Nội dung chi tiết

Ông giáo kiên trung
Tác giả: Nguyễn Ngọc Tuấn .Ngày đăng: 01/02/2022 .Lượt xem: 1556 lượt. [In bài]
Xã Điện Phương nằm ở vị trí thuận tiện trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa với các địa bàn chung quanh nên trình độ dân trí được mở mang, trào lưu tư tưởng cách mạng theo chủ nghĩa Mác-Lênin sớm được tiếp thu trong một bộ phận nhân dân, nhất là trong giới giáo chức, giới thanh niên có học vấn. Một trong số các thanh niên yêu nước có điều kiện đi lại, tiếp xúc nhiều nơi, sớm được giác ngộ là đồng chí Lê Tuất (Giáo Tuất) .

Ông giáo Tuất sinh năm 1910 tại Làng Đông Khương, xã Điện Phương, năm 15 tuổi ông vào học tại trường Pháp-Việt Hội An, tham gia các phong trào của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1927, sau khi học sinh trường Pháp-Việt tại Hội An tổ chức để tang Cụ Phan Chu Trinh, ông giáo Tuất bị Ty giáo dục Quảng Nam theo dõi, rồi đuổi học và cấm không cho dự thi vì cho rằng ông "Trong nhóm cầm đầu các cuộc đấu tranh". Vốn tính ham học, cầu tiến bộ, ông giáo phải bỏ dở việc học, từ đó ông về nhà tìm gặp lại những người bạn thân, tranh thủ học thêm ở các bậc đàn anh đi trước. Thông qua việc học tập lẫn nhau, ông đã tiếp thu thêm nhiều trào lưu tư tưởng mới và tìm được hướng đi cho cuộc đời mình.

Gieo hạt

Năm 1929, ông giáo Tuất mở lớp dạy học tại xã Tân Mỹ Đông (Duy Xuyên) để tạo địa điểm liên lạc với số thanh niên cùng hoạt động và cũng để tạo môi trường tuyên truyền, giác ngộ lòng yêu nước cho học sinh và trong các bậc phụ huynh. Ông giáo Tuất cùng với một số anh chị em tham gia tổ chức “Nhóm đọc sách báo tiến bộ” tại địa phương.


   Năm 1930, sau khi Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam được thành lập, Tỉnh uỷ đã phân công cán bộ về Duy Xuyên kiểm tra các cơ sở cách mạng, xét thấy tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá tại Duy Xuyên qua các tổ chức “Nhóm đọc sách báo tiến bộ” đã có đủ điều kiện để phát triển Đảng cho các hạt nhân của phong trào. Để tiến hành thành lập chi bộ Đảng ở Duy Xuyên, Tỉnh ủy đã cử đồng chí Trần Đệ Quả (Tổ chức Tỉnh ủy) về Duy Xuyên hướng dẫn việc làm thủ tục kết nạp Đảng. Niềm vui lớn đánh dấu sự trưởng thành của ông giáo Tuất là tổ chức đã xem xét để kết nạp ông giáo Tuất vào Đảng Cộng sản.

Vào đêm 30 tháng 4 năm 1930, lễ kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Duy Xuyên được tiến hành trên một chiếc thuyền đậu trên sông Bà Rén, cạnh làng Tân Mỹ Đông. Đồng chí Trần Đệ Quả tuyên bố lý do và đọc Quyết định kết nạp các ông giáo Lê Tuất và 4 đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua Quyết định thành lập chi bộ, lấy tên là chi bộ Tân Mỹ Đông, do ông giáo Lê Tuất làm Bí thư chi bộ. Đây vừa là niềm vinh dự và cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất của ông giáo Tuất trên dòng sông quê hương.

Vinh dự lớn nhưng trách nhiệm cũng thật nặng nề, khó khăn. Hình ảnh "đêm trên sông Bà Rén" đã thôi thúc ông giáo Tuất vượt qua tất cả đế thực hiện lời tuyên thệ trước Đảng: "Suốt đời hy sinh phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng". Ông giáo Tuất ra sức chăm lo xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng. Sau sự kiện đó, các xã Mã Châu, Trà Kiệu, Đông Yên, Mỹ Xuyên cũng đều thành lập chi bộ Đảng. Do nhu cầu của tổ chức Đảng đang phát triến cả số lượng và chất lượng, ông giáo Tuất được cử làm Bí thư Phủ ủy Duy Xuyên (Bí thư Huyện ủy đầu tiên của Huyện Duy Xuyên) và được Tỉnh ủy phân công chịu trách nhiệm liên lạc với các đồng chí ỏ vùng Đông Điện Bàn và Quế Sơn để xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng.

Tấm gương kiên trung

Trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5/1930, ngoài việc phân công các chi bộ treo cờ búa liềm và rải truyền đơn ở các vùng Điện Bàn, Quế Sơn, ông giáo Tuất tham gia treo cờ ở cầu Bà Rén và Hương An. Sáng ngày 01/5/1930, truyền đơn, cờ đỏ búa liềm tung bay nhiều nơi, quần chúng rất tin tưởng. Trước khí thế sôi nổi, ông giáo Tuất và các đồng đội tranh thủ tố chức diễn thuyết, tuyên truyền cách mạng tháng Mười Nga và kêu gọi đồng bào ủng hộ phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Các hoạt động nói trên đã gây được niềm tin trong nhân dân.


   Một buổi chiều tháng 10 năm 1930, tên Lý trưởng làng Vân Quật nhặt được truyền đơn và tài liệu của ta đem nộp cho Phủ trưởng Phan Thành Kỹ (Duy Xuyên), chúng nghi vấn ông giáo Tuất là Bí thư Huyện ủy, nên đến nhà ông Xã Hơn, làng Tân Mỹ Đông, nơi ăn ở và dạy học của ông giáo Tuất. Trước tình thế hiểm nghèo, bà Nguyễn Thị Khuôn và cô con dâu là cơ sở cách mạng ở cùng xóm, đã bình tĩnh, khôn khéo giả vờ đi lấy nước cơm cho heo, gánh đôi vò đến nhà ông Xã Hơn chuyển số tài liệu bí mật của ông giáo Tuất đem đi nơi khác trước mặt bọn lính và mật thám, mà chúng chẳng hề hay biết. Soát nhà chúng chỉ tìm thấy 2 quyển sách cấm bằng tiếng Pháp, lấy cớ đó chúng bắt ông giáo Tuất đưa về giam tại nhà lao Quảng Nam. Chúng đã dùng mọi thủ đoạn để tra tấn, dụ dỗ và mua chuộc cũng không khai thác được gì ở ông giáo Tuất. Qua các cực hình dã man, dai dẳng nhiều ngày, chết đi sống lại, nhưng ông giáo Tuất không hề khai báo điều gì có liên quan đến tổ chức cách mạng. Chúng lại tiếp tục tra tấn dã man hơn, thâm độc hơn hòng tìm ở ông những điều bí mật của tổ chức Đảng nhưng không bao giờ khai thác được thông tin gì! Chúng chuyển ông giáo Tuất cùng đồng đội về nhà lao Hội An.

Nhà lao Hội An cũng như lao tỉnh, bọn cai ngục câu kết với cai thầu cắt xén phần ăn của tù và hà khắc với tù nhân. Ông giáo Tuất cùng anh em bàn cách tổ chức đấu tranh bằng nhiều hình thức. Ban đầu đấu lý với bọn cai thầu, cai ngục, đến tuyệt thực... Địch rất xảo quyệt, dùng nhiều thủ đoạn như tìm cách xoa dịu để tránh xảy ra xô xát, căng thẳng. Một cuộc đấu tranh có yêu cầu cao hơn, quyết liệt hơn: tuyệt thực dài ngày nổ ra. Đến ngày thứ bảy, anh em kiệt sức. Ông giáo Tuất bị đau nặng, anh em cố gắng gượng dậy đập vào vách, la hét đòi địch phải đưa ông đi cứu chữa. Tháng 8-1931, thực dân Pháp đày ông giáo Tuất cùng một số đồng đội đi Lao Bảo. Chấp nhận mọi thử thách cam go, ác liệt hơn tại địa ngục trần gian-nhà tù Lao Bảo, đến năm 1933, ông giáo Tuất ra tù và trở về địa phương tiếp tục hoạt động cách mạng.

Phát triển cơ sở cung cấp tài chính cho Đảng

Những năm trong nhà tù Lao Bảo, ông đã nung nấu ý chí, nung nấu niềm đam mê về gốm sứ nên sau khi rời nhà tù năm 1933, ông giáo Tuất có ý tưởng mở cơ sở sản xuất làm kinh tế cho Đảng và cũng để làm nơi hoạt động cách mạng. Địa điểm của cơ sở được chọn tại Việt An-Quảng Nam với tên gọi ban đầu là cơ sở Việt Quảng. Hoạt động của cơ sở nầy được giao cho ông giáo Tuất và Huỳnh Lắm phụ trách, chức năng chủ yếu là sản xuất và kinh doanh có lãi để cung cấp nguồn lực cho hoạt động cách mạng của Đảng bộ, ngoài ra còn chuẩn bị địa điểm an toàn để tiến hành các cuộc họp bàn bạc chủ trương, đường lối cách mạng.

Lò chén Việt Quảng nổi tiếng với chén, bát, đĩa xuôi ngược khắp các tỉnh thành miền Trung và cả nước. Lò chén Việt Quảng đổi tên, đổi chỗ nhiều lần để phù hợp với phong trào cách mạng. Hoạt động của lò chén ngoài việc bảo tồn và phát huy nghề làm gốm sứ truyền thống, tạo công ăn việc làm cho người dân còn là địa điểm liên lạc của Tỉnh uỷ và Xứ uỷ, cũng như tạo nguồn tài chính hợp pháp hổ trợ tích cực cho các tổ chức hoạt động bí mật của ta trong những năm kháng chiến chống Pháp đầy gian nan, thử thách. Lò chén Việt Quảng cũng đã ghi đậm dấu ấn của ông giáo Tuất về niềm đam mê mãnh liệt với gốm sứ. Năm 1980, Sở Công nghiệp Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) đã công nhận ông giáo Tuất là người làm sứ đầu tiên của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Trong cuốn “Buổi đầu gieo hạt” của đồng chí Lê Văn Hiến (nhà hoạt động cách mạng, nguyên Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng 1945) có ghi: “Để có cơ sở tương đối vững chắc hơn, Lê Văn Hiến cùng với đồng chí Lê Tuất (giáo Tuất), nghiên cứu khai thác mỏ cao lanh ở Tiên Phước. Sau khi xác định chất lượng cao lanh tốt và trữ lượng dồi dào, các đồng chí Lê Tuất, Huỳnh Lắm, Lê Văn Hiến chịu trách nhiệm xây dựng lò chén tại Việt An (Tiên Phước). Đồng chí Lê Tuất là người phụ trách chính về chuyên môn, kỹ thuật và quản lý lò chén. Việt Quảng sẽ là nơi tiêu thụ sản phẩm. Lò chén phát triển trở thành cơ quan cung cấp tài chính cho Đảng”.

    “Trời Nam riêng một cảnh con con.

Cơ sở xây trên núi mấy hòn.

Nung đúc lợi quyền, lò lửa đỏ.

Chăm lo sự nghiệp, tấm lòng son.”

 Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, ông giáo Tuất được phân công làm Chủ tịch Mặt trận Huyện Tiên Phước từ năm 1963 đến năm 1964. Sau ngày quê hương giải phóng, năm 1978 ông khôi phục lại lò chén ở Tiên Sơn đến năm 1980 ông giao lại cho Hợp tác xã ở địa phương quản lý; Năm 1980, Xí nghiệp sành sứ Thăng Bình mời ông về phụ trách kỷ thuật tạo mẫu cho nhà máy. Sau những năm 1980, có lúc tưởng chừng ông đã gục ngã vì bệnh tật, những cơn đau tái phát từ những trận đòn chí tử tại nhà lao Quảng Nam, nhà lao Hội An, nhà tù Lao Bảo đã khiến ông giáo ra đi mãi mãi vào tháng 3.1984.

Cuộc đời và hoạt động cách mạng của ông giáo Tuất gắn liền với những chặng đường cách mạng của quê hương. Sau những lần ra tù hoặc hoạt động ở nơi khác, ông giáo Tuất lại trở về địa phương (Đông Khương) để tập hợp, tổ chức lực lượng nòng cốt cho các phong trào cách mạng của quê nhà. Tinh thần đấu tranh kiên trung bất khuất của ông giáo Tuất đã để lại tình cảm và nhiều ấn tượng tốt đẹp đối vối nhân dân, là tấm gương sáng để các thể hệ hôm nay và mai sau học tập.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Chương trình “Em làm chiến sĩ tí hon”
Lan toả phong trào học sinh làm thiện nguyện tại thị xã Điện Bàn
UBND thị xã tổ chức tuyên dương khen thưởng năm học 2023 – 2024
Trường THPT Nguyễn Khuyến ra mắt mô hình “Tổ tự quản phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường”
Hưởng ứng Ngày Quốc tế người khuyết tật
UBND thị xã trao giải thưởng Phạm Phú Thứ - Điện Bàn lần thứ 8, năm 2024
Vun đắp truyền thông hiếu học ở làng Thanh Quýt
Trường THPT Hoàng Diệu ra mắt mô hình Dân vận phòng chống ma túy
Phường Điện Thắng Trung tổ chức khánh thành, bàn giao bể bơi trường Tiểu học Lê Tự Nhất Thống
Trường THPT Phạm Phú Thứ tổ chức hội thi giáo viên giỏi cấp trường
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Chương trình “Xuân yêu thương” của Liên đội Nguyễn Bá Ngọc
Tuyên dương học sinh nhặt được 20 triệu đồng trả lại người mất
Trao 25 suất học bổng cho học sinh trường THCS Nguyễn Văn Trỗi
Hội Khuyến học thị xã Điện Bàn tổ chức tổng kết công tác năm 2021
Chi hội Khuyến học trường THCS Trần Qúy Cáp thực hiện tốt công tác khuyến học khuyến tài
Hội Khuyến học xã Điện Phước tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kì 2021-2026
Mái ấm gieo hy vọng
Ông giáo già làng Thanh Quýt
Thầy giáo làm Tổng phụ trách Đội đến khi… về hưu!
Giải thưởng Phạm Phú Thứ - Điện Bàn, chặng đường 5 năm vinh danh
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm