Nội dung chi tiết

TRONG BÓNG CỜ SON
Tác giả: NGUYỄN NHO KHIÊM .Ngày đăng: 06/03/2009 .Lượt xem: 5863 lượt. [In bài]
Chị Lê Thị Liên, sinh vào tháng 10 năm 1950, quê làng La Thọ, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Lớn lên trong vùng đất có truyền thống cách mạng, chị Liên tham gia hoạt động cách mạng rất sớm và đã từng trải qua những tháng năm tù đày gian khổ, nhất là những ngày ở địa ngục trần gian – Côn Đảo.

            Ở tuổi thiếu niên, nhìn cảnh quê hương chìm trong khói lửa chiến tranh dưới gót giày xâm lược của Mỹ, Liên hăng hái cùng với anh chị tham gia công tác biệt động thành tại Đà Nẵng. Liên được tổ chức giao công tác xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng thành phố Đà Nẵng, làm Bí thư Chi đoàn của Tiểu đội Biệt động thành quận nhất ( lúc bấy giờ chị Nguyễn Thị Tuyết làm tiểu đội trưởng). Hăng hái công tác và đang sức trẻ, Liên tham gia nhiều trận đánh của biệt động thành gây tiếng vang trong lòng thành phố. Nhưng đến trận đánh vào Hội đồng khu phố Hải Châu lúc 1 giờ sáng ngày 22 tháng 6 năm 1968, Liên đã bị thương và bị địch bắt khi chị vừa tròn 18 tuổi. Chúng đưa chị về Trung tâm thẩm vấn Thanh Bình. Chúng chỉ hỏi chị một câu “vũ khí mày cất ở đâu, ai cùng tham gia với mày?”. Với câu hỏi “trúng tim đen” này chị biết cơ sở đã bị lộ, nhưng để khỏi bị địch lừa chỉ một mực trả lời một câu duy nhất “Tôi không biết !”. Thẩm vấn, tra tấn không moi được gì, chúng chuyển chị lên Trung tâm thẩm vấn thuộc Công ty Gia Long rồi tống giam chị tại Kho đạn.

            Tòa án xử 1 năm tù giam vì tội ngoan cố, chống đối. Bước chân vào tù, chị cùng anh em tù xác định trong tù cũng là địa bàn đấu tranh, do đó chị chống đối việc bắt tù nhân sáng sáng phải chào cờ ba que, nhất quyết không tuân theo nội quy trong tù. Hết hạn 1 năm, chỉ được xếp vào loại “ngoan cố”, không cho ra tù mà tiếp tục câu lưu, chuyển vào nhà lao Thủ Đức. Tại nhà lao Thủ Đức những cuộc đấu tranh tiếp tục dấy lên, chị còn nhớ ngày 22 tháng 8 năm 1970, chị cùng với tập thể anh em tù nhân đấu tranh được tự do giao dịch trong các trại tù, đấu tranh mạnh mẽ có tiếng vang rộng, buộc chúng phải nhượng bộ cho tù nhân được tự do đi lại trong tù. Sau khoảng 2 tháng được “tự do”, chúng tiến hành đàn áp và bắt chị cùng những người “cứng đầu” đưa về nhốt lại nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa).

            Ngày 26 tháng 11 năm 1970, cuộc đấu tranh ở Tân Hiệp bùng nổ mạnh, bắt đầu tư các đợt tuyệt thực đòi tăng khẩu phần ăn, cho tù nhân sinh hoạt, tắm nắng, cấp áo quần cho tù nhân ăn mặc... Với khẩu hiệu “dân chủ, dân sinh, tăng giờ thăm nuôi” lan rộng khắp trại tù, đến nỗi bọn chúng dùng lựu đạn cay và dùi cui đàn áp, táo bạo hơn, chúng dùng loại lựu đạn lửa phóng vô tù, ai dính phải làn da liền cháy phồng. Đến ngày 02 tháng 6 năm 1971, chi Liên cùng nhiều anh chị em khác bị đày ra Côn Đảo.

            Ở Côn Đảo, 400 chị em nữ nhốt chung ở tại 4. Không thể kể xiết nổi đau đơn về thể xác cũng như tinh thần trong những ngày sống ở đây: Cơm hẩm ăn với cá liệt khô để lâu ngày cá mục nát bên trong có dòi bò lổn ngổn; nước uống hằng ngày có màu đỏ như nước chè; điều kiện ăn, ngủ và đi tiêu chung trong một phòng chật hẹp, tất cả tường giam đều kín mít chỉ có chổ cần tiêu có ống thông ra ngoài nên gió cứ thốc vào mùi hôi thối. Càng cực khổ, tinh thần đấu tranh càng quyết liệt. “ Chúng tôi nghỉ ra hình thức đấu tranh “hô la”: trên nóc nhà giam có một lổ thông hơi nhỏ, chúng tôi thường xuyên phân công người leo lên lổ thông hơi đó để hô các khẩu hiệu đòi cải thiện đời sống, và thi nhau la rầm beng tạo tình hình hỗn loạn, gây sức ép. Cứ thế ngày này qua ngày khác, từ trại này đến trại khác “ hô la” vang trời. Nhiều câu khẩu hiệu “ hô la” có nội dung yêu cầu đáp ứng điều kiện sống như: “Yêu cầu nhà cầm quyền cho chúng tôi tắm nắng !”, “Đả đảo chế độ nhà tù hà khắc !”. Bên cạnh đó, qua “ lổ thông tin” ấy, các trại thông báo tin tức hoặc hỏi thăm tình hình lẫn nhau và cùng hợp đồng trong các đợt đấu tranh chống lại các quy định khắc khe trong tù”.

            Điện sinh sống trong tù quá tồi tệ, nhiều chị em phát bệnh tật, nhất là bệnh thương hàn và kiết lỵ. Cao điểm vào tháng 4 năm 1973 trong vòng một tuần lễ có đến 3 chị ở phòng 15 chết vì bệnh ngay trong tù.

            Dù gian nan, cực khổ bao nhiêu, dù kẻ thù ngon ngọt ba nhiêu, chị em quyết đoàn kết đấu tranh chờ ngày thắng lợi cuối cùng “Côn Đảo cũng là một mặt trận chiến đấu kẻ thù chung” – đó là lời tâm niệm của chị em trước lá cờ Tổ quốc trong tâm khảm. Nhiều câu thơ của những người tù truyền nhau, có sức động viên sâu sắc, như bài thơ của anh Trương Xuân có đoạn:

                        “ Châu Lâu ơi quê nhà tuôn máu lệ

                        Ta giờ đây Côn Đảo hãm thân trai

                        Dãy chuồng cọp không làm ta nhụt chí

                        Tuổi 30 nguyện gửi đó hình hài...”

Hoặc

            “ Nếu ngày chiến thắng về

thiếu bóng con

mẹ hãy ngước nhìn nước non

con theo bóng cờ song về bên mẹ...”

            18 tuổi bước vào tù, 25 tuổi mới thoát ra “ địa ngục” ấy nhờ đất nước hoàn toàn giải phóng. Bảy năm đối với một người phụ nữ ở lứa tuổi thanh xuân ở trong tù ngục và chiến đấu ngoan cường, lúc ngục tù làm nơi tôi luyện ý chí yêu nước thật đáng khâm phục biết bao!

            Tôi gặp và biết chị Lê Thị Liên trong dịp chị cùng đoàn của Hội tù yêu nước thành phố Đà Nẵng trở lại thăm Côn Đảo sau 30 năm giải phóng. Sau 30 năm trở lại “ chuồng cọp” hãi hùng, chị Liên bùi ngùi xúc động: “ Khi tôi bị đưa vào “ chuồng cọp” tức là chạm vào cõi chết. Những đòn tra tấn nào dã man nhất hình như cũng đều thể hiện ở “ chuồng cọp” mà các tù nhân, đặc biệt là chị em nữ phải chịu đựng. Nhiều đồng đội của tôi, không chịu đựng nổi đã chết ngay trong chuồng giam vì 3 tháng liền bị xiềng chân, tra tấn và dã man hơn là bỏ đói. Chuồng cọp có hai khu, mỗi khu có 60 chuồng và 30 hầm đá. Cứ năm người bị nhốt vào một chuồng. Ăn, ngũ, tiêu tiện gì cũng chung một chỗ. Khu chuồng cọp thường xuyên nhố trên 400 tù nhân, có thời cao điểm lên đến gần ngàn người. Tù đông đến nỗi chúng tôi phải nằm chồng lên nhau mà ngủ, hoặc “ ngủ thay phiên”. Nước tắm cũng phải dùng đi dùng lại tới ba bốn lần. Cái đói là nỗi ám ảnh ghê gớm, khi thấy con mối cánh, thằn lằn bò trên vách đá thì chúng tôi bằng mọi cách bắt ngay để “ cải thiện” lấy sức đấu tranh. Khi con chim sẽ lọt vào chuồng cọp y như rằng chị em có được một bữa tiệc lớn...”

            Trở lại Côn Đảo, thăm lại những chuồng cọp ngày xưa, hồi tưởng những nỗi tủi nhục, thăm lại nghĩa trang Hàng Dương, tôi thấy chị Liên trầm lắng trong nổi nhớ xa xăm, đôi mắt chị dịu buồn, thấm ướt. Chị tâm sự: “ Côn Đảo là một phần của đời tôi với biết bao đau đớn, tủi nhục. Trong trong “ địa ngục trần gian” man rợ ấy tôi càng tôi luyện ý chí cách mạng và thấy được ý chí của người cộng sản lớn lao biết chừng nào. Côn Đảo hôm nay đã khác xưa nhiều lắm, nhưng vẫn còn đó hệ thống nhà giam, chuồng cọp và đồng đội tôi vẫn còn nằm đấy - ở nghĩa trang Hàng Dương. Từ khi ra tù năm 1975 đến nay, không lúc nào Côn Đảo không ám ảnh tôi, nó như bóg ma của tội ác hằn trong da thịt tôi, trái tim tôi”.

            Giọng kể của chị có sức truyền cảm, tôi như nghe một làng gió lạnh buốt chạy dọc xương sống với bao cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Tôi nhớ địa danh Côn Đảo có nguồn gốc từ chữ Condor trong tiếng Pháp. Những người Pháp khi tới quần đảo này đã phát hiện thấy ở đây có nhiều chim đại bàng biển mà họ gọi là condor, nên đặt tên cho đảo như thế ( người Việt gọi chệch thành Côn Đảo). Không rõ trên thế giới này có nhà tù nào lớn và tồn tại lâu như Côn Đảo ( Côn Đảo có tổng cộng 16 đảo, diện tích tự nhiên là 7.115 ha; tồn tại đến 113 năm- ngày 01 tháng 02 năm 1962, Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo). Suốt 113 năm ấy ( 1962-1975) Côn Đảo được xem như địa ngục trần gian nhưng cũng là nơi chủ nghĩa anh hùng cách mạng tỏa sáng.

            Chị Lê Thị Liên, hiện ở tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, số 16 đường Lê Phụng Hiểu với chồng và 1 đứa con trai. Chị sống bình thường như bao phụ nữ khác, chỉ có điều suốt 30 năm qua cả thân người chị luôn nhức buốt, nhất là khi trái gió trở trờ. Khi biết tôi có ý định viết đôi dòng về chị trong những năm tháng ở tù, chị nói: “ Ở Côn Đảo ai cũng có một lòng hướng về Đảng, về Bác Hồ, ai cũng quyết tâm hy sinh, đừng viết về chị, vì chị cũng bình thường như bao người khác”. Tôi biết, viết về chị cũng là viết về bao đồng đội khác. Những ngày tháng ở Côn Đảo tinh thần ý chí của mỗi người đã hòa làm một, máu và nước mắt của họ thấm đượm trên lá cờ chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Mỗi lần nhìn lá cờ son của Tổ quốc, tôi lại nhớ đến chị và bao đồng đội khác một thời ở Côn Đảo đau thương và anh hùng ./.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
PHÙ SA CÁCH MẠNG
VƯỢT NGỤC
TRONG CHIẾC NÔI TỘC HỌ, XÓM LÀNG
Các tin cũ hơn:
THUỶ CHUNG MỘT LÒNG VỚI CÁCH MẠNG
THÂN TÙ XƯA
TẶNG ANH TÀO VĂN HÀO
PHÙ SA CÁCH MẠNG
NGƯỜI ĐÓNG NẮP HẦM
NGƯỜI CON GÁI MẸ THỨ
NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI
LIỆT SĨ PHÚ QUỐC
KÝ ỨC NGÔ ĐÌNH HẠNH
HỌC THƠ TRONG HẦM ĐÁ
    
1   2   3   4  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm