Nội dung chi tiết

TỪ MẢNH ĐẤT KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 09/03/2009 .Lượt xem: 4111 lượt. [In bài]

Cùng với hành trình mở nước về phương Nam, đất Điện Bàn đã được bao lớp tiền nhân dày công khai khẩn tạo dựng. Danh nhân Nguyễn Trãi từng khẳng định đây là vùng đất phên dậu của nước Đại Việt (*). Đứng trấn ở vị trí ấy, lịch sử đất Điện Bàn đã được viết nên từ những trang oanh liệt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ giang sơn Tổ Quốc.

Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, truyền thống văn hóa và tinh thần yêu nước của nhân dân Điện Bàn ngày càng được đắp bồi lên cao mãi. Vì thế, bao thế hệ người Điện Bàn đã được sinh thành, dưỡng nuôi bằng bầu sữa ngọt của mãnh đất phù sa sông Thu và của tình đất Mẹ quê hương, thấm đẫm lòng yêu thương và tinh thần nhân dân cao cả. Từ rất lâu, trong chiếc tao nôi, câu ca mẹ ru con đã thầm thì kể về nhừng người anh hùng lớp tiền bối trước cách mạng tháng Tám đã xả thân vì nước như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Nguyễn Duy Hiệu, Phạm Như Xương, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương … Cũng từ rất lâu, khi nhắc đến Đất Điện Bàn vừa xanh vừa mát - Người Điện Bàn dào dạt tình thương (**) nhiều người lại nhớ đến những khúc tráng ca về vùng đất có nhiều kỳ tích. Đã là mãnh đất học, với danh thơm Ngũ phụng tề phi, với biết bao anh tài thời nào cũng có. Đó là đất văn hóa với những địa danh lịch sử như dinh trấn Quảng Nam, Thành La Qua, Gò Nổi, Bồ Bồ, Cẩm Sa, Thanh Quýt …Và, trong trong thời đại Hồ Chí Minh, Điện Bàn vang danh thêm tên gọi đất anh hùng.

Gọi đất anh hùng vì bởi trong dặm dài hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, đất Điện Bàn đã ngời sáng những tấm gương kiên trung với cách mạng, với vận mệnh đất nước, quê hương. Trải qua gần 3 thập kỷ kháng chiến, trên mãnh đất Điện Bàn đã có 15/16 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, gần 1500 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cũng nhừ những thành tích đặc biệt trong kháng chiến, Điện Bàn đã được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh  hùng lực  lượng  vũ trang  nhân  dân, cùng 12 Huân chương Thành Đồng, 290 Huân chương Giải phóng, 616 Huân chương Độc lập, 1200 Huân chương Chiến công giải phóng, 15.959 Huân chương và 10.629 Huy chương kháng chiến và nhiều danh hiệu khác. Đã có 5000 danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt xe cơ giới, bắn máy bay và có 19 đơn vị, 27 người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tính chất anh hùng của đất và người Điện Bàn còn thể hiện qua khía cạnh của những mất mát hy sinh vô cùng to lớn mà chiến sỹ, đồng bào nơi đây gánh chịu từ cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Để biến Điện Bàn thành vành đai bảo vệ căn cứ quân sự lớn tại Đà Nẵng, hết Pháp rồi đến Mỹ đã ra sức xúc tát dân, cày ủi, hủy diệt hàng trăm xóm làng; ném bom, càng quét, bắn giết, bắt bớ đánh đập tra tấn làm hơn 4 vạn người bị thiệt mạng, 14.805 người bị thương tật, 5000 trẻ em mồ côi. Đặc biệt, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Mỹ - Ngụy và chư hầu đã biến miền Nam, trong đó có mãnh đất Điện bàn, thành vùng nước sôi lửa bỏng, với mức độ chiến tranh ngày càng leo thang, sức hủy diệt ngày càng lớn. Lời truyền tụng về tính chất ác liệt của cuộc chiến đã được diễn đạt một cách nôm na rằng  Nhất Củ Chi nhì Gò Nổi, hay Nhứt Củ Chi, nhì Điện Bàn.

Vượt lên những đau thương, người Điện Bàn đã cầm súng chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ đất đai xứ sở. Quân và dân nơi đây đã lập nên bao chiến công chói lọi, từ những trận đánh Bồ Bồ- một trận Điện Biên Phủ ở khu V thời kháng Pháp, đến trận Bảy Dũng sỹ Điện Ngọc (***), mở ra thời kỳ quá kèm; rồi đồng khởi giải phóng năm 1964; tiến công từ vùng nông thôn vào đô thị năm 1968; vượt tiến lửa Hòa Tiến, Điện Ngọc đưa mũi tiến công của quân dân ta vào giải phóng thành phố Đà Nẵng tháng 3/1975… Để có những chiến công anh dũng ấy, đất Điện Bàn đã cống hiến biết bao máu xương, trong đó có gần 1,9 vạn người con ưu tú hy sinh vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Nổi lên trong phong trào đấu tranh của người Điện Bàn với thực dân đế quốc và tay sai là một tinh thần, ý chí tiến công bền bỉ, những tấm lòng trung kiên với cách mạng. Đó là hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, người để lại những trang đời huyền thoại cùng 9 người con hy sinh cho cách mạng. Đó là ngọn đèn không tắt từ tấm lòng kiên trung, thủy chung của mẹ Cọng, soi đường cho con cháu đi hoạt động. Đó là hình ảnh người thanh niên Nguyễn Văn Trỗi, 9 phút làm nên lịch sử giữa đô thành Sài Gòn, không chụi cúi đầu khuất phục trước giặc Mỹ và tay sai. Đó là chị Trần Thị Lý, cắn răng chịu bao đòn roi hiểm ác của kẻ thù vẫn một lòng hướng về cách mạng, về Bác Hồ.

Có hàng ngàn, hàng vạn tấm gương kiên trung bất khuất của người Điện Bàn trong cuộc chiến đấu sống mãi với kẻ thù xâm lược. Và có điều rất lạ là khí chất anh hùng của người Điện Bàn đã được nối tiếp thành truyền thống mà ở bất cứ đâu, lúc nào, có dịp là tỏa sáng, là thấm đượm từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ quê hương bổn xứ hay đến góc bể chân trời.

Nằm trong dòng mạch của mãnh đất anh hùng, cùng với các phong trào chính trị và quân sự võ trang của nhân dân Điện bàn, còn có một bộ phận lực lượng đấu tranh khá mạnh mẽ ở trận tuyến khác - đó là đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, quần chúng trung kiên không may rơi vào tay giặc, bị cầm cố, tra tấn dã man qua các nhà tù. Đã có hơn 5000 cán bộ, chiến sỹ xuất xứ từ mãnh đất này, tham gia kháng chiến rồi bị địch bắt, giam từ lao xá Vĩnh Điện, đến Hội An, Đà Nẵng, Côn Đảo, Phú Quốc… Ở trong tù, không có tất sắc trong tay, dù bị đánh đập dã man, tàn bạo nhưng hầu hết anh em cán bộ, chiến sỹ ta đã biến ý chí trung thành với lý tưởng cách mạng, lòng căm thù giặc, tình yêu quê hương, tình dồng đội, đồng chí… thành vũ khí sắc bén để tiến công kẻ thù. Giữ vững khí tiết của người cộng sản, trọn niềm thủy chung với tổ chức Đảng, cơ sở cách mạng là nhân tố chính làm nên những phong trào đấu tranh không kém phần quyết liệt của các tù nhân trong các nhà tù của thực dân đế quốc. Và những tấm gương trung liệt đã trở thành biểu tượng của chính nghĩa, của lý tưởng cộng sản, của phong trào đấu tranh cách mạng. Xưa, nhiều người nhắc đến Chí Sỹ Trần Cao Vân (1886 – 1916), 28 tuổi bắt đầu bước đường hoạt động cứu nước, cứu dân, rồi 5 lần, bảy lượt bị giặc Pháp và tay sai bắt giam, tra khảo, đánh đập, cuối cùng bị giặc xử chém. Thì đến kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất Điện Bàn đã có biết bao người, dấn thân vào cuộc đời hoạt động cách mạng và khi bị địch bắt vẫn không chịu khuất phục, sẵn sàng hy sinh tính mạng chứ nhất quyết không phản bội Tổ quốc, nhân dân. Đó là một dòng chảy mạnh mẽ từ nguồn mạch đất anh hùng.

Từ mãnh đất anh hùng, cách mạng đã gieo hạt và hun đúc nển những con người kiên trung, bất khuất. Lịch sử sẽ mãi mãi khắc ghi, và chính họ là những tấm gương sáng ngời để con cháu noi theo và học tập.

Tập sách “Điện Bàn – những người con kiên trung, bất khuất”, bạn đọc bắt gặp những hồi ức rất sinh động và những tấm gương các anh hùng, liệt sĩ. Dù chưa phản ảnh hết tội ác của kẻ thù, nhưng phần nào đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về quá khứ hào hùng của những người con sinh ra trên mãnh đất Điện Bàn.

Do hoàn cảnh và điều kiện có hạn, tập sách chưa tập hợp và thu thập đầy đủ những nhân chứng và sự kiện đã xảy ra, rất mong bạn đọc đóng góp ý kiến để lần tái bản sau được đầy đủ hơn!

 

 

                                                                                         BAN BIÊN TẬP

(*) : Dư địa chỉ - Nguyễn Trãi

(**): Ca dao, dẫn theo Văn nghệ dân gian QNĐN

(***): Theo tư liệu của đồng chí Lê Tấn Viễn, một trong bảy Dũng sỹ Điện Ngọc thì có 11 người, gồm 7 chiến sỹ bộ đội chính quy và 4 cán bộ huyện Điện Bàn.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
LỜI GIỚI THIỆU
LỜI TỰA

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm