Công tác tư tưởng được cấu thành bởi 3 bộ phận chính đó là: công tác tuyên truyền, công tác nghiên cứu lý luận và công tác cổ động. Đối với công tác tuyên truyền, Người nói rất dễ hiểu: tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Vì thế, trong phong cách tuyên truyền của Người luôn toát lên sự gần gũi, mộc mạc, giản dị. Thời kỳ kháng chiến, nhiều cán bộ đi tuyên truyền về đường lối “trường kỳ kháng chiến”, khi nhân dân chất vấn “kháng chiến khi nào thì thành công” thì không giải thích được, liền về hỏi Bác. Bác bảo: “Các chú biết rằng đồng bào ta phần lớn là nông dân thì phải lấy hình ảnh cụ thể để đồng bào dễ hiểu, các chú lấy chữ nghĩa, nào là “phụ thuộc”, “khách quan”, “chủ quan” thì dân ít người hiểu, mà phải lấy những ví dụ như muốn có khoai ăn, lúa ăn cũng phải chờ đến 3 tháng hoặc 6 tháng mới có thu hoạch, người phụ nữ có thai cũng phải hơn 9 tháng mới sinh con…”. Để giải thích cuộc kháng chiến ngắn hay dài, Bác cầm một cái gậy, Bác hỏi dài hay ngắn. Có người bảo dài, có người bảo ngắn. Bác nói dài hay ngắn là tùy từng người. Cuộc kháng chiến dài hay ngắn tùy thuộc nhân dân ta, tùy thuộc ở tất cả mọi người, nhân dân đoàn kết, cán bộ gương mẫu, gần dân, hướng dẫn nhân dân kháng chiến thì kháng chiến sẽ không dài. Những câu chuyện của Bác hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, lý luận thì ngắn gọn, cô đọng, còn thực tiễn thì sinh động, dễ hiểu nên đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.
Đối với công tác lý luận, Người nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc học lý luận: Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Hiện nay, phong trào cách mạng rất cao. Nhưng thử hỏi cán bộ và đảng viên ta đã mấy người biết rõ lý luận và biết áp dụng vào chính trị, quân sự, kinh tế, và văn hoá? Đã mấy người hiểu “biện chứng” là cái gì? Có những cán bộ, những đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm. Cố nhiên, những anh em đó rất quý báu cho Đảng. Nhưng họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: Nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Họ quên rằng: Kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi.
Người nhấn mạnh, muốn làm được nhiệm vụ tiên phong, Đảng phải đạt tới trình độ lý luận tiên phong; “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Việc học tập lý luận được Người triển khai thực hiện thường xuyên trong đội ngũ cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ thông qua các lớp chỉnh huấn Đảng. Lý luận của Hồ Chí Minh mang tính thực tiễn sâu sắc vì Người đã vận dụng một cách sáng tạo học thuyết Mác – Lê nin vào cách mạng Việt Nam. Những tác phẩm, bài báo, bài nói chuyện… của Người trở thành những bài học lý luận phục vụ cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Đối với công tác cổ động, Người nói muốn tiến hành cổ động có hiệu quả trước hết cần xác định "Khẩu hiệu hành động". Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng phải căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới đề ra khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân miền Bắc đẩy mạnh phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, cả nước dấy lên phong trào thi đua: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tay búa, tay súng”, phong trào “Ba sẵn sàng”, “5 xung phong” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong phụ nữ… Biến cổ động thành phong trào quần chúng mạnh mẽ, sôi nổi để thúc giục hành động trong nhân dân. Vì vậy, hàng ngàn người con của miền Bắc thân yêu không tiếc máu xương đã dũng cảm vào miền Nam xông pha giết giặc bởi lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng tấn lương thực, vũ khí được chi viện vào chiến trường không ngại gian khổ, vượt núi băng sông… Công tác cổ động cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua yêu nước lúc bấy giờ.
Công tác tư tưởng luôn là công tác đặt lên hàng đầu của cấp ủy Đảng trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào. Vận dụng lý luận về công tác tư tưởng của Hồ Chí Minh chính là một phương pháp hiệu quả để biến phong trào cách mạng thành hành động cách mạng. Từ đó, dẫn dắt, định hướng cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước, góp phần ổn định tình hình chính trị, tư tưởng.