Không chỉ năng động, giỏi giang trong làm kinh tế mà cựu chiến binh Phùng Tấn Trưng còn nhiệt tình với công tác Hội và luôn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương.
Vừa mới gặp, chúng tôi được ông tiếp đón bằng nụ cười đôn hậu và cái bắt tay quen thuộc của người lính. Tháng 10/1976, ông Trưng lên đường nhập ngũ và tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Đến cuối năm 1980, ông trở về quê hương nhưng lại mắc phải căn bệnh viêm đa khớp khiến ông mất khả năng lao động. Phải mất 2 năm sau, ông mới bình phục và lao động kiếm kế sinh nhai, lo toan cuộc sống gia đình. Nhắc đến đây, ông Trưng bồi hồi kể lại: “Lúc từ chiến trường trở về và điều trị xong bệnh, nhiều người động viên tôi nên học tiếp. Ngờ đâu biến cố ập đến, cha tôi vừa ra tù thì qua đời do vết thương quá nặng, mẹ tôi chưa ăn được cái Tết hòa bình cũng theo gót cha tôi. Mọi trách nhiệm đè lên vai, buộc tôi phải đi làm nuôi em, nuôi ông bà nội già yếu…”.
Ông Trưng tâm sự: Ngày trước cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Tôi đã đi tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi và được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ đó tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng và bắt tay vào chăn nuôi gà lai thả vườn. Tuy vậy, thời gian đầu thu nhập chỉ ở mức trung bình, tạm đủ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.Thực tế, nuôi gà lai thả vườn không còn là mô hình khởi nghiệp mới song với ông Trưng nó hoàn toàn xa lạ.
Bản thân vốn là cựu chiến binh, trở về sau chiến tranh ông mang trong mình rất nhiều bệnh tật, sức khỏe yếu. "Vốn xuất thân từ nhà nông nên tôi chỉ biết làm ruộng, thêm vào đó là nấu rượu để bán nhưng được thời gian tự nhận thấy nguồn thu nhập không đủ phục vụ sinh hoạt. Tôi tìm hiểu, học hỏi nhiều nơi về các mô hình khởi nghiệp và được người bạn giới thiệu về mô hình nuôi gà lai thả vườn. Thấy phù hợp với bản thân nên tôi quyết định theo. Tất cả số tiền dành dụm cộng với vay mượn tôi mang ra chơi "tất tay", mua lứa gà giống đầu tiên về nuôi nhưng cuối cùng gặp sự cố nên chúng chết dần", ông Trưng nhớ lại. Cũng theo ông Trưng, vì là kẻ tay ngang nên ông thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi, phòng ngừa bệnh tật cho gà nên số gà giống đầu tiên mới chết vì dịch bệnh. "Lúc đó tôi thật sự hoang mang, tiền trong nhà có bao nhiêu dành hết vào đó rồi nên không biết lấy đâu ra để tái đầu tư. Rất may là dù thất bại nhưng được mọi người trong gia đình ủng hộ nên tôi quyết định đi vay thêm tiền để tiếp tục theo đuổi công việc nuôi gà", ông Trưng cho biết.
Để tránh đi vào "vết xe đổ", lần này, ông Trưng chịu khó mang theo sổ sách đi khắp các trang trại gà ăn nên làm ra học hỏi kinh nghiệm. Từ cách chọn giống, cho ăn đến cách tiêm phòng vaccine phòng bệnh... đều được ông ghi chép tỉ mỉ. Từ những "bí kíp" học được ông mang về sao chép nguyên mẫu cho trang trại gà của mình và cuối cùng những kỳ vọng của ông cũng trở thành hiện thực. Lứa gà đầu tiên xuất bán ông đã thu hồi vốn. "Ý chí người lính buộc tôi không được dừng lại ở thất bại và thật sự tôi đã làm được. Kể từ năm 2000, để việc chăn nuôi không ảnh hưởng đến môi trường sống của bà con, tôi dời trang trại gà ra khỏi khu dân cư, ngày đêm túc trực ở đây để theo dõi cặn kẽ quá trình gà phát triển", ông Trưng bộc bạch. Hiện nay, trang trại gà của ông Trưng là một trong những trang trại lớn tại Điện Dương, ông Trưng cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có nhu cầu học hỏi. Theo ông Trưng, nuôi gà phải chịu khó, ngày đêm theo dõi, bám sát để khi phát hiện các triệu chứng lạ của gà thì kịp thời can thiệp. Việc cho ăn cũng điều độ, đúng giờ thì gà mới nhanh phát triển. Hằng tháng ông Trưng đều nhờ cán bộ thú y xuống kiểm tra tình hình dịch bệnh và tiêm vaccine nếu cần thiết. Ngoài ra, việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, kể cả việc phun sương làm giảm nhiệt cũng cần được quan tâm. Tất cả những phần việc đó nếu làm đúng quy trình, chuẩn khoa học sẽ lấy được "chìa khóa" thành công.Giống gà màu lai vườn trở thành “chìa khóa” mang đến sự thành công cho ông Trưng trong việc chăn nuôi gà từ năm 2000 đến nay. Vì không muốn để việc chăn nuôi ảnh hưởng đến bà con làng xóm, ông Trưng thuê mảnh đất trống cách xa khu dân cư để xây dựng trang trại gà hiện đại có đầy đủ máng nước tự động, hệ thống phun sương làm giảm nhiệt.
Không chỉ phấn đấu làm giàu cho gia đình, ông Trưng còn giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh phí, con giống... và phổ biến cho bà con về kỹ thuật chăm sóc vật nuôi. Ông cũng thường xuyên vận động người dân trong xóm, xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ gia đình khó khăn trong xóm từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Quá trình là Chi Hội trưởng Hội Cựu chiến binh khối phố Tân Khai, ông Trưng còn lập nên các nguồn quỹ "Xóa đói giảm nghèo", "Quỹ lưu động" nhằm hướng đến hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh gặp khó khăn, yếu thế trong cuộc sống.
Đồng thời tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Cần cù, năng động, sáng tạo, Cựu chiến binh Phùng Tấn Trưng đã phát triển mô hình kinh tế cho thu nhập cao, trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu để hội viên hội CCB học tập và làm theo.