Nội dung chi tiết

NGƯỜI ĐÓNG NẮP HẦM
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 05/03/2009 .Lượt xem: 5657 lượt. [In bài]

HỮU DŨNG

Đêm đêm, dưới ánh đèn dầu tù mù, chồng cần mẫn với tiếng đục, tiếng cưa gỗ ván làm nắp hầm bí mật, vợ ngồi canh chừng bọn dân vệ, ngụy tề rình rập. Đó là hình ảnh của vợ chồng bác Nguyễn Bá Trí, một trong những gia đình bám trụ ở làng Thanh Quýt, Điện Thắng, Điện Bàn.

Bác Nguyễn Bá Trí, sinh năm Ất Mão-1915, trong một gia đình nông dân nghèo. Nhà bác ở cạnh chùa làng . Đây là ngôi chùa có tự thuở lập làng Thanh Quýt. Thời chống Mỹ, chùa là nơi chở che cho bao người con của làng đi làm cách mạng. Đó cũng là nơi bộ đội, du kích chọn làm địa điểm dừng chân, trú quân. Và cũng ở nơi đó, trong đêm đen của cách mạng miền Nam, khi Mỹ-Diệm thực hiện luật số 10/59, hàng trăm người dân vô tội của làng, những gia đình có thân nhân đi kháng chiến đã bị giặc bắt đến khảo tra, bắt đội đèn sám hối, tố cộng, cải huấn...

Nguyễn Bá Trí sớm giác ngộ cách mạng, tham gia Nông hội đỏ và sau đó tham gia cướp chính quyền vào mùa Thu cách mạng Tháng Tám-1945. Sau năm 1954, nước nhà bị chia cắt, mặc dù sống trong cảnh bị kiềm kẹp nhưng Bác Trí vẫn một lòng thuỷ chung với cách mạng. Cụ Trương Công Chung, người cùng thôn, là bạn vong niên của Bác trí nhớ lại: “Anh Trí là một trong những người hăng hái tham gia những công việc cách mạng giao cho. Như trong chiến dịch Mậu Thân - 1968, tổ chức phân công anh Trí che giấu 5 phuy xăng dầu để tiếp viện tấn công vào thành phố Đà Nẵng . Bấy giờ, Điện Thắng là vùng xôi đậu, ngày quốc gia, đêm cộng sản. Vì vậy, che giấu được 5 phuy xăng dầu là việc không đơn giản. Tuy nhiên, cật lực suốt đêm, anh Trí đã dùng cuốc xẻng đào bới để chôn giấu an toàn số xăng dầu ấy.

Cũng trong chiến dịch Mậu Thân, khi bộ đội chủ lực đang hành quân theo đường Phong Lục Đông tiến về hướng Đà Nẵng thì cầu An Thanh bị hỏng  . Anh Trí đã vận động nhân dân và chính anh cưa tre để khẩn trương bắt cầu qua sông, nay gọi là cầu Hạt. Vào trận lụt năm 1970, tôi và anh được giao nhiệm vụ dùng ghe chở cán bộ huyện lên “xóm Chín chủ”, tôi bơi mủi, anh cầm lái. Nhờ hiểu rõ ngọn ngành con nước cũng như sự rình rập của kẻ thù, anh Trí lái ghe luồn lách trong các ngã xóm, đưa được cán bộ đến nơi chốn an toàn.

Ông Trương Công  Sơn, nguyên xã Đội phó xã Điện Thắng trong những năm chống Mỹ kể rằng, trong những năm 1968-1972, ông và các đồng chí: Lê Công Tri- bí thư Đảng uỷ xã, Nguyễn Hữu Dự- thôn đội trưởng từng trú ẩn ở trong hầm bí mật vườn nhà bác Trí. Căn hầm đó, sau có đồng chí Phục, Tỉnh uỷ viên cũng về ở. Hầm bí mật do chính bác Trí trực tiếp bảo vệ. Sáng nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, bác Trí cũng dùng lá tre khô che phủ miệng hầm rất kỹ, không để địch soi tìm được dấu vết. Nhờ đó, suốt một thời gian dài, hầm bí mật và tấm lòng của bác Bác Trí đã chở che cho anh em hoạt động an toàn, hiệu quả. Năm 1972 là năm ác liệt ở vùng quê Điện Thắng, bọn giặc càn đi, xới lại năm lần bảy lượt hòng tiêu diệt tận gốc cơ sở cách mang. Lúc này, tại xóm trên Thanh Quýt, chỉ có 3 gia đình được cách mạng tin tưởng, trong đó có gia đình bác Trí. Bác Trí không chỉ bảo vệ hầm bí mật trong vườn mà còn lo cơm nước cho cán bộ cách mạng địa phương ở hầm bí mật ngoài gò mã phía trước nhà. Và đêm đêm, bác thức để làm nắp hầm bí mật phục vụ cho công tác đào công sự, hầm bí mật ở vùng quê Điện Thắng và cả ở Điện Ngọc, Điện An, Điện Hoà. Nắp hầm bí mật do bác Trí đóng rất chắc chắn, gỗ tốt, phù hợp với nhiều dạng hình thể, loại đất.

Bác Trí có hai người con sớm thoát ly gia đình, tham gia cách mạng, đó là anh Nguyễn Bá Biên và chị Nguyễn Thị Tình. Biên đi cách mạng năm 17 tuổi. Tình là con gái út, làm cán bộ binh vận. Một chuyến công tác, không may Tình rơi vào ổ phục kích của giặc và đã anh dũng hy sinh ở tuổi 20. Mất con, nỗi đau của bác Trí như chất chồng khi chính mình cũng bị giặc bắt. Năm 1971, do có người chỉ điểm, bác Trí bị địch bắt đưa vào nhà lao Vĩnh Điện, sau đó chuyển xuống lao Hội An. Suốt 3 tháng trong tù ngục kẻ thù, ở tuổi 60 bác Trí vẫn phải chịu đủ cực hình tra tấn của địch, từ châm điện, uống nước ớt, xà phòng, đi tàu bay, tàu ngầm...Với tấm lòng trung kiên, bác Trí nghiến răng chịu đựng đòn tra, bảo vệ được cơ sở cách mạng, và không moi được gì, kẻ thù phải thả bác về.

Về lại địa phương, bác Trí tiếp tục tham gia hoạt động cho đến hoà bình. Đến năm 1993, vì tuổi cao sức yếu, lâm trọng bệnh, bác Trí đã đi xa... Ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bác Trí đã được Nhà nước tặng thưởng Huân Chương kháng chiến hạn Ba.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
PHÙ SA CÁCH MẠNG
VƯỢT NGỤC
TRONG CHIẾC NÔI TỘC HỌ, XÓM LÀNG
TRONG BÓNG CỜ SON
THUỶ CHUNG MỘT LÒNG VỚI CÁCH MẠNG
THÂN TÙ XƯA
TẶNG ANH TÀO VĂN HÀO
PHÙ SA CÁCH MẠNG
Các tin cũ hơn:
NGƯỜI CON GÁI MẸ THỨ
NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI
LIỆT SĨ PHÚ QUỐC
KÝ ỨC NGÔ ĐÌNH HẠNH
HỌC THƠ TRONG HẦM ĐÁ
HÃY GẮNG VƯỢT QUA NỔI ĐAU!
HAI ANH EM, MỘT CHÍ KHÍ KIÊN CƯỜNG
GIỮA NANH VUỐT KẺ THÙ
GIỮ VỮNG ĐƯỜNG DÂY
CHUYỆN VỀ HAI BÀ MẸ Ở ĐIỆN QUANG
    
1   2   3   4  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm