“Trao cần câu chứ không trao con cá”
Một trong những giải pháp hỗ trợ sinh kế hoạt động hiệu quả đó là mô hình tổ hợp tác chị em tương trợ thoát nghèo. Mô hình này gắn với các hoạt động trao phương tiện sinh kế, vay vốn, hỗ trợ việc làm…sức lan tỏa mô hình này hiện phát triển mạnh cả về số lượng lẫn hiệu quả hoạt động, thể hiện rõ nét vai trò “bà đỡ” trong việc giúp phụ nữ thoát nghèo, có công việc, thu nhập ổn định góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn xã Điện Thọ.

Chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Kỳ Lam chồng mất, một mình nuôi 3 con nhỏ, trong đó có một cháu khuyết tật, nay nhận con bò giống trị giá 17 triệu đồng, chị Hà mừng khôn xiết. Chị nói: “Tôi ở nhà làm nông, nhiều khi vườn đầy cỏ nhưng mong có bò cho ăn cũng không được. Giờ được nhận con bò nuôi, mừng lắm”. Không chỉ riêng chị Hà, nhiều phụ nữ khác cũng bày tỏ sự xúc động, biết ơn các nhà hảo tâm cũng như sự kết nối của Hội LHPN xã Điện Thọ.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lân – Chủ tịch Hội LHPN xã Điện Thọ cho biết: “Chúng tôi xem xét nguyện vọng của từng hội viên để trao sinh kế phù hợp nhất. Hi vọng những hộ phụ nữ đăng ký thoát nghèo, cận nghèo sẽ sớm phát triển kinh tế gia đình. Đó cũng là điều chúng tôi muốn hướng đến. Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục rà soát hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, chú trọng tạo việc làm, tặng phương tiện sinh kế. Hỗ trợ theo cách “trao cần câu chứ không trao con cá”, mỗi người được giúp đỡ đều phải chủ động, có ý chí thoát nghèo dựa trên sức lao động của bản thân và gia đình, không trông chờ, ỷ lại.
Tranh thủ nhiều nguồn lực sẵn có
Cùng với các mô hình hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững ở cơ sở, Hội LHPN xã Điện Thọ còn tranh thủ phát huy các nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, nguồn vốn xoay vòng giúp nhau giảm nghèo là giải pháp hiệu quả trong những năm qua. Dù nguồn vốn còn khiêm tốn, số phụ nữ nghèo được tiếp cận vốn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nhưng với cách làm hiện tại, các chi hội phụ nữ thôn đã từng bước giải quyết nhu cầu tài chính nhỏ, phù hợp đặc điểm đa số phụ nữ nghèo nông thôn, giúp các chị hạn chế nguy cơ sa vào “tín dụng đen”, vay nặng lãi, phát triển các mô hình sản xuất nhỏ phù hợp để phụ nữ nghèo tham gia .
Xã Điện Thọ được mệnh danh là “làng nấu ăn” khi có đến hơn 300 dịch vụ ẩm thực do hội viên phụ nữ làm chủ trên toàn xã. Nắm bắt được nhu cầu cần thiết, Hội LHPN xã thường xuyên mở lớp nghề kỹ thuật chế biến các món ăn, lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm giúp chị em nâng cao tay nghề để phát triển tốt hơn dịch vụ của mình. Từ các lớp học này, rất nhiều phụ nữ mạnh dạn đầu tư dịch vụ nấu đám. Điển hình trong số đó phải kể đến chị Lê Thị Thêu ở thôn La Huân. Trước đây, hoàn cảnh chị Thêu thuộc diện khó khăn ở địa phương, hằng ngày chị đi phụ rửa chén và phục vụ cho các dịch vụ nấu đám, kiếm tiền nuôi 2 con ăn học. Sau khi được Hội LHPN xã Điện Thọ động viên, chị Thêu đã tham gia lớp học nấu ăn, sau đó vay vốn 50 triệu đồng sắm dụng cụ rồi mở dịch vụ nấu đám. Chị Thêu nói: “Lâu nay tôi đi làm thuê, cuộc sống bấp bênh vì thu nhập không ổn định. May sao mấy chị em hỗ trợ, động viên cho tôi có thêm động lực, tôi mới có ngày hôm nay. Tôi đã làm chủ, biết cách làm ăn vươn lên thoát nghèo!”.
Có thể khẳng định, các mô hình sinh kế của hội viên hội phụ nữ xã Điện Thọ bước đầu đem lại kết quả quan trọng. Đây chính là động lực để chị em phụ nữ nghèo tự thân nỗ lực, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
|