Ngay từ những nguyện vọng đầu tiên với tư cách là “người yêu nước An Nam”, Nguyễn Ái Quốc đưa ra Bản yêu sách 8 điểm gửi đến hội nghị Vec-xây, trong đó điểm thứ 6 yêu cầu: Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ. Tức là trong tư tưởng của Người, việc giáo dục luôn là một nhiệm vụ cấp thiết cho dù quốc gia đó là một nước thuộc địa hay độc lập. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, ba thứ “giặc” cần phải “diệt” đó là: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong hoàn cảnh đất nước hơn 90% dân số mù chữ thì việc học của người dân là một trong những vấn đề cốt yếu bởi theo Người, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dạy học nhằm phát triển trí tuệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Trong giáo dục, người học bao giờ cũng là trung tâm, học để phát huy năng lực trong từng con người, trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì một nền giáo dục phải là “một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Người không đồng tình với quan điểm cách dạy, cách học không hướng vào sự phát triển của người học, không kích thích sự suy nghĩ trong học tập, phải “đóng giầy theo chân”, không phải “khoét chân cho vừa giầy”. Học đi đôi với hành luôn là một nội dung được Người thường xuyên nhắc nhở, kiến thức thường thức là điều kiện cần, muốn phát triển toàn diện thì phải biết áp dụng kiến thức đó vào thực tế, lý luận song hành với thực tiễn, học tập thì theo nguyên tắc: kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau. Bên cạnh đó, Người rất chú trọng đến việc rèn luyện đạo đức của học sinh, Người nhắc nhở “trong chương trình học, phải trọng về môn tinh thần và đạo đức”, “cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết: yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hóa” tức là giáo dục phải khơi gợi cho trẻ tình yêu thương quê hương, đất nước, tính kỷ luật từ khi còn là học sinh trên ghế nhà trường. Dạy học văn hóa không chỉ là dạy đọc, dạy viết, “mà còn phải chú trọng dạy đạo đức công dân”, bởi theo Người “hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Bác Hồ đang theo dõi một cháu nhỏ đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội năm 1958
Muốn làm được những điều trên thì vai trò dẫn dắt của người thầy là điều quyết định. Dạy cho một người thầy là dạy cho cả một thế hệ, vì thế vai trò người thầy giáo từ xa xưa đến nay luôn được khẳng định, “óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”. Người đề cao vai trò của người thầy, theo Hồ Chí Minh, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là những người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, là “những người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh”. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa, giáo dục phải là nền tảng cho các lĩnh vực. Người nhắn nhủ “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, nghĩa là trong bất cứ hoàn cảnh nào thì giáo dục vẫn phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, và “làm tròn nhiệm vụ là anh hùng”. Người thầy không những là người trực tiếp truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn bồi dưỡng cho các thế hệ về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, rèn luyện, tu dưỡng về mặt đạo đức, vì vậy phương pháp của người thầy có ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của học sinh. Những người “anh hùng vô danh” này luôn phải thường xuyên rèn luyện trao dồi cả đức và tài để trở thành người khai sáng tri thức cho các thế hệ, vai trò của người thầy là hết sức quan trọng như Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã nói “nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được”.
Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh các trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng
Một trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra đó chính là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; muốn thực hiện tốt được nhiệm vụ này đòi hỏi giáo dục phải là nơi khơi nguồn, đào tạo nhân tài cho đất nước, quan điểm và tư tưởng của Hồ Chí Minh về việc học tựu chung lại cũng vì mục đích duy nhất đó chính là: “thật thà phụng sự nhân dân”. Năm 2022, là năm tròn kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022), một lần nữa chúng ta có dịp tôn vinh, tri ân những người thầy luôn cống hiến tận tụy cho nền giáo dục nước nhà, ngày đêm miệt mài đào tạo cho đất nước một thế hệ năng động, sáng tạo, có tinh thần yêu nước, khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
|