Quỹ Hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả
Phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân thị xã Điện Bàn đã chủ động lựa chọn những mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai thực hiện trong đó ưu tiên phát triển mô hình hỗ trợ nông dân nuôi bò 3B để thoát nghèo.
Đến thăm mô hình trồng cỏ nuôi bò 3B của ông Phạm Văn Hòa ở thôn Tân Bình, xã Điện Trung, được ông cho biết, được vay vốn với lãi suất ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân mà ông đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi bò của gia đình.
"Trước đây tôi chỉ nuôi 5-7 con bò cỏ, từ ngày được vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân tôi đã có vốn để chuyển đổi mô hình sang nuôi bò 3B cho hiệu quả cao hơn. Đến nay, cơ ngơi của tôi là đàn bò 3B 20 con mỗi lứa, cùng với 1,5ha rau ngót, ngoài ra tôi còn trồng thêm rau sạch, ớt. Mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình tôi lãi hơn 200 triệu đồng…", ông Hòa phấn khởi.
Ông Hòa cho biết thêm, ông luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Hội Nông dân thị xã Điện Bàn và xã Điện Trung, tiếp thêm động lực để ông nỗ lực vươn lên. Đồng thời đóng góp xây dựng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của xã, giúp các hội viên khác có điều kiện được vay vốn đầu tư sản xuất...
Ông Đặng Hữu Tú - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn cho biết: Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã Điện Bàn đã trở thành địa chỉ tin cậy, trợ giúp hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn thị xã có điều kiện phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững tại nhiều địa phương. Đặc biệt, quỹ ưu tiên đối với những hộ có tinh thần trách nhiệm, có nhân lực và điều kiện để phát huy hiệu quả nguồn vốn. Ngoài ra, Hội Nông dân thường xuyên phối hợp với các ban, ngành của thị xã mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, Hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của hội viên, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả.
Đàn bò 3B lớn nhất tỉnh
Không khó để bắt gặp lối chăn nuôi bò truyền thống trên những ruộng đồng, đồi cỏ tại thị xã Điện Bàn. Hình ảnh những chú bò được chăn dắt, thả ăn trên đồng như một phần kí ức tuổi thơ khó quên của nhiều đứa trẻ vùng nông thôn nơi đây.
Ông Dương Phú Nam ở thôn Triêm Nam xã Điện Phương cho biết, cách đây một năm ông “bắt tay” với HTX chăn nuôi bò công nghệ cao Gò Nổi thực hiện mô hình nuôi bò 3B có xuất xứ từ Bỉ với số lượng 4 con. Ngoài việc được hướng dẫn xây dựng chuồng trại và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, HTX còn chịu trách nhiệm cung ứng bò giống cũng như nguồn thức ăn. Lúc đầu, 1 con bò 3B có trọng lượng khoảng 150kg hơi và giá mua từ 22–24 triệu đồng.
Tính ra bình quân 1 con bò 3B trưởng thành cho ông nguồn thu nhập khoảng trên 50 triệu đồng, trừ chi phí, mỗi con bò 3B cho lãi ròng 20 triệu đồng, cao gấp 2–3 lần so với trước đây nuôi giống bò của Thái Lan hoặc bò cỏ vàng địa phương. Hiện nay ông Nam liên kết với HTX thả nuôi mới 5 con bò 3B của Bỉ và 2 con bò Charolais có nguồn gốc từ Pháp. Ông hy vọng mô hình này sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả cao.
Ông Ngô Trọng Hoàng – Giám đốc HTX chăn nuôi công nghệ cao Gò Nổi cho hay, đơn vị đang gấp rút xây dựng trang trại nuôi bò theo phương thức sử dụng đệm lót sinh học với diện tích 2ha tại thôn Bến Đền xã Điện Quang. Sau khi hoàn thành xây dựng trang trại sẽ tiến hành thả nuôi khoảng 200 con bò ngoại cao sản gồm 2 loại giống là 3B và Charolais. Trang trại này là mô hình trình diễn để người dân vùng Gò Nổi và các địa phương khác đến tham quan, học tập quy trình chăn nuôi theo hướng áp dụng công nghệ cao.
Cùng với việc hình thành trang trại, từ đầu năm 2020 HTX chăn nuôi bò công nghệ cao Gò Nổi sẽ hướng dẫn người dân các xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang xây dựng hệ thống chuồng trại sử dụng đệm lót sinh học và chuyển giao rộng rãi kỹ thuật chăn nuôi – thú y. Đồng thời đơn vị xúc tiến ký hợp đồng liên kết nuôi bò cao sản 3B và Charolais theo chuỗi giá trị với khoảng 2.000 hộ dân ở 3 xã thuộc vùng Gò Nổi.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 5 ngàn con bò 3B, trong khi đó, số lượng bò 3B ở thị xã Điện Bàn chiếm hơn một nữa, khoảng 2,5 nghìn con, người dân nuôi nhiều nhất ở các xã Gò Nỗi. Hộ nuôi ít nhất vài chục con, hộ nuôi nhiều lên đến 300 con, mỗi con bò sau khi nuôi 12 tháng có thể đạt trọng lượng đến 600 kg, sau khi trừ chi phí mỗi gia trại có thể lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm. Để khuyến khích người dân phát triển đàn bò 3B, chính quyền thị xã Điện Bàn tạo điều kiện cho người dân, tổ hợp tác, HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi các tổ chức tín dụng, hỗ trợ 30 – 50% kinh phí mua con giống, máy băm cỏ và chi phí thức ăn trong 6 tháng.