu trung Trung bộ phong tặng danh hiệu Bảy dũng sĩ Điện Ngọc và tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Nhất. Liệt sỹ Võ Như Hưng và đội trưởng Lê Tấn Hiền sau này được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Diện mạo đô thị
Tiếp nối truyền thống quê hương anh hùng, Điện Ngọc hôm nay đang phát triển nhanh theo hướng hiện đại, đô thị hoá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng trưởng mạnh ngành thương mại – dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Đa phần nhân dân chuyển từ nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ đa dạng và chất lượng, tạo được thu nhập ổn định và nâng cao. Hàng năm có từ 400-500 lao động tại địa phương được nhận vào làm việc ổn định tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc và các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn. Thu nhập bình quân năm 2021 ước đạt 50 triệu đồng/người/năm. Phường không còn hộ nghèo, chỉ còn 04 hộ cận nghèo. Ngoài hai tuyến giao thông huyết mạch bắc – nam, đường Trần Hưng Đạo và đường Võ Nguyên Giáp ven biển, tuyến đường tỉnh lộ nối dài từ ngã ba Tứ Câu chạy qua Điện Ngọc, kéo dài đến biển và các trục đường Đông – Tây đã và đang xây dựng, trong đó có tuyến DH7 nối từ biển Viêm Đông đến quốc lộ 1A và kéo dài đến các khu vực phía Tây của Thị xã Điện Bàn với cây cầu bắc qua sông Vĩnh Điện sẽ tạo điều kiện khớp nối các trục giao thông của Điện Ngọc, trong đó có làng Ngân Hà lâu nay cách trở. Đường mới mở ra, cùng với các khu đô thị và các cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản đã tạo ra diện mạo phố phường đầy sinh khí trên vùng cát bỏng khô cằn năm xưa. Lĩnh vực văn hoá xã hội trên địa bàn phường Điện Ngọc cũng được chú trọng. Công tác xây dựng tuyến phố văn minh, phường văn minh đô thị, xây dựng gia đình, tộc họ văn hoá được quan tâm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Ngoài di tích quốc gia Giếng Nhà Nhì, trên địa bàn phường đã có thêm hai di tích được tỉnh công nhận, là di tích Bàu sen - Lăng bà làng Viêm Minh và di tích Căn cứ lõm vùng Đông Điện Bàn. Trong năm 2022, tỉnh tiếp tục đầu tư trùng tu tôn tạo di tích Giếng Nhà Nhì với kinh phí 1 tỷ đồng và Thị xã đầu tư chỉnh trang khu công viên Tượng đài chiến thắng Những dũng sĩ Điện Ngọc với kinh phí hơn 25 tỷ đồng…
Trên con đường phát triển, các di tích, tượng đài mãi là những chấm son lịch sử giữa lòng đô thị hiện đại, là gạch nối cho cháu con ngưỡng vọng về quá khứ hào hùng để vững vàng tiếp bước đến tương lai.