Mấy ai biết được, chừng ấy năm đã có bao nhiêu người con ưu tú của mảnh đất Điện Bàn ngã xuống, xương máu của họ đã hòa tan cùng hồn thiêng sông núi để viết nên bản hùng ca về một thời gian khổ nhưng cũng đáng tự hào…
Là đất “địa linh, nhân kiệt” của xứ Quảng Nam. Điện Bàn có vị trí chiến lược quan trọng của Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Trong 2 thời kỳ kháng chiến Thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai luôn tìm mọi cách chiếm lĩnh Điện Bàn để tạo vành đai an toàn bảo vệ căn cứ Đà Nẵng, làm bàn đạp càn quét đánh phá các địa bàn chiến lược khác. Ngược lại, với Cách mạng Điện Bàn là nơi cung cấp nguồn nhân lực, là bàn đạp, chỗ dựa vững chắc để tấn công vào sào huyệt của địch ở Đà Nẵng. Vì thế, trong 2 cuộc kháng chiến, nơi đây thường diễn ra các cuộc đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch. Để thực hiện những sứ mệnh bảo vệ Đảng, nhân dân và đấu tranh có hiệu quả với những thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù, trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, lực lượng CA Điện Bàn đã ra đời và ngày càng lớn mạnh, trưởng thành đáp ứng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, ngành giao phó, ngày càng được nhân dân tin yêu…
Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Nguyên Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, trao đổi: Những ngày đầu thành lập, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo kịp thời của Công an tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ với mặt trận các Ban, ngành, sự giúp đỡ của nhân dân, được sự chi viện kịp thời của các địa phương, như: Hải Phòng, Thanh Hóa… lực lượng CA Điện Bàn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ vùng mới giải phóng và căn cứ địa cách mạng, luồn sâu, lót sát, tiêu diệt bọn tình báo, gián điệp, cảnh sát, tề ngụy ác ôn, đảng phái phản động, hỗ trợ cho phong trào phá kìm, phá ấp chiến lược, vận động kéo dân về căn cứ để xây dựng vùng giải phóng… Qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đã có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ CA Điện Bàn anh dũng hy sinh. Xương máu của các đồng chí đã tô thắm màu cờ Tổ quốc, cho đất Điện Bàn thân yêu sinh chồi, nảy lộc… được Tổ quốc, Nhân dân đời đời ghi nhớ. Trong 30 năm chiến đấu, các thế hệ CA Điện Bàn lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, được Nhân dân quý trọng. Các đồng chí đã đánh thắng các âm mưu, kế hoạch của các thế lực gián điệp, tình báo, tay sai phản động, bảo vệ an toàn các lực lượng và phong trào cách mạng, góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…
Lần giở lại những trang sử, chúng ta càng tự hào hơn về một thời đấu tranh gian khổ nhưng quá đỗi hào hùng của những chiến sĩ an ninh trên mảnh đất Điện Bàn.Với 9 năm (1945-1954) kháng chiến chống Thực dân Pháp, từ những người nông dân “chân lấm tay bùn”, những thanh niên… lòng đầy nhiệt huyết đứng lên đi theo Cách mạng. Với những vũ khí thô sơ nhưng lòng đầy quả cảm, với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” họ đã làm nên những chiến công khiến kẻ thù phải kinh hồn, bạt vía, cùng với quân dân cả nước làm thất bại ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của Thực dân Pháp… Những chiến công của CA Điện Bàn trong những năm ấy phải kể đến trận đánh diễn ra vào tháng 5-1946, phá vỡ âm mưu của địch phá dỡ đường ray xe lửa tại cầu Chiêm Sơn (Duy Xuyên) hòng làm đổ đoàn tàu chở quân Nam tiến từ miền Bắc chi viện cho miền Nam; trận phục kích tiêu diệt 2 trung đội trên đường đưa quân từ Vĩnh Điện lên Ái Nghĩa (Đại Lộc) vào ngày 14-3-1947; vụ đột kích bất ngờ bắt tên Việt gian Tôn Thất Dật- Đốc lý thành phố Đà Nẵng, bắt tên Mo-ro-linh mục tuyên úy quân đội Pháp; trong cuộc tổng phá tề, CA Điện Bàn đã tiêu diệt bọn chánh tổng, lý trưởng ác ôn… tại làng Ngũ Giáp, Ngọc Tam, Phú Bông vào tháng 5-1949 đã làm bọn tay sai khiếp sợ… Và cuối cùng là cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ngày 21-7-1954, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa buộc thực dân Pháp ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Nhân thất bại này, đế quốc Mỹ quyết định hất cẳng Pháp trực tiếp xâm lược Việt Nam. Một lần nữa, nhân dân Việt Nam lại đứng trước thử thách mới, vô cùng khó khăn. Thực hiện lời dạy của Bác “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết dành cho được độc lập”, một lần nữa CA Điện Bàn cùng quân dân cả nước tiếp tục đứng lên chiến đấu chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Từ ngày đầu đưa quân vào tiếp quản, địch liên tục gây ra nhiều vụ khủng bố, tàn sát hàng nghìn người dân yêu nước, cán bộ, đảng viên, đốt, xé cờ đỏ sao vàng tại một số địa phương, như: Viêm Tây (Điện Thắng), Hà Mật (Điện Phong), Kho muối (Điện Trung)… Năm 1959, Mỹ-Diệm ban hành đạo luật 10/59 cùng với chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, “sám hối”, “ly khai”… đã gây nhiều khó khăn cho cách mạng. Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng CA phải rút vào hoạt động bí mật hoạt động theo phương châm “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Từ thời gian này, lực lượng CA Điện Bàn bám sát vào sự chỉ đạo và thực hiện đúng các phương châm của Đảng đề ra để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình. Giai đoạn 1961-1965 thực hiện phương châm “xây dựng và củng cố lực lượng, góp phần đấu tranh làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy; giai đoạn 1965-1968 “Đẩy mạnh các mặt công tác, cùng với quân và dân quyết tâm đánh Mỹ, diệt Ngụy, góp phần làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của địch” để kết thúc bằng chiến thắng của cuộc nổi dậy xuân Mậu Thân 1968; “Kiên trì bám đất, bám dân, phối hợp với các lực lượng đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy” giai đoạn 1969-1973 và “Cùng với quân và dân chống địch lấn chiếm, đấu tranh thi hành hiệp định Pari, quyết tâm đánh thắng Mỹ - ngụy, giải phóng quê hương”… tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975
Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự hy sinh xương máu của các AHLS là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào những tình hình cụ thể của lãnh đạo và từng CBCS trong những tình huống cụ thể. Biến các Chỉ thị, Nghị quyết của Khu ủy, An ninh khu 5, Tỉnh ủy… thành phương châm, đường lối đấu tranh, Đảng lãnh đạo là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc. Từ đó, CA Điện Bàn luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối chỉ đạo của Đảng, của Ngành để giành thắng lợi. Cụ thể, từ những ngày đầu thành lập với vô vàn khó khăn, lực lượng mỏng, quân số ít, trình độ nghiệp vụ hạn chế, vũ khí thô sơ, nhưng CA Điện Bàn đã từng bước khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, của Ngành… triển khai, vận dụng linh hoạt đường lối đấu tranh cách mạng vào từng thời điểm, hoàn cảnh phù hợp, từng bước xây dựng, củng cố tổ chức, đánh địch, bảo vệ nội bộ, phòng, chống nội gián, phòng gian, bảo mật, vận động phong trào cách mạng… đã làm nên nhiều trận đánh bất ngờ, táo bạo, lập nhiều thành tích, chiến công vang dội, góp phần cùng quân và dân đánh bại âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó, CA Điện Bàn còn thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, dựa vào Nhân dân và phát huy sức mạnh của toàn dân vào cuộc đấu tranh cách mạng để giữ vững địa bàn hoạt động, xây dựng cơ sở, bảo vệ an toàn các cơ quan, các đồng chí lãnh đạo… Ngoài ra, CA Điện Bàn còn phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân, các cấp, ngành, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, đấu tranh làm thất bại âm mưu của địch. Một vấn đề tiên quyết khác là CA Điện Bàn luôn chú trọng đến công tác xây dựng lực lượng vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Cụ thể, từng bước sắp xếp, bố trí lực lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trên cơ sở chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và của Ngành. Qua từng thời kỳ cách mạng, CA Điện Bàn không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của mỗi thời kỳ và đối tượng đấu tranh, từng bước hoàn thiện, thành lập thêm nhiều bộ phận công tác từ huyện đến xã và không ngừng trưởng thành về mọi mặt trong từng giai đoạn lịch sử đấu tranh, tỏ rõ tinh thần yêu nước, ý chí tấn công địch.
Hôm nay, 47 năm sống trong hòa bình nhưng những tháng hào hùng của 30 năm kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ vẫn còn vẹn nguyên, những cái tên Nguyễn Hồng Thắng, Tống Trị (Phan Ngọc), Trương Minh Viễn, Mai Phước Tiệm, Võ Bá Huân, Nguyễn Giai, Tôn Thất Nguyên, Nguyễn Văn Tâm, Hà Phước Châu. … vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân. Và, truyền thống kiên trung, bất khuất… của những chiến sĩ Công an ngày ấy mãi mãi sống cùng quê hương Điện Bàn anh hùng./.
|