Tham dự lễ kỷ niệm có đồng chí Phan Việt Cường – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Xuân Vinh – UV.BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Văn Tân – UV.BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương kết nghĩa. Về phía lãnh đạo thị xã Điện Bàn có đồng chí Phan Minh Dũng - Bí thư Thị uỷ; đồng chí Trần Hải Vân – Phó Bí thư TT Thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã; đồng chí Trần Úc - PBT Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã; đồng chí Phan Ngọc Hải – UV.BTV, Chủ tịch UBMTTQVN thị xã.
Cách đây 420 năm, với tầm nhìn chiến lược, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho dựng Dinh trấn Quảng Nam ở Thanh Chiêm – Điện Bàn, mở đầu cho sự phát triển thịnh vượng của xứ Đàng Trong trong suốt hai thế kỷ XVII và XVIII. Dinh Chiêm, được xem là kinh đô thứ hai, là trung tâm chính trị sau Phú Xuân, là nơi các vị hoàng tử “tập dượt” cách trị vì đất nước trước khi kế nhiệm ngôi Chúa.
Trải qua 230 năm phồn thịnh (từ năm 1602 đến năm 1832), Dinh trấn Thanh Chiêm có vai trò quan trọng trong việc mở cõi về phương Nam của dân tộc Việt. Đặc biệt, vùng đất Thanh Chiêm – Điện Bàn đã để lại những dấu ấn quan trọng trong quá trình khai sinh chữ Quốc ngữ. Thanh Chiêm được xem là chiếc nôi của chữ viết của dân tộc Việt ngày nay.
Địa điểm Dinh trấn Thanh Chiêm tại xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn được Bộ VHTT&DL xếp hạng là Di tích quốc gia vào ngày 24 tháng 5 năm 2017. Tôn vinh vai trò, vị trí của di tích Dinh trấn Thanh Chiêm, thị xã Điện Bàn luôn chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn kết phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội của Điện Bàn, Quảng Nam.
Nằm trên đường thiên lý Bắc – Nam, bên bờ Sài Thị Giang (nay là sông Thu Bồn) và gần cửa Đại Chiêm (Cửa Đại), cách Cửa Hàn không xa…, Dinh trấn Quảng Nam đã khẳng định được “sứ mệnh” lịch sử quan trọng. Các nhà buôn, giáo sĩ phương Tây thời ấy đã gọi đây là “Quảng Nam quốc”. Dinh trấn Thanh Chiêm vừa là “hậu cứ” vững chắc để các Chúa Nguyễn đối phó với Đàng Ngoài và các thế lực thù địch, vừa làm “bàn đạp” để nhà Nguyễn hoàn thành công cuộc Nam tiến, mở mang bờ cõi cho dân tộc Việt.420 năm đi qua với những thăng trầm của lịch sử, Dinh trấn vang bóng một thời đã chuyển tiếp vai trò, sứ mệnh, với sự tàn phá của thời gian, thiên tai, chỉ còn lưu lại những địa danh và vết tích. Tuy nhiên, giá trị lịch sử – văn hóa của Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ vẫn ngày càng được khẳng định và tôn vinh.
Thời gian qua, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của di tích Dinh trấn Thanh Chiêm, tổ chức nhiều hoạt động góp phần tôn vinh giá trị của chữ Quốc ngữ – ngôn ngữ chính thống của người Việt Nam trong công cuộc duy tân đất nước và hội nhập hôm nay.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Văn Tân – UVBTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chúc mừng và biểu dương những thành tích đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Điện Bàn đã đạt được trong thời gian quan và đặc biệt cảm ơn mọi tầng lớp Nhân dân Điện Bàn qua các thế hệ đã tích cực bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Dinh trấn Thanh Chiêm.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, vai trò, ý nghĩa, giá trị của di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử – văn hóa nói riêng ngày càng được nâng cao. Di tích là những bằng chứng quan trọng, minh chứng về lịch sử hình thành và phát triển của một quốc gia, dân tộc; cũng là để các thế hệ con cháu hiểu hơn về cội nguồn, về những giá trị truyền thống, đặc trưng văn hoá của một vùng đất, có tác động sâu sắc, nhân văn đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam hiện đại.
Lễ kỷ niệm 420 năm Dinh trấn Thanh Chiêm là sự kiện quan trọng mang đậm dấu ấn văn hóa – lịch sử của vùng đất Thanh Chiêm – Điện Bàn, là một trong những nội dung nằm trong chuỗi hoạt động Năm du lịch Quảng Nam 2022 nhằm tuyên truyền, tôn vinh, quảng bá với du khách trong và ngoài nước những giá trị văn hóa – lịch sử truyền thống của quê hương Điện Bàn, Quảng Nam.