Nội dung chi tiết

VƯỢT NGỤC
Tác giả: TÂM TÂM .Ngày đăng: 06/03/2009 .Lượt xem: 5768 lượt. [In bài]
Cuối năm 1967, địch đưa tôi ra đảo Phú Quốc. Lúc đầu, đảo chỉ có khu I gồm trại A1, B1 ở bên này tháp nước, bên kia là khu biệt giam. Năm 1968, tại khu căn cứ quân sự An Thới, chúng cho xây thêm nhiều nhà tù. Đến cuối năm 1972, tại đây đã có 12 khu giam, chạy dài từ sân bay dã chiến - bến cảng đến sông Cầu Sáu. Số anh em tù lên đến 37, 577 người ( theo hồ sơ của Bộ Tổng tham mưu ngụy). Tù binh đôn

            Khi tôi ra đảo, chỉ thấy 4 ngôi mộ thì đến cuối năm 1972, có khoảng 2000 mộ. Đó là những bằng chứng của sự tra tấn, sát hại dã man tù chính trị của kẻ thù. Đồng chí Xô, quê ở Hà Bắc, bị chúng bỏ vào bao tải, dùng dây cột chặt, mang ra dội nước sôi, dội từng gáo một, làm cho đồng chí bị đau đớn kéo dài. Đồng chí Đặng Hùng Sơn, chiến sỹ đặc công nước quê Thanh Hóa, bị chúng dùng đinh 12 phân đóng vào xương ống chân, bàn tay, vặn răng bằng kìm. Không chịu nổi, đồng chí đã chết mà mắt mở trừng trừng. Ngày 6 tháng 5 năm 1971, tại Khu C8, sau trận đấu tranh đòi yêu sách dân sinh cho người tù, bọn địch trả đũa, bắn vào trại làm 145 người vừa chết, vừa bị thương... Xác người tù nằm ngổn ngang, máu chảy lai láng. Đó là những vụ thảm sát điển hình.

            Trong cảnh đau thương ấy có nhiều hình ảnh vô cùng cảm động về tình cảm của những người bạn tù. Có đồng chí bị địch tra tấn sắp chết, biết mình không qua khỏi, bèn gửi tư trang lại cho anh em. Có người động viên đồng đội tiếp tục đấu tranh với kẻ thù. Có người chỉ kịp đưa tay ra nắm lấy tay đồng đội rồi tắt thở. Một đồng chí ở miền Trung, trước lúc đi xa, đưa tay với lấy chiếc khăn rằn trên đầu trao cho người đồng hương, miệng thì thào: “ Nếu anh còn sống trở về quê hương, nhờ anh đưa dùm chiếc khăn này cho vợ... Nó là kỷ niệm... khi tôi đi tập kết”, rồi anh nhắm mắt giã từ. Giữa cảnh “ cá chậu, chim lồng”, oán hờn sôi sục, tất cả đều mơ ước có ngày bọn địch phải bị trừng trị. Chúng tôi đều mong tìm cách phá cũi, sổ lồng, trở về vị trí chiến đấu trên chiến trường, về với Đảng, với nhân dân, với quân đội. Năm 1969, chúng tôi định tìm cách vượt ngục, nhưng chưa kịp hành động thì bị chúng chuyển xuống B5, rồi chuyển tiếp xuống A4.

            Còn nhớ, hồi chúng tôi mới vào trại giam, địch o ép, truy bức rất căng. Cứ mỗi buổi chiều, khi ăn cơm xong, tù nhân phải mang hết dụng cụ nhà bếp, xẻng, búa bửa củi, cà mèn... ra cổng đến 10 giờ sáng hôm sau mới được lệnh lấy vào. Lúc này địch thường tổ chức cài một số tên chiêu h62i để chỉ điểm khai báo với bọn cai ngục chỉ huy trại. Lúc ấy, ta tìm cách hạn chế tác hại của chúng như: họp đồng hương hoặc anh em lớn tuổi đến phân tích, khuyên răn... Nếu không nghe, thì dùng biện pháp ra đe và trừng trị. Tình hình ổn định dần, điểm danh, điểm diện, lệnh giới nghiêm cũng được nới lỏng. Đó là kết quả của sự kiên trì đấu tranh đòi địch phải thực hiện yêu sách của anh em tù và cũng là kết quả của sự chỉ đạo của tổ chức Đảng trong các phòng và trong khu. Thế nhưng, nổi khao khát được trở về với đồng đội không lúc nào nguôi. Anh em đề nghị tổ chức Đảng cho vượt ngục. Các anh lãnh đạo bàn bạc và phân tích: Vượt rào ban đêm thì bị đèn chiếu sáng quét cộng với bãi mìn tự động. Trốn dưới gầm xe chở nước, ra cổng cũng bị địch phát hiện. Đào hầm thì cả hai lần đều bị lộ..., Song, dù hy sinh còn hơn phải chết dần, chết mòn trong chuồng cọp, trong đọa đày, tra tấn. Và các anh nhất quyết phải tìm sự sống trong cái chết. Chúng tôi tuần tự chuẩn bị từng việc, đào giếng, dùng thùng phi đựng rác, thay thùng cầu, đóng thùng gỗ đựng cơm... Từ đó, tạo thế tự do đi lại trong phạm vi rộng hơn. Cứ thế, có những dụng cụ từ các vật liệu trên, anh em phòng 2 và 4 lấy sắt từ thùng phi làm xẻng, lấy dây trong bao gạo bện lại làm dây kéo, bao tải đựng đất, gỗ làm nắp hầm bí mật. Thế là bắt tay vào đo cự ly, định hướng thoát để đào. Từ phòng 4 hướng ra cách rào 5 mét, rào rộng 10 mét, qua mương, qua khu đất trống, ra bìa rừng chừng 20 mét. Chuẩn bị vật liệu xong, chọn anh em khoẻ, có quyết tâm, số phân công cảnh giới, số thay nhau đào theo phương án được tính toán khá chính xác.

            Tổ của tôi có 4 người. Hôm đầu, tạo cửa và ngụy trang. Hôm sau, bắt đầu đào. Đất cho vào bao tải, lợi dụng lúc chia cơm trưa và chiều xong, cho bao tải đất vào thùng, mang ra giếng dội rửa, đất chảy ra rãnh nước xóa hết. Chỉ mới được 3 hôm thì chiều dài của hầm đã ra khỏi phòng được 1 mét. Đến trưa, tên Khiêm, trung sĩ nhất vào phòng 4, anh em cố làm ra vẻ thật nhẹ nhàng với hắn để che mắt. Tên Khiêm vừa cười, vừa nói, rồi đi thẳng tới đầu phòng, mắt đãm đãm nhìn xuống đất, bổng nhiên, im lặng bước ra. Thấy có cái gì đó không ổn, tôi chợt nhớ, tối qua, tên Mai chiêu hồi ở cùng phòng biết việc đào hầm, hắn năn nỉ xin được tham gia, chúng tôi động viên hắn cứ yên tâm rồi sẽ đến lượt.

            Sang ngày thứ tư, lúc 2 giờ chiều, bất ngờ có kẻng đánh tập trung tù ra sân để điểm danh. Lính quân cảnh vào soát phòng. Tên Khiêm giở sơ đồ phòng tìm cửa hầm. Nắp hầm bị phát hiện. Bên ngoài, chúng tôi la ó phản đối, thống nhất cử 1 đồng chí ra nhận đào. Đứng trước phòng 4, Khiêm hỏi: “ Ai đào hầm ở phòng 4? Đứng dậy!”... Tức khắc, một đồng chí trả lời: “ Tôi đào”. Khiêm cười đắc chí, hắn tiếp: “ Thằng này ra cổng gặp giám thị”. Đồng chí bị gọi đi, đưa mắt vào anh em, bình thản bước ra ngoài. Nhìn lại trong phòng chả thấy tên Mai đâu cả. Sau vụ này, bọn giám thị hý hửng, đắc chí coi việc “ ém” chiêu hồi vào ở chung với anh em tù đã có tác dụng. Chúng không làm căn nữa, không chuyển trại. Mặt khác, phòng 4 bị lộ, nhưng phòng 2 vẫn tiến hành đào. Khi có được cửa hầm, phải đào xuống sâu 1,5mét mới tiếp tục đào ngang. Hầm đào thông qua dưới các phòng 3 và 4, vượt rào ra bãi trống đến rừng, ước tính 71 mét chiều dài. Khối lượng đất phải mang lên rất lớn. Trong quá trình đào phải đục lỗ thông theo ngách, kiểu hang chuột, ngụy trang cẩn thận. Khi xuống hầm phải đậy nắp, mỗi lần xuống là phải hai người thay nhau đào và kéo đất, chiều cao cửa hầm 1 mét, rộng ước chừng hai vai. Người đào cho đất vào bao tải cột lại rồi ra hiệu cho người kéo ra. Khi hầm đã có chiều sâu, việc đưa đất ra ít dần vì lúc này có thể “ ép” bớt đất tại chỗ. Trong khi đào hầm phải kiểm tra, mắt nhìn các điểm có lỗ thông hơi, hay rọi đèn, quẹt lửa ở hai đầu để nhìn thấy ánh lửa là hầm thẳng, không thấy là đã lệch hướng phải sửa. Anh em còn tổ chức bồi dưỡng cho nhau bằng cách báo ốm để lấy thuốc từ trạm xá, và dành thức ăn nhiều hơn cho những người trực tiếp đào. Không một ai ngại vất vả, ai cũng quyết tâm sớm hoàn thành, miễn sao thoát cảnh “ chim lồng, cá chậu”. Công việc trôi chảy, anh em phòng 2 và 4 càng gắn bó nhau hơn. Những anh em cùng quê, cùng đơn vị thường đến động viên nhau. Ở phòng 2, tôi quen anh Ngọc và anh Ninh, chia sẻ nhiều tâm tư. Một hôm anh Ngọc nói: “ Hầm đã qua phòng 4, mình sẽ đục lỗ thông hơi lên cây trụ sắt phòng ông, chú ý giúp mình nhé!” Hai ngày sau, Ngọc rủ tôi ra chỗ vắng cho biếtL “ Đêm mai sẽ đi”. Anh nói nhỏ: “ Đào ra tới giữa mương nước rồi, chỉ còn 1 mét nữa là qua thôi”. Nghe thế lòng tôi rộn ràng, mừng đến chảy nước mắt, muốn reo to lên vì sung sướng. Chúng tôi đứng lên bục cầu tiêu, nhìn ra biển, trong người nôn nao khó tả. Chỉ một đêm nữa thôi, kẻ ở người đi, không biết có còn gặp nhau nữa không? Lòng tôi lại xốn xang.

            Đêm cuối cùng cũng đã đến, bên ngoài vẫn lặng im nhưng trong phòng, tiếng ho cố nén, tiếng rên cố nhỏ... Trên pháo đài đèn pha vẫn quét, lính tuần tra vẫn lăm lăm tay súng. Tôi yên lặng lắng nghe từng tiếng động nhỏ và phương án lừa bọn lính điểm danh cũng đã thực hiện, tất cả vẫn treo mùng, trải chiếu, đắp chăn, gói quần áo giả là người đau. Vượt ngục lần này được tổ chức cho 41 người, trong đó có cả anh Hảo, anh Hòa ( người Hà Khê – Đà Nẵng) anh Hai ( tức Văn Hữu Nghị)... Người xuống cuối cùng có nhiệm vụ đóng nắp hầm. Đúng như dự kiến, người thứ 41 đã xuống hầm hơn 1 giờ, nhà lao vẫn yên tĩnh. Thời gian tưởng chừng như chậm lại... Anh em ở lao đang hồi hộp, mong sao mọi người đi trót lọt. Đêm càng khuya tưởng chừng như mọi điều đều trôi chảy. Bổng có tiếng thét bên ngoài trại “ Heo rừng!”, “ Tù chạy!”. Những loạt súng rộ lên. Đèn pha hướng ra rừng. Xe có gắn súng máy chạy ầm ầm. Lính dàn quân dọc giao thông hào. Sĩ quan hò hét, chửi tục loạn xạ, khi ấy trời đã gần sáng.

            Vậy là một đêm không ngủ, náo động. Những tên cao ngục thất điên bát đảo. Bảy giờ sáng mới mở cổng trại. Mọi sáng có ông Hảo, ông Hai đại diện, sáng nay cả hai ông đều vắng. Thế là đã rõ, hai đại diện cho anh em tù đã đi. Địch điểm danh thiếu 41 người, chúng điểm lần hai, rồi quân cảnh khám phòng rồi phát hiện ra hầm bí mật. Một số anh em bị gọi ra cổng. Sĩ quan hỏi, giám thị hỏi, lính vây kín, trên tay đủ các loại vũ khí. Bọn cố vấn Mỹ trông như bầy thú dữ lồng lộn. Cả trại ngồi phơi nắng đến 10 giờ. Bọn cai tù lùa anh em ra xếp hàng và chuyển trại. Lính trước, lính sau, thằng giơ gậy, thằng dọa bắn, hối thúc, xô đẩy anh em đi. Nhiều người ngã qụy, lại cõng nhau, dìu nhau. Đến D5 làm thủ tục nhập trại bằng những trận roi, cú đấm đá. Có người sưng đầu, gãy răng, da thịt tím bầm. Gần tối, lại gọi điểm danh. Tên Long và Phước bước vào, hắn huênh hoang: “ Nếu thoát khỏi trại, chúng bay cũng phải qua hàng trăm cửa tử, nào quân cảnh, bảo an, hàng rào, mìn tự động, ngoài khơi có tàu tuần tiễu, cối pháo bắn chặn đường”. Cùng lúc ấy chiếc xe Jeep vừa trườn tới, hắn nói: “ Đồng chí của các ông đấy”. Chúng tôi nhìn ra thấy anh Hòa. Lại chiếc xe tải nữa chồm đến cổng, trên xe có xác anh Hảo, tên giám thị chỉ 4 người ra khiếng đồng chí Hảo đặt xuống đất. Mãi đến tối, chúng mới cho mang đi chôn cất. Khi đưa tang anh Hảo về, cả trại đều bùi ngùi xúc động mặc niệm để tưởng nhớ đến người anh, người đồng chí, người đại diện cho Đảng, cho đồng đội, đấu tranh và tổ chức đấu tranh trực diện với kẻ thù, đem lại niềm tin tất thắng cho anh em tù chíh trị. Vĩnh biệt anh, ai cũng không cầm được nước mắt. Tuy có hy sinh mất mát nhưng thành công chuyến này là hơn một trung đội đã xuyên lòng đất vượt qua tầm kiểm soát, thoát khỏi sự truy bức của kẻ thù, trở về với Đảng, với nhân dân, với quân đội, tiếp tục cầm súng chiến đấu đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

            Hiệp định Pari được ký kết năm 1973, chúng tôi được trao trả. Tôi và nhiều anh em được bồi dưỡng sức khoẻ chữa bệnh trong điều kiện tốt nhất, rồi được học văn hóa, học nghề và được đưa về Quảng Nam – Đà Nẵng công tác. Năm, tháng trôi qua, nhiều anh em tù một thời ở Phú Quốc vẫn liên lạc với nhau, giữ mãi những kỷ niệm buồn vui, những quá khứ hào hùng thời ấy. Diễm phúc nhất cho tôi khi về quê anh Hảo công tác đã tìm được gia đình anh. Ngồi tiếp chuyện tôi là chị Nhung, vợ anh Hảo, ở Xuân Hà, Thanh Khê. Chị ân cần và rất đôn hậu. Mấy chục năm sau, chị mới được gặp người đồng chí, người bạn của chồng mình. Bao nhiêu thương nhớ người chồng quá cố, bao tình cảm như dồn tụ về trong chị. Nước mắt chị đã từng rơi. Bà con quanh xóm ai cũng tới, các con cháu của anh cũng ngồi quanh tôi. Cả gia đình coi tôi như người thân lâu ngày trở về. Họ mang nghe tôi nói, tôi kể về anh thật nhiều, thật chi tiết. Câu chuyện cứ chìm vào hồi ức và cảm xúc. Chị Nhung bùi ngùi: “ Từ lúc ảnh bị địch bắt đưa đi, gia đình biết là chết. Nhưng không biết tìm mộ ở đâu, hỏi đơn vị, hỏi nhiều anh em, đã ra Côn Đảo để tìm cũng không thấy”, Nghe chị nói, lòng tôi thật xốn xang bao nỗi, hiểu thêm sự chịu đựng, những mất mát hy sinh, sự chờ đợi lo lắng của người thân. Tôi cố nén xúc động thưa với chị : “ Anh hy sinh ở nhà tù Phú Quốc”. Tôi nhận ra nét an tâm trên mặt mọi người. Thông tin này ít ra cũng chỉ an ủi một phần, nhưng cũng nhen lên hy vọng tìm được hài cốt anh Hảo. Nhưng cũng từ những cái nhìn mừng tủi ấy, tôi lại nghẹn ngào. Tôi là người đi chôn anh Hảo nhưng thời gian lại quá lâu, kẻ thù lại cố xoá dấu vết, liệu có tìm được mộ chí của anh không trong hàng ngàn ngôi mộ ở Phú Quốc?

            Một thời gian sau, vợ chồng cháu Tâm – con anh Hảo, cùng người anh em Hảo đến gặp tôi và bàn chuyện đi viếng mộ cha ở Phú Quốc. Đúng hẹn, ngày 18.3.2005, tôi, người em anh Hảo cùng vợ chồng cháu Tâm ra Phú Quốc. Viếng nghĩa trang, đoàn chúng tôi tìm được mộ với tâm bia ghi tên “ Trương Hảo – quê Thanh Khê (QN-ĐN), vượt ngục ngày 24.12.1971. Cả 4 chúng tôi mừng không nói nên lời. 3 ngày sau, hài cốt của anh được đưa về tới quê nhà và tổ chức Lễ truy điệu. Niềm ước nguyện bao nhiêu năm của tôi và gia đình anh Hảo mới trở thành hiện thực./.

           

[Trở về]
Các tin mới hơn:
PHÙ SA CÁCH MẠNG
Các tin cũ hơn:
TRONG CHIẾC NÔI TỘC HỌ, XÓM LÀNG
TRONG BÓNG CỜ SON
THUỶ CHUNG MỘT LÒNG VỚI CÁCH MẠNG
THÂN TÙ XƯA
TẶNG ANH TÀO VĂN HÀO
PHÙ SA CÁCH MẠNG
NGƯỜI ĐÓNG NẮP HẦM
NGƯỜI CON GÁI MẸ THỨ
NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI
LIỆT SĨ PHÚ QUỐC
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm