Ngô Hinh sinh năm 1929, từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Nam chìm vào những ngày đen tối. Trong những ngày cơ cực ấy, Ngô Hinh theo gót chân của Ngô Dinh làm liên lạc, giữ một đầu mối cho cơ sở kháng chiến bắt rễ xuống vùng Bồ Mưng – Viêm Tây, về vùng đông bắc Điện Bàn. Cùng với cha ( ông Ngô Tân – NV), Ngô Hinh tạo thành điểm liên lạc cho các đồng chí Ngô Dinh, Phan Bồn, Lê Láo. Ổng còn giấu một khẩu súng trường Mát trên máng xối, chờ thời cơ vũ trang đánh địch.
Sau khi Ngô Dinh bị giết, thì kẻ thù lùng sục xới tung những giềng mối gia đình, tộc họ, nhằm răn đe những người có thân nhân tham gia kháng chiến, hoặc có cảm tình với cách mạng. Ngô Hinh lập tức bị kẻ thù rình rập. Bọn ác ôn trong hội đồng xã và những tổ chức đảng phái phản động chờ dịp tiêu diệt ông. Cuối cùng, sau nhiều lần rình phục, chúng bắt được Ngô Hinh và đưa về đình làng Viêm Tây. Trên sân ngôi đình mấy trăm năm yên bình bỗng loang lồ máu của những người bị tố cộng trong những ngày đêm liên miên, ròng rã. Ngô Hinh bị treo lên cây da, bị đánh kiểu tứ trụ, hoặc bị phang đòn gánh vào sống lưng. Trên Xà đình, lạt cật tứa máu người bị vuốt. Đánh Ngô Hinh đến hộc máu rồi kẻ thù đưa ông về giam tại lao Vĩnh Điện để tiếp tục khai thác. Song không moi được tin tức gì ở Ngô Hinh, ngụy quyền Điện Bàn vẫn ghép thành án và đưa Ngô Hinh đi tù ở Hội An. bắt rồi thả, rồi lại bắt, cuối cùng ngụy quyền tay sai kêu án đưa ông đi tù ở Lao Thừa Phủ - Huế. 10 năm, Ngô Hinh trải mấy đận tù ngục, tưởng chỉ có thể đợi cảnh rục xương, mòn mải, hoặc bị kẻ thù hành hạ đến chết, nhưng tiếng súng tiến công vào các đô thị miền Nam Xuân Mậu Thân – 1968 đã cứu thoát ông. Lao Thửa Phủ trong Tết Mậu Thân được giải phóng, Ngô Hinh thoát được tù, hăng hái tham gia bộ đội, chiến đấu trên chiến trường Trị - Thiên.
Chiến đấu được 3 năm, năm 1971, Ngô Hinh bị thương chuyển ra miền Bắc chữa trị. Không lâu sau đó, ông được vào Nam. Khi vào đến cửa ngõ Tây Nguyên thì quân ta đánh trận Đak Tô – Tân Cảnh chiến thắng vang dội, đốt cháy nhiều xe quân giới của địch. Chứng kiến trận ấy, có người đồng đội tưởng Ngô Hinh hy sinh nên báo tin về quê ông. Cho đến năm 1973 gia đình còn lập bàn thờ Ngô Hinh, người vợ trẻ còn mang vành khăn tang ly biệt. Nhưng Ngô Hinh không chết, năm 1974 ông theo đường dây về đến Phong Lục Nam nhắn vợ dẫn con lên gặp mặt. Người “ góa phụ” Trần Thị Thuý ( vợ ông – NV) chợt ngỡ ngàng. Lời nhắn tin còn nói rõ rằng khi Ngô Hinh bị bắt đi tù ra Thừa Phủ thì cũng là lúc vợ đang mang thai. Bà Thúy dẫn Ngô Đình Liêu, cậu bé 10 tuổi ( Ngô Đình Liêu – sinh năm 1964, hiện là Bí thư Đảng uỷ xã Điện Thắng Bắc – NV) lên gặp cha, một cuộc gặp gỡ đầy xúc động. Và chỉ một năm sau đó, ngày toàn thắng của miền Nam đã tới, cuộc gặp gỡ của bao gia đình ly tán, của bao năm trời kẻ đợi người trông ngày thống nhất Tổ quốc.
Để có ngày hòa bình ấy, gia đình Ngô Hinh chịu nhiều mất mát, đau thương, nhưng cũng rất đỗi tự hào về truyền thống cách mạng. Cha ông – ông Ngô Tân được Nhà nước phong tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì. Chị ông, bà Ngô Thị Tấn là mẹ liệt sỹ. Em ông, bà Ngô Thị Cường là cựu cán bộ binh vận của Quảng Đà. Gia đình vợ ông cũng có nhiều anh em tham gia cách mạng và hy sinh anh dũng. Riêng người con đầu của ông, anh Ngô Đình Trường sinh năm 1957, cũng tham gia du kích. Khi đang là học sinh, Trường từng lấy súng địch cho du kích và bị bắt nhốt ở nhà lao Vĩnh Điện.
Trên những lối đi về ngày xưa, cùng với dòng họ Ngô giàu truyền thống yêu nước và cách mạng ở Điện Thắng, hai tên tuổi Ngô Dinh – Ngô Hinh, đã làm sáng thêm lịch sử đấu tranh của một vùng đất anh hùng. Đình Viêm Tây còn đó, như nỗi hoài về lịch sử, vẫn còn vang tiếng vọng chí khí người cộng sản vượt lên trên sự tàn bạo của kẻ thù./.