Trong đó, mô hình cá rô đồng có diện tích 1200m2 được phân bổ đều cho hai địa phương. Là loài cá nước ngọt khá quen thuộc song do chưa được nuôi phổ biến nên rô đồng vẫn là đối tượng trình diễn của chương trình khuyến nông – khuyến ngư. Mục đích của mô hình nhằm khuyến khích bà con nông dân có hướng đầu tư thâm canh lớn cho đối tượng này trong thời gian đến. Do đây là loài cá dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn và dễ tiêu thụ. Khác với cá rô đồng, lăng nha là loại cá nước ngọt khá mới, cá đang được nuôi thử nghiệm trên diện tích ao 700m2 tại xã Điện Hòa. Tuy vậy, đây là đối tượng nhận được sự quan tâm lớn của người nuôi do nó là loại cá có khả năng mang lại giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh chương trình khuyến ngư trọng tâm của huyện, trạm còn phối hợp với trung tâm Khuyến Nông - Khuyến Ngư tỉnh Quảng Nam triển khai thêm hai mô hình nuôi cá nước ngọt khác là cá thác lác cườm và cá điêu hồng. Mô hình cá điêu hồng được thực hiện trên diện tích ao 10000 m2 bao gồm 8000m2 tại xã Điện Hòa và 2000m2 tại xã Điện Thọ. Trong năm 2009, cá điêu hồng đã được nuôi thử nghiệm rất thành công nên hiện nay đang được Trạm Khuyến Nông tiến hành triển khai để nhân rộng mô hình. Đối với cá thác lác cườm, đây là đối tượng thủy sản mới – lần đầu tiên được đưa vào nuôi thử nghiệm trên địa bàn huyện Điện Bàn. Là một xã trọng điểm về nuôi trồng thủy sản của huyện nên Điện Hòa là địa phương duy nhất được chọn để xây dựng mô hình 5000m2 này. Tuy là loài thủy sản rất mới song cá tỏ ra thích nghi khá với điều kiện ao nuôi địa phương.
Đến cuối tháng 6, tất cả các điểm nuôi cá nước ngọt được chọn đã vào vụ. Như vậy chỉ trong vòng 1 tháng, các mô hình khuyến ngư năm 2010 đã được Trạm Khuyến Nông đồng loạt triển khai tại 3 xã Điện Hòa, Điện Thọ và Điện Dương. Qua theo dõi bước đầu cho thấy cá phát triển khá tốt, cán bộ địa phương có sự quan tâm sát sao. Đó là cơ sở để các hộ dân yên tâm đầu tư và kỳ vọng cho một vụ nuôi trồng thủy sản thắng lợi.