Ông Đỗ Văn Sắc, chủ cơ sở tái chế rác thải rắn Sơn Trang kể lại hành trình đến với mô hình tái chế rác thải này: trước những năm 1990, bắt nhịp cùng với cung cách làm ăn thời kinh tế mở cửa, ông bắt tay ngay vào kinh doanh ngành sắt thép xây dựng tại Hà Nội. Đến năm 1996, việc kinh doanh không còn thuận lợi như trước, thêm vào đó lại thiếu vốn để đầu tư nên ông quyết định tạm dừng. Sau đó, ông đi xuất khẩu lao động 3 năm tại Trung Quốc với mong muốn học hỏi được kiến thức làm kinh tế. Năm 2004, ông về quê chuẩn bị việc xây dựng cơ sở tái chế rác thải rắn - một hướng đi mà ông cho là hợp thời. Nhận thấy tay nghề của mình còn yếu, chưa có kinh nghiệm thực tiễn, ông tiếp tục đi học nghề tái chế rác thải rắn tại làng công nghiệp Như Quỳnh (thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Được sự chỉ bảo tận tình của những người đi trước, 3 tháng sau ông đã thạo nghề, có thể tự đứng ra mở cơ sở riêng.
Để chuẩn bị cho việc mở cơ sở tái chế rác thải rắn của mình, ông Đỗ Văn Sắc đã đi nhiều nơi như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… để chọn địa điểm mở cơ sở nhưng rồi ông dừng lại Quảng Nam. Là một người gốc Hà Nội nhưng ông chọn Quảng Nam để lập thân lập nghiệp không phải là sự ngẫu hứng. Theo ông, yêu cầu đầu tiên của hoạt động tái chế rác thải rắn là phải có đủ nguồn nguyên liệu đầu vào để đảm bảo việc sản xuất thông suốt; thứ nữa là có sự liên kết gần gũi giữa các đầu ra, tức là các đầu mối thu mua sản phẩm nhựa đã tái chế để giảm chi phí sản xuất, và cả yếu tố người lao động cần cù chịu khó. “Các yếu tố đó Quảng Nam đều đáp ứng cả, bởi Quảng Nam đang trên đà phát triển, mức sống người dân ngày càng nâng cao; các khu công nghiệp xây dựng ngày một nhiều và đây là những nguồn cung cấp nguyên liệu tái chế rất ổn định. Ngoài ra, việc hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, phát triển và bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng. Quảng Nam lại gần với TP. Đà Nẵng phát triển năng động với nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa…” - ông Sắc phân tích.
Công nhân phân loại rác thải trước khi đưa vào xử lý |
Từ nguồn vốn 300 triệu đồng, máy móc Trung Quốc cũ kỹ, lạc hậu với 10 công nhân, đến nay cơ sở của ông Sắc đã mở rộng quy mô lên gần 1.500m2, vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng, dây chuyền máy móc mới, hoạt động khép kín đến 90% quy trình. Nguyên liệu bao gồm các loại rác thải rắn như bọc ni lông, vỏ bao xi măng… sẽ được làm sạch bằng máy đánh, sau đó chuyển qua máy phay băm nhỏ rồi tiếp tục đưa vào máy nung nóng chảy thành hỗn hợp nước. Hỗn hợp này sẽ được đưa vào máy lọc để lọc bỏ cát sạn, các tạp chất khác, sau đó được đưa vào máy kéo sợi, kéo cắt ra thành những hạt nhựa quy cách, đóng bao xuất cho các nơi sản xuất nhựa. Trung bình mỗi tháng cơ sở tái chế rác thải rắn của ông Sắc tiêu thụ hết gần 40 tấn rác thải rắn các loại và xuất ra khoảng 30 tấn hạt nhựa cho thị trường sản xuất đồ nhựa. Cơ sở đã giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động địa phương với mức lương 1,8 - 2,3 triệu đồng/ tháng/người. Chị Nguyễn Thị Vui (thôn Hà My Đông, Điện Dương, Điện Bàn) cho biết: “Tôi làm ở cơ sở Sơn Trang được 3 năm nay, công việc của tôi là sơ phân loại rác trước khi đưa vào công đoạn làm sạch với thu nhập mỗi tháng 1,8 triệu đồng. Công việc này rất thích hợp với chị em vùng thôn quê này. Qua công việc, mình ý thức hơn trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường sống tại địa phương”.
Ông Đỗ Văn Sắc tâm sự: “Rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp mà đặc biệt là các loại rác thải rắn đang là mối lo ngại chung của xã hội. Được góp công sức của mình vào công tác bảo vệ môi trường là điều tôi hài lòng nhất. Tôi mong được cơ quan chức năng quan tâm tạo điều kiện về vốn để mở rộng cơ sở, đủ khả năng tái chế nhiều hơn nữa lượng rác thải rắn đổ ra môi trường, chăm lo được các chính sách cho người lao động”. Theo ông Lê Văn Khuê, Chủ tịch UBND xã Điện Dương, đây là mô hình kinh tế hoạt động rất thiết thực, vừa tạo việc làm cho người lao động địa phương vừa góp phần giải quyết vấn đề rác thải rắn tại địa phương.
HÀN GIANG (Theo Báo Quảng Nam)