Năm 1945, tôi tròn 19 tuổi, học năm thứ ba trung học tại trường Viên Minh - Thị xã Hội An. Ngày 09.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, tôi nghỉ học về quê, tham gia dạy truyền bá quốc ngữ. Đến tháng 8 năm 1945, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, anh em tôi tham gia cướp chính quyền ở Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. Ba mẹ tôi đều tham gia tích cực phong trào cứu quốc, động viên các con hoạt động tốt trong mọi công việc do phong trào cứu quốc đề ra. Bông tai, kiềng, vòng vàng của ba mẹ, của bà và chị dâu tôi đều đem đóng góp cho “Tuần lễ vàng”.
Trước năm 1945, gia đình tôi sống nghề buôn bán và làm nghề thủ công dệt Tusso, dệt vải, lụa. Kinh tế gia đình phát đạt, cuộc sống ổn định. Cách mạng Tháng Tám thành công, gia đình tôi rất phấn khởi, ba mẹ động viên các con tham gia vào những hoạt động của chính quyền tổ chức. Tôi tham gia dạy bình dân học vụ xã, tham gia du kích với anh Tào Hưng và em Tào Phi, là chính trị viên quân đội du kích xã. Tôi cũng là thường vụ Thanh niên cứu quốc xã. Ba anh em đều tích cực hoạt động...
Năm 1946, Pháp gây hấn ở Nam Bộ, rồi tấn công ra Đà Nẵng, chiến sự bùng nổ, giặc tràn lên quê hương tôi vào cuối 1946 đầu 1947, chúng chiếm Gò Nổi. Ba, anh Hưng, em Phi đã sinh trong một trận địch càn vào đầu tháng 4 năm 1947. Trước tình hình khẩn cấp đó, chiều ngày 24.4, tôi chỉ kịp đưa mẹ và các em ( nhỏ nhất mới lên 2, lớn nhất 13 tuổi) đi tản cư lên Trung Phước mà không mang theo một đồng nào. Đến sáng 24/4, giặc d09ã chiếm đóng quê tôi. Những ngày sau đó, phải dọn về sống trong vùng bị chiếm. Tôi bí mật hoạt động, còn các em sống hợp pháp trong lòng địch... Đến cuối năm 1947, trong một trận địch bao vây, lùng sục gắt gao tôi bị chúng bắt. Chúng đưa tôi về đồn Trà Kiệu, rồi đồn Vĩnh Điện tra tấn rất dã man bằng nhiều cách thức như: quay điện, nướng dùi lửa châm vào người, uống nước xà phòng... Tôi chỉ một mực nhận là có học đến “ tam niên” nên có biết chữ và tham gia truyền bá quốc ngữ, sau đó dạy bình dân học vụ. Hơn 2 tháng tra khảo, nhốt biệt lập, chúng thả tôi ra, cho làm cu li trong đồn. Mấy tháng sau, chúng đưa tôi vào đồn Phú Bông, rồi đưa về đồn Xuân Đài dụ dỗ làm việc cho chúng, vì chúng biết tôi đã học tiếng Pháp ( học Tam Niên, ở trường Viên Minh - Hội An).
Trước khi bị bắt, tôi thường nói với mẹ rằng: “ Nếu sống trong lòng giặc, trước sau gì con cũng bị bắt. Nếu con không bị giặc giết thì con sẽ tìm cách trả thù nhà ( cho ba, anh Hưng, em Phi). Gia đình đừng ai vào thăm con”.
Ở Đồn Xuân Đài, khi tôi bị bắt hơn một năm thì mẹ có nhắn vào đồn là “ Anh em đồng đội nhắn con trốn gấp”. Tôi nhắn lại : “ Mẹ và gia đình dọn qua phía Duy Hưng, nam sông Thu Bồn được tự do hơn, đừng ở xã Điện Hồng, rất nguy hiểm. Khi con trốn về, con phải trả được thù nhà”.
Ngày 25.5.1949, trong lúc đi gánh nước với tên gác tù người Pháp, tôi rủ nó ra ngoài đồn tìm trái cây ăn ( vùng ngoài đồn vườn tược bỏ hoang, dân tản cư gần hết, chỉ còn dăm ba gia đình ở lại nên chuối, mít, cam, bưởi, dứa rất nhiều). Tên Pháp là Kufua, cao tầm thước tám, nặng hơn tám chục cân, mang khẩu súng trường Mát cùng tôi ra khỏi đồn Xuân Đài lúc xế chiều. Được khoảng cây số, tôi ghé vào nhà bà Xã Cư ( mẹ của Thiều Nử và Thiều Mộng Châu, bị địch bắt cùng ở tù với tôi tại Xuân Đài lúc đó) mượn một cái mác. Tôi dẫn tên Pháp theo các khu vườn tìm được vài trái mít, dứa, đu đủ và chuối chín. Dẫn tên Pháp đi tiếp hơn một cây số nữa, tôi tìm cách chặt cổ nó, nhưng chưa có dịp. Đi đến làng bà Sữa trên ngã ba ông Thuần ( thuộc Phi Phú), tên Pháp không chịu đi nữa vì sợ Việt Minh bắt. Tôi chỉ tay ra phía sau hỏi: “ Đường về đồn mày có biết không?”. Nó vừa quay theo hướng tôi chỉ thì tôi cầm mác chặt một nhát vào cổ nó. Hoảng hốt, nó quờ lấy súng để bắn tôi, tôi cố giằng cướp súng hắn. Hắn bèn bỏ súng quay sang bóp cổ và vật tôi xuống. Bị hắn đè, máu từ vết thương của hắn trào ra đầy mặt và cổ tôi, tôi cố gắng vùng vẫy và móc cuống họng hắn. Hắn lăn ra chết, tôi vùng dậy cướp súng và chạy về phía sông. Lội xuống sông, tôi mới chợt nhớ ra mình không biết bơi. Khẩu súng quá nặng, sém làm tôi chết đuối, tôi bèn bỏ súng, cố gắng vào bờ và nhờ bà con nông dân đưa về Uỷ ban hành chính kháng chiến tại Tân Phong, Duy Hưng. Một tháng sau, tôi cùng anh em du kích lặn tìm được khẩu súng. Đây là khẩu súng đầu tiên của xã tôi được trang bị ( còn 5 viên đạn chưa bắn). Trước đó, du kích xã chỉ dùng toàn giáo, gươm, mã tấu và lựu đạn.
Giặc Pháp cho cả đại đội đi tìm tên giặc bị tôi giết cách đồn hơn 1,5km, chúng khiêng đồng bọn về và tập hợp tù nhân lại. Thấy thiếu tôi, chúng cho lính truy lùng, vây bắt đồng bào xung quanh đồn. May mắn sao, ngay trong đêm đó, nhờ được tin báo của bà con, mẹ tôi và các em đã trốn sang Duy Hưng. Giặc Pháp đánh đập tù nhân rất dã man trong nhiều tuần lễ và chúng treo giải thưởng tới 1 triệu đồng tiền Đông Dương cho ai chỉ điểm được tôi ở đâu, và nếu bắt được tôi.
Sau sự kiện ấy, gia đình tôi phải tản cư vào Tam An, Tam Kỳ. Với hai bàn tay trắng, dẫn 5 đứa con ( lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất 4 tuổi), mẹ tôi cùng các em đã sống những năm tháng vô cùng khổ cực. Cũng nhờ thời kỳ buôn bán ở Xuân Đài, mẹ tôi, một bà mẹ vô cùng nhân hậu, bán thiếu cho nhiều người, nên khi tản cư, gặp những người đó đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều.
Còn tôi, sau khi ra tù đã được Đoàn Thanh niên cứu quốc Liên khu V, Đoàn Thanh niên cứu quốc Quảng Nam – Đà Nẵng, tặng bằng khen và 1 quyển sách in của Liên là “ Sửa đổi lề lối làm việc” của tác giả X.Y.Z. Sau khi đọc sách xong, tôi làm đơn xin vào Đảng Cộng sản Việt Nam, kết nạp ngày 21.5.1950 và chuyển Đảng chính thức ngày 05.12.1950.
Khi còn ở xã, tôi là Uỷ viên tài chính Uỷ ban Hành chánh kháng chiến xã, năm 1953 là Phó Chủ tịch xã Điện Quang. Tháng 10 năm 1954, tôi được lệnh đi tập kết, vào Quảng Ngãi, sau đó vào Qui Nhơn và tập kết ra Bắc tháng 12 năm 1954.
Mẹ và các em tôi: Tào Phụng, Tào Thị Hợi, tào Quê, Tào Văn Hoàng, Tào Thị Kinh đều trở về quê nhà, làm nhà mới trên nền cũ để sinh sống. Thời Mỹ - ngụy, nhà tôi là cơ sở cách mạng, cũng là nơi Mỹ - ngụy treo tấm bảng cấm mọi người quan hệ với gia đình “ Việt Cộng”. Nhưng được sự giáo dục kỹ của mẹ nên các em tôi đã vượt qua mọi khó khăn, khủng bố của địch để công tác và lần lượt bị chúng bắt tù đày. Tào Thị Hợi, cán bộ phụ nữ xã ở tù hơn 5 năm, sau khi được thả về đã bị tàn phế và mất năm 1968. Tào Phụng hoạt động ở xã, hy sinh trong năm 1968. Tào Quê thoát ly theo Giải phóng quân vào miền Nam năm 1962, đến năm 1965 kết nạp Đảng ( hiện là thiếu tá Công an về hưu, sống tại thành phố Hồ Chí Minh). Em út của tôi là Tào Văn Hòang cũng gia nhập bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và hy sinh năm 1968 không tìm được hài cốt. Năm 1968, cháu Tào Tại – con của anh Hưng ( liệt sĩ) đã xung phong đi Giải phóng quân, làm trinh sát Liên khi 5, hy sinh năm 1969. Tào Bốn – con anh cả Tào Ngân đi bộ đội, bị địch bắt tù đày ở lao Thừa Phủ ( Huế) đến năm 1968 mới được giải thoát, tiếp tục hoạt động và hy sinh năm 1969 tại chiến trường Thừa Thiên.
Riêng mẹ tôi, từ năm 1955 đến năm 1965, năm nào địch cũng bắt bà tra tấn vì có con theo cộng sản. Có lần, xã bị ngập lụt, chúng bắt bà đứng đèn sám hối, bị ngất xỉu nhiều lần, nhưng bà quyết không khai. Bà còn thách thức giặc: “ Tôi đẻ con ra, chúng nó làm gì thì tùy chúng nó, làm sao bắt chúng nó làm theo ý mình được. Nó làm cách mạng, các ông giỏi thì bắt nó chứ sao lại bắt tôi?”. Nhiều lần như vậy, địch cũng phải thả về.
Năm 1965, địch bao vây Điện Quang, tập trung nhân dân trong xã lại nhốt, tra khảo, đánh đập, nhất là những người có con theo cách mạng. Dù là bà già nhưng có con theo cách mạng cũng bị giết. Lần này, mẹ tôi cùng em út là Tào Thị Kính bị bắt tập trung. Chúng đưa mẹ tôi cùng bà Đoàn Thị Phiến, Đoàn Thị Hân ra xử bắn. Em gái tôi đã dũng cảm đứng ra cản đầu súng quân thù, sẵn sàng chết để bảo vệ mẹ và 2 cháu nội mới được 2 tuổi ( con của Tào Phụng và Tào Quê). Trước tình hình đó, bọn lính phải chùn tay và bọn chỉ huy ác ôn cũng không bắt các bà mẹ đó nữa, hăm doạ sẽ xử bắn sau. Mẹ tôi được bà con địa phương giúp đỡ, sau đó ra Đà Nẵng cùng với con út và 2 cháu tản cư vào Plâycu, đến năm 1965, xuống Sài Gòn, ở với con dâu là Phan Thị Bạo ( vợ của liệt sĩ Tào Phụng - tản cư vào Sài Gòn năm 1965 tại phường 4 - Quận Gò Vấp). Quả đúng như giặc đe dọa, sau đó hai bà Đoàn Thị Phiến và Đoàn Thị Hân bị giặc sát hại vào năm 1968.
Mẹ tôi, chồng hy sinh lúc bà mới 49 tuổi, các con lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vậy mà bà vẫn trụ vững, tin tưởng ngày trở về của con cháu. Sau tháng 4 năm 1975, Tào Quê, bộ đội quân khu 7 về tiếp quản Sài Gòn đã gặp được mẹ và vợ con. Còn tôi, tháng 10 năm 1975 cũng được về thăm mẹ. Suốt 30 năm xa cách, mẹ tôi như người chết sống lại, dù trải qua quá nhiều gian khổ, lúc ấy mẹ đã 77 tuổi, cân nặng chỉ được 22kg. Song, bà đã sống thanh thản cùng con cháu cho đến ngày từ trần 14.8.1997 thọ 99 tuổi. Mẹ rất minh mẫn, những gì đã xảy ra suốt gần 100 năm cuộc đời, mẹ đều nhớ rất rõ. Và mẹ căn dặn con cháu làm sao tìm được hài cốt các con, cháu của mẹ, hiện còn mất tích như Tào Văn Hoàng, Tào Bốn, Tào Tại.
Mẹ rất vinh dự khi được Chính phủ tặng thưởng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và Huân chương độc lập hạng Ba ( năm 1995). Mẹ nói: “ Mẹ sinh ra các con để phục vụ Tổ quốc trước tiên, sau đó là dựng hạnh phúc cho các con cháu. Nhiệm vụ của mẹ bây giờ đã hết, mẹ không đòi hỏi nhiều gì ở Đảng và Nhà nước. Mẹ mong sao đồng bào cũng như bà con, ai ai cũng được hạnh phúc, sống bình yên mãi mãi”.
Mẹ và Gò Nổi, mãnh đất cách mạng đã bồi đắp phù sa cho những cuộc đời, đưa chúng tôi hòa nhập vào dòng chảy của lịch sử kháng chiến cùng quê hương, đất nước...