Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND thị xã - Nguyễn Minh Hiếu đã gửi lời chúc sức khoẻ, lời chúc mừng năm mới đến tất cả các doanh nghiệp, cơ sở thuộc lĩnh vực công nghiệp nông thôn, làng nghề, du lịch và làng nghề truyền thống trên địa bàn thị xã. Đồng chí ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao vai trò to lớn của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề trong việc nỗ lực cùng với các cấp, các ngành phấn đấu đưa ngành công nghiệp của thị xã Điện bàn ngày càng phát triển. Đồng chí Phó chủ tịch UBND thị xã khẳng định mục đích, ý nghĩa của buổi gặp mặt đầu xuân và bày tỏ mong muốn đây cũng là dịp để các cơ quan chức năng của thị xã nắm bắt những khó khăn, thách thức, những vấn đề doanh nghiệp quan tâm để cùng chung sức tạo môi trường thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và định hướng thu hút đầu tư của thị xã; lắng nghe các doanh nghiệp hiến kế về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề trên địa bàn. Giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2021 thực hiện 13.228 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 92% so với KH; tăng 1,06% so cùng kỳ năm trước. Trong đó Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc thực hiện được 10.568 tỷ đồng, tăng 0,32% so với cùng kỳ; công nghiệp địa phương thực hiện 2.860 tỷ đồng, tăng 3,84% so với cùng kỳ. Hiện, toàn thị xã có 2.380 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh. Trong đó cơ sở sản xuất công nghiệp cá thể phân tán tại các địa phương là 2.099 cơ sở. Số lao động ngành công nghiệp là 34.096 lao động, trong đó lao động công nghiệp khu vực cá thể 3.310 lao động.
Đến nay toàn thị xã có 04/06 làng nghề được UBND tỉnh công nhận còn hoạt động đó là: Làng nghề Đúc đồng Phước Kiều, Làng nghề chiếu chẻ Triêm Tây, Làng nghề bánh tráng Phú Triêm và Làng nghề nước mắm Hà Quảng; năm 2016 UBND tỉnh công nhận 02 nghề truyền thống đó là: mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp và mỹ nghệ đất nung Lê Đức Hạ. Một số cơ sở tiểu thủ công nghiệp vẫn duy trì và hoạt động tốt như Cơ sở mây tre Lê Viết Tới (Điện An), Công ty TNHH gỗ nghệ thuật Âu Lạc, Cở sở chạm khắc gỗ Lạc Việt, Cơ sở gỗ mỹ nghệ Gò Nổi (Điện Phong), Cở sở gỗ mỹ nghệ Uy Long, cơ sở gỗ nghệ thuật Lạc Việt, các cơ sở sản xuất lồng đèn…các cơ sở này đã thu hút trên 358 lao động nông nhàn, đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của thị xã, đem lại thu nhập đáng kể cho người lao động. Số làng nghề có chứng nhận sản phẩm OCOP: Có 2 làng nghề có chứng nhận sản phẩm OCOP gồm: Nước mắm Hà Quảng và đúc đồng Phước Kiều, có 03 sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 03 sao. Có 10 cơ sở công nghiệp nông thôn có chứng nhận sản phẩm OCOP, với 02 sản phẩm được công nhận 04 sao và 13 sản phẩm được công nhận 03 sao.
|