Thời gian qua, Hội tăng cường khai thác nguồn vốn từ NHCSXH để tín chấp cho phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là kênh vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian cho vay vốn phù hợp, hỗ trợ rất thiết thực cho các hội viên nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay thuận lợi, giúp chị em phát huy được tính tự chủ trong việc phát triển kinh tế, góp phần phát triển phong trào của Hội, gắn hội viên với Hội, với chính quyền địa phương.
Hội liên hiệp phụ nữ thị xã có 20 cơ sở hội đã ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH thị xã. Đến nay, Hội phụ nữ thị xã đang quản lý với tổng dư nợ 247,234 tỷ đồng, có 6.068 thành viên. Để nâng cao chất lượng quản lý nguồn vốn được ủy thác, ngay từ đầu năm Ban Thường vụ Hội LHPN thị xã đã có kế hoạch chỉ đạo Hội LHPN các xã, phường thực hiện đúng quy trình công đoạn ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong đó chú trọng công tác bình xét cho vay vốn đúng đối tượng, công khai dân chủ, đảm bảo quy trình. Phối hợp với NHCSXH thị xã thực hiện phân tích, đánh giá từng khoản nợ quá hạn, nợ lãi tồn đọng chi tiết đến từng hộ để có biện pháp xử lý tích cực. Cũng từ các nguồn vốn vay mà nhiều hộ trước đây còn chật vật với cái đói, cái nghèo nay đã vươn lên thoát nghèo, vượt khó, tích cực mở rộng sản xuất trở thành hộ khá, hộ giàu góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế và ổn định xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh trên địa bàn thị xã.
Để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả. Thời gian qua, Hội LHPN thị xã vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên phụ nữ đổi mới tư duy, cách làm, mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả, thân thiện với môi trường; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng khoa học công - nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh...Tạo điều kiện cho chị em tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp quản lý nguồn vốn...nhiều chị đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh; trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm; xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp; trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn...cho thu nhập cao, giúp các gia đình nghèo và cận nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Đồng thời với việc giảm tỷ lệ hộ nghèo Hội LHPN thị xã chú trọng công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của người vay vốn, hạn chế tư tưởng ỷ lại của hội viên phụ nữ nghèo. Nhờ vậy, tỉ lệ nợ quá hạn của Hội hiện nay là 0,023%.
Không chỉ hướng dẫn hội viên, phụ nữ đầu tư nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả. Hội Phụ nữ các cấp đã tuyên truyền, vận động các thành viên vay vốn tích cực, tham gia “Huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ vay vốn” để giảm gánh nặng trả nợ gốc, phát huy nguồn vốn tại chỗ và duy trì tính bền vững của mỗi chương trình tín dụng. Đến nay, đã có thành viên ở 176/176 tổ tiết kiệm, vay vốn tham gia gửi tiết kiệm, với số dư tiết kiệm 20.036 triệu đồng đạt 100%.
Để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, ngoài việc tăng dư nợ cho phụ nữ có vốn để sử dụng, định kỳ hàng năm Hội đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thị xã trong việc triển khai các chính sách mới; phối hợp tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội phụ trách hoạt động uỷ thác và tổ trưởng các Tổ TK&VV về kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro, hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích, áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả đồng vốn, bảo toàn nguồn vốn. Chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng vốn tín dụng chính sách trong quá trình thực hiện. Chính nhờ làm tốt công tác quản lý nguồn vốn đã tạo điều kiện cho chị em phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập, phát huy năng lực, mở rộng phát triển chăn nuôi, trồng trọt, phát triển ngành nghề kinh doanh dịch vụ... Tiêu biểu như các chị: Chị Cao Thị Bông (Điện Quang); Phan Thị Cẩm Vân (Điện Nam Bắc), Chị Nguyễn Thị Hơn (Điện Minh), Nguyễn Thị Miễn (Điện Dương); chị Nguyễn Thị Kiều Trang (Điện Hòa); chị Đoàn Thị Mười (Điện An), chị Phạm Thị Thuận (Điện Trung), chị Nguyễn Thị Hồng Lệ (Điện Tiến); chị Nguyễn Thị Thanh Hồng (Điện Thọ),....
Ngoài ra hội còn làm tốt các phong trào, các cuộc vận động do các cấp phát động. Điển hình như phong trào: “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, "Tổ góp vốn xoay vòng"....giúp chị em vay tiền không lấy lãi. Nhờ vậy, ngày càng nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo, đồng thời góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị xã xuống còn 0,9% cuối năm 2021. Tích cực vận động hội viên phụ nữ tham gia “Tuần lễ tiết kiệm chung tay vì người nghèo” vượt chỉ tiêu vận động số tiền 4,6 tỷ đồng/2,5 tỷ đồng.Thời gian tới, Hội Phụ nữ tiếp tục phát huy vai trò định hướng và là cầu nối hỗ trợ hiệu quả để giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, xóa nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tạo thuận lợi cho chị em được tiếp cận nguồn vốn, có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.