Kỳ tích sức người
Từng làm nhân viên phát hành báo chí, rồi cán bộ nhà nước và là chủ một doanh nghiệp ăn nên làm ra ở TP.Đà Nẵng nhưng Nguyễn Huy Hùng vẫn thấy cuộc sống của mình còn thiếu điều gì đó. Hùng bộc bạch: “Cái máu con nhà nông nó cứ chảy trong người tôi. Hễ thấy ruộng đồng, ao cá, thấy con gà, con heo là tôi lại muốn xắn tay áo vào làm. Bôn ba nhiều nơi nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ về đồi cát trắng, về con sông nhỏ chảy qua triền đồi mà cả tuổi thơ tôi ngày nào cũng chăn bò ở đó”. Năm 2003, đề án xây dựng trang trại mang tên Hà Gia với ý tưởng vừa chăn nuôi kết hợp với làm du lịch dân dã của Nguyễn Huy Hùng đã được UBND huyện phê duyệt. Trước 11ha đất hoang toàn xương rồng và cỏ dại, nhiều người lắc đầu khuyên anh đừng có “khùng” để số tiền lớn kia mà đầu tư chỗ khác, anh chỉ cười bảo “có sức người cát cũng thành cơm”.
Rồi sau đó là cả một năm trời, anh thường xuyên vắng nhà. Giao công ty ở Đà Nẵng lại cho vợ quản lý, anh cùng người cháu của mình bắt đầu khai hoang 11ha cát trắng. Sự nghi ngờ của mọi người cứ đổ dồn vào anh khi thấy một ông chủ doanh nghiệp đi xe hơi lại sẵn sàng làm anh nông dân thứ thiệt. Từ sáng đến tối mịt, anh quần quật trên những cồn cát khô cằn, để rồi ba năm sau đó, người dân trong vùng lại ngạc nhiên vì thấy trang trại Hà Gia đã hình thành. Bên bờ sông là hàng tre điền trúc thổi rì rào, phía trong xa là từng đàn bò thảnh thơi gặm cỏ, những cây cam trĩu quả. “Đó chỉ là giai đoạn khởi đầu của mục tiêu biến trang trại thành khu du lịch dân dã. Tôi muốn gọi là du lịch dân dã chứ không phải là sinh thái vì đến đây du khách sẽ có cảm giác như đang sống ở một vùng quê nào đó. Họ sẽ tự tay câu cá dưới hồ lên để nướng ăn, sẽ được ăn trái cam sành mọng nước và mắc võng đu đưa ngủ dưới trưa hè mà không phải vướng bận điều gì cả” - Anh Hùng tự hào nói.
Tuy chưa chính thức mở cửa đón khách, nhưng cứ đến dịp cuối tuần là dân câu cá, thanh niên ở Đà Nẵng ồ ạt về trang trại Hà Gia. Anh Hùng chưa thu phí vì cho rằng vẫn còn nhiều điều phải làm trước khi biến nó thành khu du lịch. Hơn 5 nghìn gốc cam, 2 nghìn gốc mãng cầu, 4 nghìn con gà, 20 con heo rừng, 2 hồ cá tự nhiên cùng 4 hồ cá nuôi và hàng ngàn gốc tre điền trúc là nguồn thu chủ yếu để anh biến ý tưởng thành hiện thực.
Quyết không bỏ cuộc
Anh Hùng kể về những khó khăn khi xây dựng trang trại với vẻ bình thản: 2 trận bão lớn quét qua, những gốc cam bị bật tung, hàng tre bên bờ sông đổ nhào, cá chình, cá diêu hồng bị cuốn theo dòng nước lũ. Vườn tược lại xơ xác, vợ con anh chưa kịp vui vì những tháng ngày có anh ở nhà lại tiếp tục thấy anh ra vô như con thoi khi thì Trà Vinh, Cần Thơ rồi Lào Cai. “Đó là kinh nghiệm sống còn của tôi. Từ hồi còn đi theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho chương trình khoán 10, tôi đã học được rất nhiều điều của người làm nông. Đừng bỏ cuộc. Đất nào cũng có cây của nó. Chỉ cần phủ xanh lại Hà Gia thì tôi sẽ làm lại được tất cả”- anh tâm sự. Những cây xoan Ấn Độ với sức chịu hạn, chịu bão được anh “tha” từ Trà Vinh về nay đã phủ xanh mướt cả một góc trang trại, những gốc mãng cầu lại ra trái trĩu cành. Tre điền trúc và cam tiếp tục được anh chăm sóc kỹ lưỡng chờ ngày mở cửa lại Hà Gia. Niềm tự hào cũng như niềm tin của anh lúc này là gà H'mông. Hơn 5 nghìn con gà H'mông được anh đem về từ Viện Bảo tồn vật nuôi quý hiếm nay đã bắt đầu đẻ trứng và được anh cho đem ấp. Anh cho biết: “Gà H'mông đen từ chân, mào, thịt đến lục phủ ngũ tạng, được bà con dân tộc miền núi phía Bắc xem là món thuốc bổ dưỡng. Món gà này đang rất được dân ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội ưa chuộng. Sau khi nuôi thành công hơn 1 nghìn con gà, tôi đem đi chào hàng thấy nhiều người ở Đà Nẵng tỏ ra quan tâm. Ngày càng có nhiều người tìm đến trang trại để đặt gà. Gà H'mông sẽ là nguồn thu để tôi khôi phục lại trang trại và không bao lâu nữa những ngôi nhà nghỉ mát dân dã sẽ mọc lại bên sông. Khách du lịch bụi và những người ưa thích cảnh nông nhàn sẽ lại dừng chân nơi đây”.
Giống gà đặc biệt qúy hiếm H’mông được nuôi thả vườn đang đem lại những nguồn lợi kinh tế lớn cho trang trại của anh Hùng (Ảnh: Q.M ). |
Với giá 100 nghìn đồng/kg, gà H'mông từ trang trại anh Hùng nuôi ngày càng thu hút nhiều khách hàng. Mỗi ngày anh bán ra hơn 50 con gà. Để đáp ứng nguồn cung, anh đầu tư một chiếc máy ấp trứng và tìm được những người nuôi gà vệ tinh. Ngoài gà H'mông, hơn 20 con heo rừng đang được anh chăm sóc kỹ để chờ ngày nhân giống. Anh nói: “Dù không mở cửa nhưng thỉnh thoảng cũng có khách ở Đà Nẵng ghé chơi và muốn ngồi câu cá qua trưa để tìm cảm giác thanh bình. Món gà nướng đắp bùn hay món cá rô chiên xù kèm với đọt lá xoan Ấn Độ là điều không thể bỏ qua khi ngồi tại Hà Gia. Tôi biết mình đã qua cái thời “ném đá dò đường”, giờ chỉ còn chờ ngày màu xanh phủ lại để trang trại thêm tươi mát một chút nữa. Bây giờ tôi mới 49 tuổi, khi nào tôi còn sống thì ý tưởng trang trại kết hợp với du lịch dân dã sẽ luôn luôn được tôi ưu tiên và thực hiện cho bằng được mới thôi”.
QUANG MINH (Theo Báo Quảng Nam)