Nội dung chi tiết

Giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ngành Công nghiệp -Thương mại trong giai đoạn sắp đến
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 08/06/2010 .Lượt xem: 7145 lượt. [In bài]

-Trần Úc-

Cùng với sự nổ lực của Đảng bộ, nhân dân và các doanh nghiệp, sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp các ngành, mục tiêu xây dựng huyện công nghiệp đã cơ bản hoàn thành.


Công nghiệp – Thương mại - Dịch vụ (CN-TM-DV) phát triển góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tạo ra mạng lưới hạ tầng kinh tế khá vững chắc và tương đối đều khắp trên địa bàn huyện, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tạo tiền đề quan trọng để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa.

Trong 5 năm đến, ngành CN-TM huyện nhà đang có những cơ hội phát triển nhanh hơn nữa: Khu CN Điện Nam-Điện Ngọc lấp đầy với những doanh nghiệp quy mô lớn sẽ tạo thêm nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ. Đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc tiếp tục đầu tư theo quy hoạch Chính phủ phê duyệt và theo định hướng Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với nhiều Khu Thương mại, Khu công nghệ và các Trung tâm Giáo dục – Đào tạo. Khu Du lịch ven biển đang được tỉnh lựa chọn các đối tác có năng lực để đầu tư. Nhiều dự án quy mô lớn như Đường cao tốc Đà Nẵng-Dung Quất, nâng cấp Quốc lộ 1A, dự án mở rộng tỉnh lộ ĐT 603, 607, 608, 609 sẽ triển khai tạo nên những không gian lý tưởng để phát triển đô thị và các ngành CN-DV. Về phía huyện, hạ tầng các cụm CN Trảng Nhật 1,2, Thương Tín 1 cơ bản hoàn thành; dự án Khu phố chợ Vĩnh Điện, Bãi biển Hà My, đường ĐH 9 và nhiều dự án khác đang khẩn trương thi công tạo nên điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh cơ hội phát triển như nêu trên, ngành Công nghiệp-Thương mại huyện Điện Bàn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua:

- Sản xuất công nghiệp tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng thiếu bền vững; chưa hình thành mối liên kết giữa các Khu và Cụm CN; CN trong nông nghiệp-nông thôn phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán; CN chế biến chậm phát triển; sản phẩm làng nghề truyền thống đơn lẻ, chất lượng và thương hiệu thiếu sức cạnh tranh.

- Nguồn lực huy động đầu tư phát triển CN-TM tuy có nhiều giải pháp tích cực nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Công tác đền bù, GPMB, tái định cư vẫn còn nhiều vướng mắc. Tiến độ thực hiện một số dự án hạ tầng kỹ thuật chậm kéo theo sự chậm trễ và mất cơ hội để doanh nghiệp xúc tiến đầu tư sản xuất kinh doanh.

- Môi trường đầu tư của tỉnh Quảng Nam có cải thiện nhưng chưa thật hấp dẫn(1). Một số cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư đã ban hành nhưng chưa thực hiện triệt để, chưa tạo sự thống nhất chung, gây lo ngại cho nhà đầu tư. Giá đền bù theo Nghị định 69 cao gấp 4-5 lần so trước đây, khó thuyết phục doanh nghiệp bỏ vốn ứng trước để GPMB.

- Hoạt động TM-DV trên địa bàn có phát triển nhưng thiếu tính quy hoạch. Mặc dù sức mua đã tăng nhưng các trung tâm thương mại chưa được đầu tư xây dựng theo kịp sự phát triển của thị trường. Trong khi đó, hầu hết hệ thống chợ trên địa bàn xây dựng bán kiên cố cách đây trên 10 năm quy mô nhỏ, phân tán, cơ sở vật chất thiếu thốn, không đồng bộ. Mô hình quản lý chợ lạc hậu, năng lực quản lý của các Ban QL chợ hạn chế.

- Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp chưa đảm bảo theo kịp sự phát triển, nhất là ngành công nghệ cao, ngành dịch vụ du lịch. Phần lớn lao động làm việc tại các Khu, Cụm CN-DL các doanh nghiệp phải tự đào tạo lại.

- Tình trạng ô nhiễm môi trường về khí thải, chất thải rắn và lỏng tại các Cụm CN-TM-DV Nam Dương, Thương Tín, An Lưu ... chưa giải quyết triệt để ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân khu vực xung quanh.

            Trước thời cơ và thách thức nêu trên, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng ngành Công nghiệp từ 20-22% và ngành Dịch vụ từ 22-23%, phấn đấu đưa huyện trở thành thị xã vào năm 2015 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra, phải thực hiện hệ thống các giải pháp một cách quyết liệt và đồng bộ nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút đầu tư phát triển ngành CN-TM, cụ thể là:

Một là, khẩn trương hoàn thành lập đồ án Quy hoạch chung đô thị Điện Bàn (khớp nối với Đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc) vào cuối năm nay nhằm định hình không gian đô thị từ Đông sang Tây theo cơ cấu kinh tế CN-DV-NN. Gắn kết chuỗi đô thị liên hoàn dọc theo Quốc lộ 1A từ Điện Phương đến Điện Thắng Bắc với không gian phát triển của các thị tứ dọc tuyến ĐT 608, 609, 610B và mạng lưới 26 Cụm CN-TM-DV đang điều chỉnh. Khi QH chung được duyệt, tuỳ theo điều kiện nguồn lực và lợi thế phát triển, từng bước tiến hành QH chi tiết 1/500 gắn với đầu tư hạ tầng tạo thêm nhiều mặt bằng theo hướng ưu tiên phát triển TM-DV, ưu tiên ngành CN sạch, CN phụ trợ, CN giải quyết nhiều lao động và hướng tới công nghệ cao để doanh nghiệp lựa chọn đầu tư.

Việc lập và triển khai thực hiện QH đô thị phải gắn kết với quy hoạch nội bộ ngành dịch vụ. Bố trí hợp lý không gian các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; ưu tiên các dịch vụ tài chính, ngân hàng, giáo dục- đào tạo, truyền thông, đồng thời bố trí lại các ngành kinh doanh dịch vụ có kiều kiện như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán bar, karaoke... tránh phát triển tràn lan trong các khu dân cư như hiện nay.

Hai là, ngoài việc phối hợp cùng Đô thị mới và BQL Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và kêu gọi lấp đầy; huyện tiếp tục đầu tư Cụm CN -TM-DV Thương Tín 2, Phong Nhị, Trà Kiểm, Trảng Nhựt 2, Bãi tắm Hà My, Bãi tắm Viêm Đông ... tạo mặt bằng sạch cho doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời BQL Cụm CN sẽ chủ động kiểm tra và đề xuất các biện pháp giải quyết tình trạng sử dụng lãng phí đất tại một số DN tại Cụm CN Trảng Nhật 1 và 2.

Một số Cụm CN-TM-DV có lợi thế như Thương Tín 2, Phong Nhị, Trà Kiểm, Viêm Đông... tiếp tục thực hiện chủ trương kêu gọi DN tự bỏ vốn đầu tư kể cả phần kết cấu hạ tầng và kiến nghị tỉnh có cơ chế huyện thụ hưởng 50-100% tiền thuê đất (thuê 50 năm nộp 1 lần) để có nguồn đầu tư kết cấu hạ tầng các Cụm CN-TM-DV khác.

Ba là, các cấp, các ngành phải kiên trì và nhất quán trong xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 09/NQ-TU của Tỉnh ủy và Quyết định 553/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam:

- Minh bạch hóa thông tin bằng cách phổ biến các văn bản pháp quy, thông qua kết nối website của huyện với cổng giao tiếp điện tử của tỉnh để doanh nghiệp tiếp cận về hồ sơ thủ tục, công khai giá đất, cơ chế ưu đãi, lợi thế so sánh khu vực, quy trình và thời gian giải quyết thủ tục đầu tư từ khâu thỏa thuận điểm cho đến đến cấp bìa đỏ, nộp thuế... Hoàn thiện và nâng cấp phần mềm Quản lý hồ sơ “một cửa”; cài đặt phần mềm triển khai việc đăng ký kinh doanh hộ cá thể qua website của huyện. Riêng Phòng Công Thương đang đăng ký 2 đề tài khoa học về “ Ứng dụng GIS để quản lý quy hoạch các Cụm CN-TM-DV” và “Quản lý công trình hạ tầng bằng kỹ thuật số” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đo vẽ trích lục thỏa thuận điểm, lập hồ sơ GPMB và giao đất.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính đi đôi với đổi mới tác phong làm việc, phương pháp làm việc, tư duy và kỹ năng giao tiếp của đội ngũ cán bộ, công chức một cách chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với yêu cầu hội nhập và phát triển. Cơ quan hành chính các cấp phải nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” ; cung cấp thông tin, thực hiện và kiểm soát việc thực hiện các giao dịch hành chính của nhà đầu tư. Gắn vai trò trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng cơ quan và cán bộ tác nghiệp trong thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính đi đôi với đổi mới tác phong làm việc, xem đây là một trong những nội dung cụ thể của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- Kiện toàn công tác quản lý các Cụm CN-TM-DL theo hướng chuyên môn hóa; sớm hình thành Trung tâm phát triển cụm CN thay thế cho mô hình BQL các Cụm CN-DL theo Quy chế quản lý Cụm CN ban hành theo Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 39/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong suốt quá trình tiếp cận nghiên cứu, xúc tiến và thực hiện dự án đầu tư.

Bốn là, để kêu gọi đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch, trong thời gian đến tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp-Làng nghề Đông Khương, qua đó rút kinh nghiệm cho các làng nghề khác. Chủ động xây dựng và trình phê duyệt các dự án đầu tư phát triển làng nghề nhằm tranh thủ nguồn vốn khuyến công của tỉnh và trung ương. Thực hiện có hiệu quả việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu tập thể từ nguồn khoa học công nghệ. Tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần các hội chợ triển lãm làng nghề, hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp CN-TM và làng nghề tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, khu vực và quốc tế để DN có điều kiện tiếp cận với thị trường bên ngoài. UBND huyện sớm sơ kết Đề án phát triển du lịch, xác định sản phẩm du lịch tiềm năng, lợi thế để có chính sách phát triển tăng tốc trong giai đoạn mới.

Kiến nghị tỉnh, trung ương xem xét lại giá đền bù đối với dự án phát triển làng nghề, dự án phúc lợi công cọng; có cơ chế hỗ trợ riêng để xây dựng doanh nghiệp đầu đàn cho mỗi ngành nghề, nhóm ngành nghề để làm đòn bẩy, động lực cho sự phát triển.

Năm là, để đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp-TTCN trong NN-NT, các địa phương cần rà soát lại mặt bằng không sử dụng (trường học, HTX, nhà đội SX...) để cho các DN thuê mở phân xưởng sản xuất. Ngành Công Thương chủ động phối hợp cùng ngành nông nghiệp, các HTX có trồng cây công nghiệp, cây thực phẩm (dọc sông Thu Bồn) tổ chức các đợt tham quan, nghiên cứu và tìm kiếm thị trường trong nước; tổ chức phát triển ngành nghề chế biến nông sản thực phẩm quy mô hộ, nhóm hộ như chế biến tương ớt, đậu nành, dầu đậu phụng... Là vùng chuyên canh giống lúa, các HTX NN cần nghiên cứu hình thành Công ty kinh doanh giống thay cho chức năng gia công sản xuất cho các công ty giống bên ngoài như hiện nay.

Sáu là, thông qua khảo sát thực trạng chợ, ngành Công Thương chủ động xây dựng Đề án phát triển chợ; tham mưu UBND huyện sớm ban hành cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư hoặc góp vốn cùng Nhà nước đầu tư xây dựng chợ và các loại hình thương mại trên địa bàn ( các trung tâm TM, siêu thị tại Vĩnh Điện, Khu đô thị, tại Điện Thọ, Điện Thắng Bắc; đầu tư mới và nâng cấp sửa chữa 21 chợ trên địa bàn) .

Đồng thời với tiến trình này, mở các lớp đào tạo kỹ năng quản lý thương mại, kỹ năng giao tiếp bán hàng...; kiện toàn các Ban quản lý chợ. Tăng cường công tác hậu kiểm nhất là kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chống hàng giả, hàng nhái... để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng của các doanh nghiệp.

Bảy là, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng con ng­ười Điện Bàn trở thành động lực nội sinh mạnh mẽ cho quá trình phát triển CN-TM. Tiếp tục thực hiện Đề án phổ cập bậc trung học, Đề án Lao động và giải quyết việc làm để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. UBND huyện kế hoạch hóa vốn cho công tác phổ cập bậc trung học, công tác đào tạo việc làm và chỉ đạo ngành hữu quan phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề mở các khoá đào tạo tập trung và tại chỗ cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động bị mất đất do thu hồi xây dựng đô thị, xây dựng CN-TM.

Tám là, nâng cao nhận thức cộng đồng các doanh nghiệp về ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường và hỗ trợ doanh nghiệp thẩm định, đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư. Từ chối các dự án dự báo có khả năng gây ô nhiễm. Đối với các DN đã đi vào sản xuất nhưng không tuân thủ và thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường thì xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó phải khẩn trương đầu tư hệ thống thoát nước thải tại Cụm CN Trảng Nhựt, Cẩm Sơn, Thương Tín.

Chín là, quan tâm hơn nữa công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các Khu, Cụm CN, các trung tâm thương mại, các chợ. Hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai. Linh hoạt và kịp thời ứng cứu khi doanh nghiệp có sự cố, tạo môi trường thật sự bình an cho doanh nghiệp.

9 nội dung nêu trên phải thực hiện xuyên suốt, đồng bộ, kiên trì và nhất quán tạo môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, bình an cho doanh nghiệp. Đó cũng là các giải pháp chính nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ngành CN-TM huyện nhà trong nhiệm kỳ đến nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng thị xã vào năm 2015./.

 

(1) Theo đánh giá của Tổ chức nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ số cạnh tranh (PCI) của Quảng Nam năm 2006 từ vị trí 14/64 đến năm 2009 tụt xuống vị trí 25/64 tỉnh thành.




[Trở về]
Các tin mới hơn:
Khẩn trương đưa vào hoạt động mô hình chính quyền hai cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả
Điện lực Điện Bàn nâng cấp lưới điện tiếp nhận từ 4 hợp tác xã, đáp ứng tốt nhu cầu điện của người dân
Người trẻ chung tay “giải cứu” dưa hấu cho nông dân Quảng Nam
UBND thị xã Điện Bàn tổ chức sàn giao dịch việc làm
Điện lực thực hiện chốt số lưới điện hạ áp nông thôn của các Hợp tác xã bàn giao cho ngành điện
Hội thảo đầu bờ giống lúa Hương Xuân
Phòng ngừa tình trạng lừa đảo qua các thông tin giả mạo
Đảm bảo cung cấp điện Phục vụ lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Điện Bàn (29/3/1975-29/3/2025), 95 năm ngày thành lập Đảng bộ Điện Bàn (5/4/1930- 5/4/2025); 10 năm thành lập thị xã Điện Bàn (2015-2025)
Khánh thành giai đoạn 1, Dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng Lai Nghi
Hội Nông dân thị xã phát động mô hình diệt cây mai dương
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Khô hạn, hơn 100 ha đất sản xuất lúa bỏ hoang
Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm triển khai mô hình chăn nuôi gà theo phương pháp an toàn dịch bệnh
Nuôi heo đất một việc làm ý nghĩa
Làm giàu từ cây rau Bồ Ngót
Phân sinh học WEHG - sự lựa chọn tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp
Đổi thay ở Điện Quang
Đổi thay ở Điện Quang
Nhiễm mặn, nhiều diện tích thiếu nước sản xuất
Nghệ Nhân chạm khắc gỗ Nguyễn Văn Tiếp dạy nghề miễn phí.
Để làng nghề mây tre đan phát triển bền vững
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm